>>Quận 6: Mờ sáng, cả chùm dây điện bốc lửa
>>Đổi cách điều hành giá điện, xăng
>>Schneider Electric triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời tại VN
Khi chưa có điện “gió”
Thực sự, người dân trên đảo cũng mới biết đến những tiện lợi của điện trong sinh hoạt cách đây hơn 10 năm, khi công ty điện lực quyết định đầu tư phân xưởng phát điện chạy bằng Diesel.
Lúc đầu chỉ đến khoảng 21 giờ là điện cúp vì không đủ công suất. Tôi còn nhớ cảm giác “khát điện” của người dân đảo lúc đó, vào những dịp Sea Games hay giải bóng đá thế giới, huyện phải gởi công văn lên nhà máy điện “năn nỉ” cố gắng tăng giờ phát điện để phục vụ nhu cầu giải trí của người dân.
Dù thua lỗ nhưng nhà máy vẫn cố gắng “bù” cho niềm vui của người dân đảo. Giờ thì công suất điện đã tăng lên, 95% số hộ dân ở 3 xã đảo đã có điện. Năm vừa rồi, bình quân mỗi ngày Điện lực Phú Quý đã cung cấp 20.750 kWh cho toàn huyện.
Tuy ngành điện đã có nhiều nỗ lực, nhưng nguồn điện máy trên đảo cũng chỉ vận hành được 16 giờ/ ngày là tắt. Những ngày ở trên đảo vừa rồi, chúng tôi đã hiểu sơ về nỗi khổ không có điện khi cứ khoảng 11 giờ là không ngủ được do nóng bức.
Theo ngành điện ở địa phương cho biết, thì lưới điện vận hành ở môi trường nhiễm mặn và ẩm ướt nên chi phí sửa chữa rất cao do tuổi thọ của các thiết bị mau giảm. Chỉ năm vừa rồi, tổng chi phí sửa chữa của ngành điện trên đảo đã hết 11.917 triệu đồng. Trong khi đó, tổng doanh thu được 16.599 triệu đồng, ngành điện bị lỗ 37.812 triệu đồng. Cũng theo những người quản lý điện Diesel trên đảo thì với sự biến động liên tục của giá dầu thời gian vừa rồi, thì giá điện rất khó để giảm vì chi phí sản xuất tăng cao…
|
Phong điện vẫn chưa thể phát điện thương mại trên hải đảo |
Dự án phong điện đã hoàn thành, nhưng…
Dự án Nhà máy phong điện đảo Phú Quý được triển khai xây dựng ở 2 xã Long Hải và Ngũ Phụng với công suất lắp đặt 6MV do Công ty TNHH một thành viên Năng lượng tái tạo điện lực dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, nhà thầu là EPC (ký với liên doanh nhà thầu (VEIC-AMECTECH-VNC) với 8 nhà thầu và đơn vị phụ trách những công việc khác nhau.
Đến nay, cơ bản các khối lượng công việc đã hoàn thành. Cụ thể: Xây dựng hoàn thành 98% (còn vài công việc nhỏ liên doanh nhà thầu đang thực hiện). Nhà trạm 22kV và đường dây 22kV đã thi công và thực hiện xong công tác thí nghiệm. Hệ thống đo đếm điện năng, hệ thống cáp quang đã lắp đặt. Các tua - bin gió đã hoàn thành công tác kiểm tra, ngày 14/12/2011 tua - bin T3 đã chạy thử trong 3 giờ với công suất phát 700kW, ngày 12/4 vừa rồi 2 tua - bin T1 và T4 đã chạy thử 2 giờ, mỗi tua - bin có công suất phát từ 70 - 150kW.
Các tua - bin vận hành bình thường, bảo đảm các thông số kỹ thuật. Riêng hệ thống điều khiển hỗn hợp do có sai số lớn của các máy biến dòng lắp ở các đầu cực máy phát Diesel nên Liên doanh nhà thầu đã đặt mua các biến dòng khác và dự kiến sẽ xong vào tháng 5/2012. Như vậy, với công suất của nhà máy phong điện và nhà máy Diesel hiện nay, nếu lưới điện được hòa mạng, thì chuyện Phú Quý sẽ có điện 24/24 giờ là chuyện nhỏ…
Vì sao vẫn trục trặc ?
Khi một nhà máy điện đã hao tốn bao nhiêu công sức và tiền bạc để hoàn thành mà không dám cho “chạy thiệt” để thu hồi kinh phí đầu tư, thì chắc chắn không phải là chuyện mong muốn của chủ đầu tư và lãnh đạo hoặc ban ngành nào.
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy quan điểm giữa chủ đầu tư Nhà máy phong điện và nhà máy Diesel vẫn có đôi điều khác biệt. Theo bên phong điện thì sau khi tham khảo tài liệu, trao đổi với các chuyên gia có kinh nghiệm, mới biết khi điện gió và Diesel vận hành hỗn hợp với mức độ thâm nhập cao (200%) đòi hỏi phải có nhiều giải pháp kỹ thuật hết sức phức tạp và… trên thế giới hiện nay chưa có dự án nào tương tự như thế. Hiện tại thì các máy biến dòng lắp vào những đầu cực của máy Diesel phục vụ hệ thống điều khiển có sai số lớn, không đạt yêu cầu.
Thực tế thì sau khi công trình điện gió hoàn thành và tính chuyện phát điện hòa mạng, cả 2 bên mới nhận ra - việc có hệ thống điều khiển hỗn hợp giữa điện gió và Diesel là chuyện… còn nghi ngờ và mang tính rủi ro về hiệu quả cũng như sự ổn định của hệ thống.
Quan điểm của ngành điện máy là đến nay hệ thống điện gió chưa hoàn thành một số kỹ thuật như trang bị hệ thống jumpload (cắt nguồn dư) và hệ thống tích năng. Mùa ít gió thì nhu cầu sử dụng điện của nhân dân đảo tăng cao, mùa gió nhiều thì sự cố trên lưới điện sẽ tăng, các thiết bị đóng cắt kết nối, tua - bin gió của nhà máy phong điện lại nằm ở những vị trí xung yếu khi gió bấc tấn công. Sẽ còn nhiều vấn đề khác nảy sinh mà trước khi nhà máy phong điện được đầu tư vẫn chưa tính tới…
Nếu huyện đảo Phú Quý có điện đầy đủ, ngoài lợi ích phục vụ đời sống cộng đồng, việc phát triển nhà máy chế biến thủy hải sản, du lịch là chuyện không xa vời. Chưa nói đến chuyện lớn như giúp việc giữ gìn an ninh quốc phòng hiệu quả hơn. Mong sao việc kết hợp giữa điện máy và điện gió trên đảo sẽ không còn là “lời nói gió bay”.
Theo Báo Bình Thuận