Bộ trưởng Tài chính: ‘Tính toán từng đồng để giảm giá xăng’

Thứ năm, 24/05/2012, 07:32
Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết nếu tính giá theo ngày, thời gian qua doanh nghiệp có lúc lãi hơn 1.700 đồng, nhưng nếu tính bình quân cả tháng mức chênh chỉ hơn 900 đồng một lít xăng. 
Ông trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều nay, đúng lúc giá xăng A92 bắt đầu giảm 600 đồng xuống còn 22.700 đồng mỗi lít.

 
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Ảnh: Hoàng Hà


Mức giảm 600 đồng được căn cứ trên cơ sở nào, thưa Bộ trưởng?
 
Chúng tôi tính toán kỹ theo chu kỳ 30 ngày, tính từ ngày hôm nay trở về 23 tháng trước, mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ là hơn 900 đồng một lít. Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã bàn và báo cáo với Chính phủ phương án điều hành giá với nguyên tắc chia sẻ giữa người tiêu dùng và ngân sách nhà nước.

Theo đó, một phần ba khoảng chênh lệch này (tương đương hơn 300 đồng mỗi lít) được dùng để tăng thuế nhập khẩu thêm 2%. 600 đồng còn lại dùng để giảm giá bán lẻ.
 
Với diesel, khoảng chênh lệch chỉ hơn 600 đồng. Mặt khác, đây là mặt hàng liên quan tới sản xuất của nhiều doanh nghiệp và bà con ngư dân đi biển. Vì vậy, Nhà nước quyết định chia sẻ nhiều hơn, chỉ tăng thuế nhập khẩu thêm 1%, và dành tới 400 đồng để giảm giá bán lẻ. Dầu hỏa và mazut, trước đây chúng ta có thuế suất thuế nhập khẩu là 3% thì nay lên 5%. Đồng thời mỗi loại này giảm 300 đồng một lít.
 
Xin khẳng định lại là việc giảm giá xăng được tính toán rất chi li, cặn kẽ tới từng đồng một.
 
Nhưng thực tế mấy ngày nay doanh nghiệp đang lãi hơn 1.700 đồng mỗi lít xăng A92?
 
Nếu tính trong một ngày, giá xăng nhập khẩu cộng các chi phí so với giá bán lẻ, thì đúng là có kết quả như thế, thậm chí có thời điểm giá xăng bán lẻ cao hơn giá cơ sở 1.800 đồng. Nhưng chúng ta phải tính một cách tổng thể.

Cách điều hành hiện nay buộc chúng ta phải tính theo giá cơ sở bình quân 30 ngày (chu kỳ dự trữ lưu thông xăng dầu bắt buộc là 30 ngày). Trong khi đó, xăng dầu là mặt hàng phải nhập khẩu, nên giả dụ hôm nay giá thế giới 116 USD một thùng A92 thì không thể ngay lập tức doanh nghiệp của chúng ta có xăng với giá đó để bán. Mà như tôi nói, người ta phải tính thêm cả số hàng dự trữ lưu thông 30 ngày trước.
 
Bộ trưởng có ý kiến gì với hiện tượng giá xăng tăng thì tăng nhiều nhưng giảm lại giảm nhỏ giọt?
 
Hiện tượng này hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng chúng ta cần xem xét bản chất của nó là gì. Khi thị trường tăng, nếu điều chỉnh theo đúng tỷ lệ chênh lệch giữa giá bán và giá cơ sở, mức tăng thường rất lớn. Nhưng để đảm bảo bình ổn giá và hạn chế tác động tới sản xuất, tiêu dùng, thường thì Nhà nước phải hy sinh bằng cách giảm thuế và tăng giá ít hơn. Thực tế này khiến thuế nhập khẩu các mặt hàng nhiên liệu suốt một thời gian dài duy trì 0%, nay tăng cũng chỉ ở mức vài phần trăm, trong khi khung thuế của chúng ta tới mười mấy phần trăm.
 
Khi có dư địa giảm giá, rõ ràng trong trường hợp này phải tính toán một chút tới vấn đề thuế (tăng thuế nhập khẩu) để bù đắp cho ngân sách nhà nước. Mà suy cho cùng thu thuế cũng nhằm phục vụ cho nhân dân, cho công tác an sinh xã hội.
 
Nếu thị trường chấp nhận đưa hết các yếu tố vào để tăng theo đúng tỷ lệ chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở, thì tôi xin cam đoan là khi giảm sẽ giảm tương ứng.

Vậy khả năng điều chỉnh giá trong những ngày sắp tới thế nào, thưa ông?

Theo nghị định về kinh doanh xăng dầu, thời gian giữa những lần tăng hoặc giảm giá ít nhất là 10 ngày. Nhưng khi giảm hay tăng phải tính toán giá cơ sở so với giá bán trên cơ sở chu kỳ lưu thông 30 ngày. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu một mặt phải có hàng cung cấp cho người tiêu dùng, một mặt phải đảm bảo dự trữ lưu thông cho quốc gia. Và dự trữ lưu thông hiện nay phải là 30 ngày.
 
Theo chu kỳ này, thì thời gian tới vẫn có thể tăng hoặc giảm tùy theo diễn biến thị trường.
 
Theo Bộ trưởng, hai lần giảm giá xăng tác động như thế nào tới mặt bằng giá cả và đời sống người dân?
 
Cá nhân tôi cũng như lãnh đạo bộ rất chia sẻ với tình hình khó khăn hiện nay. Lạm phát từ đầu năm tới giờ khả quan, tháng này chắc chỉ khoảng 0,18% tức là cả 5 tháng chưa tăng đến 3%. Nhưng nếu so với cùng kỳ năm ngoái, lạm phát hiện nay vẫn cao hơn 10%.

Mặt khác, tuy lạm phát giảm, nhưng mặt bằng giá cả còn cao, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống. Vì vậy Chính phủ cũng như liên bộ Bộ Tài chính, Công Thương thấy rằng nếu có cơ hội giảm giá được sẽ giảm ngay để chia sẻ với sản xuất và tiêu dùng trong bối cảnh đang khó khăn như hiện nay.


Theo VnExpress

Các tin cũ hơn