Hé lộ thủ đoạn "đá" người đồng sáng lập của ông chủ Facebook

Thứ tư, 16/05/2012, 17:31
Để có thể trở thành ông chủ duy nhất của Facebook, ngoài tài năng và am hiểu về công nghệ, Mark Zuckerberg còn có không ít "chiêu" để loại bỏ các đối thủ kể cả là những cộng sự từng kề vai sát cánh...

>> Tỷ phú Facebook bằng hai cha đẻ Apple “gộp lại”?
>> Đồng sáng lập Facebook bỏ quốc tịch Mỹ để 'né' thuế


Trước khi trở thành mạng xã hội lớn nhất thế giới với trị giá gần 20 tỷ USD như hiện nay, Facebook chỉ là một dự án của 4 sinh viên Harvard gồm Mark Zuckerberg, Eduardo Saverin, Dustin Moskovitz và Chris Hughes. Trong đó Zuckerberg là người nắm cổ phần lớn nhất 65%, sau đó đến cậu bạn người Brazil Saverin với 30%.
 
Trong những ngày đầu tiên Saverin chính là người chịu trách nhiệm về mặt tài chính cho toàn bộ hoạt động của Facebook với số tiền bỏ ra 15.000 USD. Thế nhưng khi mạng xã hội bắt đầu phát triển, Zuckerberg quyết định loại bỏ cộng sự này.
 
Theo tài liệu mà tờ Business Insider có được từ một trong những người gắn bó với Facebook từ những ngày đầu, những bức email Zuckerberg gửi tới các đồng nghiệp và các đối tác khác, đã có một cuộc chiến giữa 2 cổ đông lớn nhất này.
 
Tất cả bắt đầu năm 2003, khi đó Zuckerberg còn đang là sinh viên năm thứ 2 trường Harvard, đã tiếp cận Eduardo Saverin, một sinh viên năm thứ 3 đề nghị góp vốn bằng cách chuyển 15.000 USD vào tài khoản ngân hàng mà cả 2 đều có thể sử dụng. Số tiền này được Mark cam kết dùng để đầu tư cho các máy chủ của một website mà Mark đang phát triển có tên TheFacebook.com. Eduardo đồng ý.


Mark Zuckerberg và cộng sự cũ Eduardo Saverin

Vì sao Zuckerberg lại chọn Saverin làm đối tác đầu tiên? Đến nay cả 2 người đều từ chối trả lời báo chí về điều này nhưng trong một đoạn hội thoại qua “chat” với bạn bè Mark miêu tả Saverin là “thủ lĩnh của giới đầu tư trong trường” và “Saverin giàu có”. Trong một đoạn hội thoại khác với bạn ngày 8/1/2004, Mark miêu tả về thỏa thuận với Saverin như sau:
 
Zuckerberg: Eduardo sẽ chi tiền để tôi mua các máy chủ
 
Người bạn: Những kẻ thích vung tiền thì thiếu gì
 
Zuckerberg: Không, cậu ta nghĩ nó có thể đem lại lợi nhuận.
 
Người bạn: Thế cậu nghĩ gì
 
Zuckerberg: Tôi không rõ lắm về chuyện kinh doanh. Tôi chỉ muốn tạo ra thứ gì đó hấp dẫn.

 
Như vậy có thể hiểu rằng Zuckerberg tiếp cận Saverin bởi Saverin có tiền và tầm nhìn trong việc đầu tư. Nhờ khoản 15.000 USD này, TheFacebook.com bắt đầu lên mạng tháng 2/2004 và nhanh chóng lan tỏa trong cộng đồng sinh viên Harvard. Sinh viên các trường khác cũng nhanh chóng bị cuốn hút.
 
Mạng xã hội phát triển nhanh đến nỗi chỉ 2 tháng sau, Zuckerberg, Saverin cùng một sinh viên năm thứ hai nữa có tên Dustin Muskovitz quyết định thành lập công ty TNHH The Facebook theo luật pháp bang Florida. Đây cũng là giai đoạn tốt đẹp nhất trong mối quan hệ giữa những người đồng sáng lập. Nhưng cũng chỉ được một thời gian tình hình bắt đầu xấu đi.
 
6 tháng sau ngày ra mắt, khi bước vào kỳ nghỉ Hè, Zuckerberg và Moskovitz chuyển tới Palo Alto, California để phát triển TheFacebook.com trong một căn nhà đi thuê. Trong khi đó Saverin tới New York để thực tập tại ngân hàng Lehman Brothers. Trước khi chia tay, Zuckerberg yêu cầu Saverin xúc tiến 3 việc: “xây dựng công ty, tìm nguồn vốn và hình thành mô hình kinh doanh”.
 
Nhưng những bất đồng bắt đầu xuất hiện. Đầu tiên Saverin khiến Zuckerberg tức giận khi đăng những quảng cáo mà không xin phép lên Facebook. Đáng nói hơn là những quảng cáo này đều cho một công ty riêng mà Saverin đang thành lập có tên Joboozle, chuyên về việc làm.
 
Zuckerberg đã phản ứng gay gắt với Saverin trong bức email sau đó: “Anh đã phát triển Joboozle khi biết rằng một lúc nào đó Facebook có lẽ sẽ muốn làm gì đó với thị trường việc làm. Điều này khiến chúng tôi rất ngạc nhiên bởi về cơ bản anh đã làm một việc mà cuối cùng sẽ dẫn tới sự cạnh tranh với Facebook. Đó là một quyết định tồi tệ. Và việc đăng quảng cáo lên Facebook, nhất là miễn phí đúng là đáng xấu hổ”.
 
Và mối quan hệ giữa 2 nhà đồng sáng lập Facebook chính thức đổ vỡ khi Facebook cần thêm vốn mà Saverin không có ý định hợp tác. Để có thể tiếp nhận vốn đầu tư, một trong những bước quan trọng là Facebook cần được tổ chức lại theo luật pháp của bang Delaware. Thế nhưng Saverin lại không chịu ký vào hồ sơ bất chấp sự thuyết phục từ Zuckerberg. Trong khi đó đã có rất nhiều “đại gia” ở thung lũng Silicon muốn rót vốn. Không thể nhìn Facebook lay lắt vì thiếu vốn, Zuckerberg quyết định loại bỏ Saverin…
 
(Còn tiếp)

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn