Luôn chọn con đường cô độc
Ngay từ lúc khởi nghiệp, những dị nghị và áp lực luôn vây quanh Vương Tuyết Hồng. Trịnh Chiêu Nghĩa, Giám đốc Điều hành mảng đầu tư chứng khoán khu vực châu Á của Goldman Sachs, nhận xét: “Vương Tuyết Hồng luôn chọn đi một con đường cô độc”. Có thể vì vậy mà hầu như không đối thủ nào nắm bắt trước được ý tưởng kinh doanh của bà cho đến khi chúng thành công.
Bà Vương Tuyết Hồng, người sáng lập 2 công ty công nghệ hàng đầu của Đài Loan: VIA Technologies và HTC. |
Ấn tượng Vương Tuyết Hồng tạo cho người đối diện là giọng nói hào sảng, tính cách thẳng thắn, không chấp nhận bị người khác quản chế. Người ta đánh giá rằng, bà là người giống cha mình nhất trong số các người con, ngay cả điệu bộ, cách ăn nói.
Bà thích đánh những canh bạc lớn kiểu “nhất xanh cỏ nhì đỏ ngực”. VIA Technologies nổi tiếng cũng là nhờ cuộc chiến với hãng sản xuất chip Intel (Mỹ). Bà cũng nổi tiếng trong giới truyền thông khi tại buổi tiệc tất niên của Công ty 2, bà đã thách thức Tổng Giám đốc Apple PSteve Jobs trong cuộc đua đến vị thế dẫn đầu thị trường công nghệ thế giới.
Mùa hè năm 1981, Vương Tuyết Hồng hoàn tất chương trình nghiên cứu sinh kinh tế học của Đại học Berkeley (Mỹ). Vương Vĩnh Khánh muốn bà trở về Formosa làm việc. Tuy nhiên, Vương Tuyết Hồng lại khăng khăng nhảy vào lĩnh vực máy tính giá rẻ của người chị Vương Tuyết Linh. Làm một mạch 7 năm, mãi đến năm 1988 bà sáng lập nên VIA Technologies.
Thời đó, để bán được nhiều máy tính, Vương Tuyết Hồng thường một mình kéo theo một cái bàn to, thuê gian hàng ở các hội chợ để bán hàng. Một lần, Vương Tuyết Hồng nhận được đơn hàng từ Tây Ban Nha trị giá đến 700.000 USD. Bà mừng rỡ vô cùng, đâu biết mình đã bị lừa. Bà bay đến Tây Ban Nha, ở Barcelona cả năm trời để truy đến cùng bản hợp đồng này, nhưng cuối cùng vẫn tay trắng trở về. Tuy nhiên, chuyến đi này lại là bước khởi đầu để bà tạo lập nên danh tiếng trên thị trường máy tính bình dân ở châu Âu.
Thất bại thứ hai mà Vương Tuyết Hồng phải hứng chịu chính là sự áp chế của Intel. Năm 1999, sản phẩm chip của VIA Technologies đang ăn nên làm ra khi được các nhà sản xuất máy tính lớn như IBM, HP chọn dùng, đã bị Intel cáo buộc là vi phạm bản quyền. Hai công ty đã lôi nhau ra tòa kiện tụng suốt một thời gian dài, khiến giá cổ phiếu của VIA Technologies sụt giảm, nhân viên cũng kéo nhau rời bỏ Công ty. Mãi đến năm 2003, hai bên mới đạt được thỏa thuận nhượng quyền tương hỗ lẫn nhau trong vòng 10 năm, kết thúc cuộc chiến.
Những trợ thủ đắc lực của nữ tướngVương Tuyết Hồng là một nữ tướng rất biết cách dùng người và trao quyền. Bà thường dành những vinh dự, hào quang cho cấp dưới và đối tác. Sự hình thành đế chế thương mại của bà không chỉ nhờ vào việc khéo nắm bắt xu thế phát triển ngành khoa học kỹ thuật, mà còn nhờ vào tài quản lý nội bộ. Ở Đài Loan, bà được báo chí đánh giá là nữ doanh nhân “biết dùng người nhất, biết mượn gió tạo sóng nhất” trong làng khoa học kỹ thuật toàn cầu.
Con thiên lý mã đầu tiên bà tìm được chính là Trần Văn Kỳ, người sau này là chồng của bà. Bà cho biết đã nhìn thấy được sự thông minh tài trí của ông Trần và rằng bà có thể lui về tuyến sau.
Con thiên lý mã thứ hai là CEO đầu tiên của HTC Trác Hỏa Thổ, người bà phải mất mấy năm mới chiêu dụ được. Bà được đánh giá là người biết phân biệt hàng xấu tốt vì trông Trác chẳng khác nào một lão già, đối ngoại cũng chẳng có gì xuất sắc. Năm 1997, khi ông đặt chân vào Công ty, chẳng ai muốn tiếp nhận ông vào nhóm. Tuy nhiên, giờ đây ông là người được Vương Tuyết Hồng ủng hộ tuyệt đối.
Con thiên lý mã thứ ba là Chu Vĩnh Minh, học trò của Trác Hỏa Thổ. Vì muốn nghiên cứu hệ điều hành mới cho dòng điện thoại thông minh, Chu Vĩnh Minh cùng nhóm của mình đã đốt sạch 1 tỉ Đài tệ khởi nghiệp của Vương Tuyết Hồng. Số tiền này đa phần là vay mượn. Tình hình Công ty vô cùng nguy cấp. Bà đã nghĩ đến chuyện phải đóng cửa Công ty. Lúc đó, Trác Hỏa Thổ đã đưa bà 2 tờ sổ hồng và nói rằng đây là khoản để bà ứng cứu lúc khẩn cấp, đừng để những tâm huyết của Chu Vĩnh Minh tan thành mây khói. Nhờ khoản đóng góp bất ngờ đó, HTC đã được tái sinh.