Thị trường xăng dầu: Cạnh tranh hay độc quyền?

Thứ tư, 23/05/2012, 17:36
Theo TS. Ngô Trí Long (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính), Nhà nước hiện vẫn lúng túng trong việc xác định thị trường xăng dầu là độc quyền hay vận hành theo cơ chế thị trường. Điều này đã dẫn tới nhiều bất cập trong quản lý và điều hành.

>>Kinh doanh xăng dầu: Nghị định 84 chỉ là bức bình phong
>>Đổi cách điều hành giá điện, xăng
>>Giá xăng lạc nhịp, khó giảm vì cơ chế 20 ngày?


TS. Ngô Trí Long (nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính
Nghị định 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu xác định giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường. Theo ông, trên thực tế, các doanh nghiệp xăng dầu có hoạt động theo cơ chế thị trường hay không?
 
Ông Ngô Trí Long: Để xác định độc quyền hay cạnh tranh thì phải căn cứ vào mức độ chiếm lĩnh thị trường. Theo Luật Cạnh tranh, nếu một doanh nghiệp chiếm trên 30% thì đó là thống lĩnh thị trường, mà thống lĩnh thị trường chính là độc quyền.
 
Ở Việt Nam, xăng sản xuất trong nước mới đáp ứng được 30% nhu cầu, còn 70% phải nhập khẩu và do 11 doanh nghiệp đầu mối thực hiện, trong đó riêng Petrolimex chiếm trên 60% thị phần. Như vậy, thực chất thị trường xăng dầu Việt Nam mang tính độc quyền.
 
Mới đây, Bộ Công Thương có đề nghị loại bỏ mặt hàng xăng dầu ra khỏi danh mục định giá của dự thảo Luật Giá? Ông bình luận thế nào về động thái này?
 
Nguyên tắc của quản lý giá trong nền kinh tế thị trường là phải phân theo tính chất của thị trường để quyết định xem sản phẩm thuộc loại nào. Nếu thuộc loại tự do cạnh tranh thì phải để cho thị trường quyết định. Còn nếu thuộc lĩnh vực độc quyền thì Nhà nước phải quyết định. Từ đó mới có hình thức quản lý phù hợp.
 
Với xăng dầu, đã là độc quyền thì không thể để cho doanh nghiệp tự định giá được. Bộ Công Thương thường có suy nghĩ là phải đảm bảo đủ nguồn năng lượng cung cấp cho nền kinh tế, nên họ có xu hướng chiều theo ý của doanh nghiệp.
 
Như vậy, việc Nhà nước định giá xăng dầu có mâu thuẫn với Nghị định 84 hay không?
 
Nghị định  84/2009 có nhiều bất cập, về cơ chế, về tính toán, phân quyền. Bất cập lớn nhất là không xác định được thị trường xăng dầu hiện nay là thị trường độc quyền hay cạnh tranh. Nếu độc quyền mà để cho doanh nghiệp tự định giá là không đúng. Nhưng quy định cũng nửa vời, ở chỗ, Nhà nước để cho doanh nghiệp tự định giá theo cơ chế thị trường rồi mỗi lần điều chỉnh lại phải báo cáo để xin phép. Trong nền kinh tế thị trường không có cơ chế nào mà song trùng định giá như vậy.
 
Thứ hai là quy định cách tính giá cơ sở, theo giá bình quân của 30 ngày. Cách tính ấy không phù hợp giá xăng dầu trong cơ chế thị trường thay đổi liên tục từng ngày.
 
Nhiều người lo ngại Nhà nước định giá nghĩa là quay lại cơ chế cũ? Vì sao chúng ta không thể xóa bỏ độc quyền trong kinh doanh xăng dầu?
 
Dù Nhà nước hay doanh nghiệp quyết định giá thì cũng phải phù hợp với giá thị trường. Bản chất kinh tế thị trường là cạnh tranh và cạnh tranh đẻ ra độc quyền. Đây là hai “người anh em sinh đôi của kinh tế thị trường”. Nhà nước không thể xóa bỏ, không thể cấm được độc quyền. Nhà nước chỉ có kiểm soát nó.
 
Vậy Nhà nước nên làm gì đề tăng tính cạnh tranh cho thị trường xăng dầu?
 
Xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp phải đáp ứng những điều kiện nhất định mới có thể tham gia. Nhà nước có thể hỗ trợ bằng nhiều cách để các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện đó, tạo môi trường thông thoáng để nhà đầu tư nước ngoài có thể vào tham gia, tạo chính sách tài chính, tín dụng để hỗ trợ. Với các doanh nghiệp chiếm thị phần quá lớn, cần phải chia tách nhỏ họ ra, có thể thực hiện cổ phần hóa, niêm yết trên sàn chứng khoán.
 
GS.TS. Hoàng Thọ Xuân - Viện Nghiên cứu thương mại: Nên tái cấu trúc doanh nghiệp xăng dầu đầu mối
 
Theo tôi không nên để Nhà nước định giá xăng dầu một cách cứng nhắc. Chúng ta muốn hướng cho xăng dầu theo cơ chế thị trường nên trong thời gian qua và có thể thêm một thời gian ngắn nữa, chúng ta phải tạo hành lang, để làm thế nào giá cả xăng dầu lên xuống đúng theo cơ chế thị trường.
 
Hành lang đó có hai vấn đề. Thứ nhất là phải minh bạch, làm cho xã hội tin tưởng là giá thành, giá cơ sở được xác lập một cách khách quan và rõ ràng, còn giá lên hay xuống là do khách quan. Thứ hai là trong một cơ chế thị trường thì bản thân chủ thể là doanh nghiệp phải hoạt động trong môi trường cạnh tranh. Không có thị trường nào lại chỉ có một người.
 


Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn