Thị trường hạt tiêu toàn cầu trị giá khoảng 2 tỷ USD. Sự xuất hiện của Việt Nam tại Sở giao dịch hàng hóa Singapore cho thấy Việt Nam đang dần trở thành một thế lực mới trên thị trường toàn cầu, trong khi vị trí này của Ấn Độ đang suy yếu.
Giá cả giao dịch ở Sở Giao dịch hàng và phái sinh quốc gia (NCDEX) của Ấn Độ thường là định hướng cho thị trường hạt tiêu toàn cầu, nhưng giờ đây lợi thế này đang có nguy cơ bị cạnh tranh.
“Thị trường giao dịch vẫn trong giai đoạn mới hình thành nhưng các thương gia Việt Nam rất năng nổ. Các nhà kho là điểm trung chuyển hàng đang trở nên đầy ắp”, S.Kannan, giám đốc điều hành Cộng đồng hạt tiêu quốc tế, một liên minh các quốc gia xuất khẩu hạt tiêu cho biết.
Ấn Độ gần đây đã phải chịu một loạt những ảnh hưởng tiêu cực như sản lượng giảm, chi phí lao động tăng, quy mô nông trường nhỏ, trình độ cơ khí hóa thấp và những chính sách không phù hợp khiến sức cạnh tranh trên thị trường hàng hóa ngày càng giảm so với đối thủ ở Đông Nam Á.
Mặc dù không so được với Ấn Độ về quy mô và tài nguyên, nhưng vị thế của Việt Nam như là một trung tâm giao dịch hàng hóa đang ngày càng được củng cố. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã lần lượt vượt qua Ấn Độ ở một loạt mặt hàng như hạt điều, hải sản, cà phê và hạt tiêu. Sắp tới đây, Việt Nam có thể vượt qua Ấn Độ về sản xuất cao su.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp và thương mại đang bắt đầu thu hút các nhà đầu tư toàn cầu. IFC, một chi nhánh của Ngân hàng Thế giới, gần đây công bố hai khoản đầu tư trị giá 40 triệu USD để hỗ trợ nhu cầu của Việt Nam về thương mại và tài chính hàng hóa.
Hạt tiêu Việt Nam ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường nước ngoài. |
Theo ông PK Joshi, giám đốc Đông Á của Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế, Việt Nam có lợi thế từ những chính sách kết nối toàn bộ chuỗi giá trị, từ sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng ở nước ngoài. Những chính sách này cũng đang được cải thiện hiệu quả ở mỗi cấp độ.
“Việt Nam cho chính sách riêng cho sản xuất để đảm bảo giao hàng đúng hạn và dịch vụ chất lượng cao, chính sách tạo các kết nối trên thị trường và chính sách thương mại rất hiệu quả với những chiến lược rõ ràng về từng thị trường mục tiêu. Tất cả những điều này đã trở thành một công thức cho thành công của Việt Nam trên thị trường hàng hóa thế giới”, ông Joshi nói.
Một thập kỷ trước đây, Ấn Độ là nhà sản xuất hạt tiêu lớn nhất thế giới, với thu hoạch hàng năm khoảng 80.000 tấn. Nhưng trong khi sản lượng của nước này giảm còn 48.000 tấn, Việt Nam đã tăng lên 120.000 tấn và hiện nay xuất khẩu hạt tiêu nhiều gấp 5 lần Ấn Độ.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với hạt điều. Ấn Độ thường mua hạt điều thô từ Việt Nam để chế biến và tái xuất, nhưng gần đây nước này đã xây dựng những trung tâm chế biến của riêng mình. Ngày nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 170.000 tấn hạt điều nhân so với 110.000 tấn của Ấn Độ.
Sản lượng cao cũng khiến Việt Nam vượt qua Ấn Độ trên thị trường thủy sản thế giới. “Việt Nam đã thực hiện hoạt động chăn nuôi rất tập trung. Trong khi chúng tôi mới đạt mức xuất khẩu thủy sản 3,5 tỷ USD, họ đã vượt mức 5 tỷ USD”.
Con tôm, một mặt hàng có lợi nhuận cao hàng đầu trên thị trường hàng hóa, cũng lại là lợi thế của Việt Nam. “ Sản lượng tôm của Việt Nam là 75.000 tấn trong khi Ấn Độ chỉ là 30.000 – 40.000 tấn. Việt Nam còn có năng suất đặc biệt cao trong sản xuất cá basa, 250 tấn/hecta trong khi Ấn Độ là 20 tấn.
Hiện nay, Ấn Độ đang chiếm vị trí thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu cao su. Tuy nhiên, vị trí này đang bị đe dọa khi tốc độ tăng trưởng của Việt Nam ngày một cao. Năm ngoái, sản lượng của Việt Nam tăng 8% lên 812.000 tấn và năm nay tăng 6% lên 860.000 tấn. Trong khi đó, sản lượng cao su Ấn Độ năm 2011 tăng 4,9% đạt 893.000 tấn và dự đoán sẽ chỉ tăng 4% trong năm nay.
Jom Jacob, chuyên gia kinh tế cấp cao của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên cho biết :“Việt Nam có thể chiếm ngôi của Ấn Độ vào năm 2015, với tỷ lệ tăng trưởng hiện nay”.
Các chuyên gia của Ấn Độ cho rằng, Ấn Độ cần có những chính sách hiệu quả hơn nữa để thay đổi tình trạng hiện nay. “Ấn Độ chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý đến việc marketing hay thương mại”.
Theo VnMedia