Tiếng tăm của Starbucks đã vượt khỏi lãnh thổ Hoa kỳ rất xa |
Legendee vẫn quá nhỏ bé so với Starbucks
Trong tháng 4, Trung Nguyên – công ty đã từng có “lịch sử” tranh chấp tên miền thương hiệu, lại gặp phải “rắc rối” khi tên miền liên quan đến thương hiệu Legendee coffee mà mình đang kinh doanh, bị một cá nhân tên Nguyễn Trọng Khoa (Tp. HCM) mua lại.
Trọng Khoa sử dụng tên miền Legendeecoffee.com, để nhúng nội dung quảng cáo cho café Starbucks mà trên lý thuyết, đây là thương hiệu cạnh tranh với café Trung Nguyên.
Thế nhưng, công cụ Google Keyword Tool cho thấy, số lượt tìm kiếm liên quan đến từ khoá "Starbucks" là 7.480.000/tháng.
Trong khi, đối với từ khoá Legendee, chỉ có khoảng 1000 lượt tìm kiếm/toàn cầu, và các các từ khoá cạnh tranh với Legendee đó là: kopi luwak, luwak, luwak coffee, civet coffee, most expensive coffee… năng lực cạnh tranh với từ khoá Legendee của "Legendee coffee" rất thấp - 260 lần/tháng.
Phân tích của Google về các từ khoá cạnh tranh với từ Legendee |
Điều này thể hiện được tầm vóc của Starbucks trên thị trường quốc tế, cũng như việc Legendee chưa trở thành một thương hiệu vượt ra xa khỏi lãnh thổ Việt Nam như Trung Nguyên mong đợi và (có lẽ) Trung Nguyên cũng chưa cần phải mua lại tên miền Legendeecoffee.com.
Thông qua một nguồn tin trung gian, một người có tiếng nói tại Starbucks cho biết: “Việc sử dụng một tên miền thương hiệu khác để quảng bá cho Starbucks không nằm trong chiến lược phát triển của công ty và nếu anh ta (Trọng Khoa), nói rằng Starbucks sẽ hợp tác, anh ấy (Trọng Khoa) nên cung cấp bằng chứng cho báo chí vì chúng tôi không bao giờ hợp tác bằng… miệng”.
Hiện, trên trang chủ của Legendeecoffee.com vẫn là nội dung quảng bá cho Starbucks, trong khi hotline (số điện thoại liên hệ) ở phần bottom (đuôi trang) là số điện thoại cá nhân của Trọng Khoa, và khi bấm và nội dung trang thì chuyển sang tên miền tanhoangminhgroup.com – vốn là một công ty Bất động sản với nhiều dự án nổi tiếng, tên miền này được rao quyền chuyển nhượng lên tới 300.000 USD.
Điều này, trái với nguyên tắc quảng bá của một thương hiệu mang tính toàn cầu như Starbucks, khi mà "hotline" không liên quan đến thương hiệu này, đồng thời đường dẫn ẩn lại trỏ đến một liên kết không thuộc phạm vi kiểm soát của Starbucks.
Trao đổi với Trọng Khoa, anh không đưa ra được dẫn chứng nào về việc Starbucks có liên hệ với mình hay không. Anh nói, sẽ mua cafe Starbucks để "bán cho các cá nhân mang về nhà pha, hoặc làm quà biếu".
Mặc dù vậy, chi phí nhượng quyền thương hiệu của Starbucks là con số rất lớn và cá nhân Trọng Khoa có "kham" nổi hay không là một nghi vấn dường như đã có câu trả lời đó là "không thể".
Đặng Lê Nguyên Vũ: “Tôi buồn phiền”
Trong các thương hiệu café lớn tại Việt Nam hiện nay, có thể kể đến Highlands coffee và The Coffee Bean & Tea Leaf, Trung Nguyên cafe. Trong đó, chỉ có The Coffee Bean & Tea Leaf quảng bá rõ ràng về chuỗi cửa hàng của mình trên website.
Chia sẻ trên kênh VTC 2, ông Đặng Lê Nguyên Vũ cho biết, Trung Nguyên không có ý định mua những tên miền liên quan đến Legendee mà báo chí nhắc tới, mà chỉ tập trung phát triển tên miền hiện tại (legendee.com). Trang chủ của cafe Trung Nguyên hiện nay có đuôi là ".com.vn"
“Tôi chỉ buồn phiền vì một số bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp đã không lương thiện, có lẽ luật pháp không cấm nhưng về đạo đức thì không nên, bởi thành công của chúng ta đâu chỉ dựa trên chỉ số tiền bạc. Nếu các bạn trẻ vẫn tiếp tục như hiện tại Việt Nam mình không có tương lai”, ông Vũ nói thêm.
Trước đó, Đặng Lê Nguyên Vũ đã có cơ hội để mua tất cả tên miền thương hiệu liên quan đến Legendee của mình, với cái giá chỉ khoảng 200.000 đồng/tên miền .com.net và 350.000 đồng/tên miền .com.vn, phí duy trì từ 200.000 - 480.000 đồng/năm. Tuy nhiên, Trung Nguyên đã không làm điều này.
Hiện Trung Nguyên mới chỉ dừng ở mức phát triển thương hiệu Legendee ở việc bán cafe pha sẵn, hoặc đóng gói cho những người có nhu cầu, không có chuỗi cửa hàng nào mang tên thương hiệu Legendee.
Theo VTC News