>>“Hôn nhân” BĐS - thủy sản: Lách để tiếp cận vốn ngân hàng giá rẻ?
>>Hàng loạt doanh nghiệp thủy sản sắp phá sản: Sụp đổ dây chuyền
Nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL đang hoạt động khó khăn.
Chấp nhận cho các doanh nghiệp phá sản
Giám đốc một công ty chế biến thủy sản xuất khẩu ở TP. Cần Thơ cho rằng: Thời gian gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cá tra theo kiểu phong trào. Do đó, đây chính là thời điểm tốt để cấu trúc lại giúp cho ngành thủy sản đi đúng hướng.
Theo đó, với những DN đầu tư vào thủy sản thực sự, nhưng đang gặp khó về vốn, công nghệ, cần có sự đầu tư, giúp đỡ để vượt qua tình trạng khó khăn như hiện nay. Ngược lại, cần mạnh dạn để cho những DN làm ăn kiểu cơ hội, chụp giựt, theo phong trào, thiếu sự đầu tư… phá sản.
Cũng theo vị giám đốc này, song song với các biện pháp đó, ngân hàng phải có thiện chí, xem xét khoanh nợ, dãn nợ, tái đầu tư cho những DN có thương hiệu, làm ăn tốt, có đầu tư chiều sâu... để họ duy trì sản xuất, tạo việc làm cho công nhân và giữ vững thị trường xuất khẩu.
Nhiều ý kiến cũng đề xuất không xây thêm nhà máy thủy sản, mà tập trung đầu tư công nghệ hiện đại nhằm chế biến thêm nhiều sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao.
Đặc biệt, cần khuyến khích DN xây dựng vùng nguyên liệu, từng bước giải quyết bài toán thiếu nguyên liệu thủy sản kéo dài trong những năm qua. Đồng thời, các DN cần chủ động từ đầu vào con giống đến đầu ra sản phẩm, tất cả đều được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Sắp tới, Sở Công Thương sẽ tổ chức cuộc họp với các DN khó tiếp cận vốn để tìm biện pháp tháo gỡ. Ngoài ra, sẽ tổ chức hội thảo nhằm khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong ngành chế biến thủy sản trong thời gian qua”.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn- Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, vào thời điểm này, chúng ta cần thực hiện các chế độ hoãn, dãn, giảm thuế cho các DN đúng theo quy định để các DN vượt qua khó khăn.
Nên tập trung nuôi quy mô lớn
Trong mấy năm gần đây, nhiều người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã ồ ạt mở rộng diện tích nuôi cá, tôm tràn lan không theo quy hoạch.
Ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi cá tra Thới An (Ô Môn, TP. Cần Thơ) cho rằng: “Người nuôi cần giảm mạnh mô hình nuôi nhỏ lẻ để liên kết hình thành vùng nuôi tập trung quy mô lớn, có sự đầu tư bài bản về thủy lợi, hạ tầng, giống… Những ai ít vốn thì chuyển sang hình thức nuôi gia công cho các DN. Trong thời gian nuôi và thu hoạch, cần có sự hợp tác, thống nhất giữa người nuôi và DN nhằm tránh trường hợp lúc thừa, lúc thiếu nguyên liệu”.
Ông Phạm Văn Bên – chủ DN tư nhân Cỏ May (sản xuất thức ăn cá tra ở Khu công nghiệp Sa Đéc, Đồng Tháp) đề xuất, ngành chế biến thức ăn thủy sản cũng phải quy hoạch lại. Ông cho biết: “Ngành sản xuất thức ăn đang lâm vào tình cảnh khó khăn do phản ứng dây chuyền. Bình quân 10 nhà máy, thì chỉ còn từ 1-2 nhà máy hoạt động. Do đó, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng phải quy hoạch, sàng lọc lại”.
Về phía ngân hàng, ông Võ Ngọc Diệp - Giám đốc Ngân hàng Công Thương Việt Nam – Chi nhánh Đồng Tháp cho biết: “Chúng tôi đang ưu tiên giải ngân 600 tỷ đồng cho nghề nuôi cá theo hướng liên kết. Theo tôi, chúng ta cần khuyến khích người nuôi thành lập hợp tác xã hay liên kết thành tổ hợp tác sản xuất để hướng nghề nuôi dần đi vào ổn định”.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc thiếu vốn trầm trọng hiện đã làm hơn 50% các nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ngừng hoạt động hoặc đang hoạt động cầm chừng. |
Theo Danviet