Sợ thành thị đắt đỏ, lao động kéo nhau về quê

Thứ tư, 23/05/2012, 10:47
Rỗi việc, thu nhập bấp bênh, trong khi tiền thuê nhà trọ, ăn uống ngày một đắt đỏ... nhiều công nhân có xu hướng bỏ công ty về quê tìm việc.

Khơi thông đầu ra mới có thể cứu được doanh nghiệp.
 
Chị Thanh Mai, quê ở Trà Vinh, làm công nhân may của một công ty thuộc khu công nghiệp Tân Tạo, TP HCM bộc bạch, trước tình trạng giá cả đắt đỏ, phần vì lo tiền nhà, phần lo chạy từng bữa ăn, mà thu nhập thì sụt giảm do không còn được tăng ca... "Tiền làm ra không đủ trang trải sinh hoạt, tôi đành chọn con đường trở lại quê hương tìm việc làm", chị nói.

Tương tự, trường hợp gia đình chị Lan, quê Quảng Ngãi, chồng làm công nhân trong một công ty xi măng, vợ là kế toán. Trước kia, thu nhập của hai vợ chồng tương đối ổn định, trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng nên không quá khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay, thu nhập của người chồng bị sụt giảm đáng kể do công ty thường xuyên cho dừng chuyền vì hàng ứ đọng. Còn chị cũng bị nơi làm việc nợ lương 2 tháng.

Trong khi đó, theo tính toán của chị Lan, mỗi tháng phải mất 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà, tiền cơm nước hàng ngày cho 4 miệng ăn cũng ngốn gần 3 triệu đồng. Anh chị còn phải nuôi hai con nhỏ, nào là tiền gửi trẻ, tiền sữa....

"Chúng tôi thật sự không thể kham nổi nên phải khăn gói về quê. Về đó, tuy bố mẹ hai gia đình đều nghèo khó và không hỗ trợ gì được về kinh tế; nhưng bù lại, con cái có thể nhờ người chăm sóc, lại giảm chi phí thuê nhà, và không phải lo chật vật từng bữa cơm", chị nói.

Giám đốc một công ty sản xuất xi măng tại quận 9, TP HCM thừa nhận, hơn 4 tháng đầu năm, đơn vị của ông lỗ cả trăm tỷ đồng. "Hiện nay, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được nên hàng bị tồn kho khá nhiều. Công ty đã phải tạm dừng 1 dây chuyền sản xuất để tiết giảm bớt chi phí", ông chia sẻ.

Trong khi đó, sản lượng thu hẹp hơn 50% đang là nỗi niềm của vị giám đốc một công ty sản xuất nhựa tại quận Tân Bình. Ông cho biết, nguyên nhân không hẳn do thiếu vốn sản xuất mà còn do sợ các khách hàng và đối tác chậm thanh toán tiền nên công ty buộc phải thu hẹp lại việc cung cấp sản phẩm.

Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty may Sài Gòn 3 Phạm Xuân Hồng cũng thông tin, trong ngành may hiện nay, nhiều công ty dạng vừa và nhỏ rất khó khăn. Họ phải cầm cự qua ngày do sức mua giảm mạnh, chi phí đầu vào tăng cao.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam lo ngại, lao động rỗi việc, thu nhập thấp nên có khả năng xảy ra tình trạng ồ ạt về quê tìm việc như đã xảy ra thời khủng hoảng kinh tế 2008-2009. "Giảm bớt các chi phí, cải thiện sức mua mới là giải pháp hữu hiệu nhất cho doanh nghiệp hiện nay nhằm duy trì việc làm cho công nhân", ông nói.

Theo ông Hồng, việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2012, được gia hạn thuế VAT không là giải pháp hiệu quả cho những đơn vị đang thực sự khó khăn. Bởi có nhiều công ty sản xuất cầm chừng, không lời đồng nào, thậm chí thua lỗ thì lấy đâu ra thu nhập để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Vị giám đốc sản xuất nhựa cũng kiến nghị, Nhà nước phải làm sao khai thông được nguồn tín dụng (có thể hỗ trợ lãi suất) cho tất cả các ngành hàng thì mới thúc đẩy được sự phát triển của nền kinh tế. Còn gói giải pháp vừa qua không có nhiều tác động "cứu" doanh nghiệp và 'cứu' người lao động.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội nhìn nhận, trong bối cảnh này, gói giải pháp chỉ hỗ trợ doanh nghiệp như "bà đỡ" và tự doanh nghiệp phải nghĩ cách. Nếu quá ốm yếu thì dù có áp dụng chính sách gì cũng không cứu nổi. Chính vì vậy, giai đoạn hiện nay có thể coi là quá trình thanh lọc những đơn vị yếu kém.

Ở Anh, tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại sau 3 năm đăng ký hoạt động chỉ còn 70%. Ở Mỹ, sau 5 năm còn 50% là bình thường. Do đó, số doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động ở VN hiện vẫn chấp nhận được.

Ông cho rằng, kinh tế sẽ phục hồi rất chậm từ quý II, sau đó khởi sắc dần. Năm nay, tăng trưởng khoảng 5,5%, trong điều kiện lạm phát 8-9%. Muốn vậy, Chính phủ phải chủ động nới lỏng kênh tài khóa, tiền tệ, kích cầu.

Nếu để như hiện nay, lạm phát cả năm chừng 5-6%, nền kinh tế sẽ giống như người bị huyết áp thấp, khó chữa trị. Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, cần hạ ngay lãi suất cho vay, kích thích tiêu thụ để giải quyết hàng tồn kho. Nếu sản xuất quý II không phục hồi, kinh tế sẽ đối mặt với giảm phát.

Đồng quan điểm, PGS Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ cho rằng, gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ chỉ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh chứ không phải là gói cứu trợ về mặt kinh tế. Theo đó, khi triển khai gói này, doanh nghiệp có khả năng tồn tại sẽ được ưu tiên, còn ốm yếu phải chịu sự đào thải.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Ngân, để có tiền hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, đòi hỏi chính sách tài khóa cần thắt chặt hơn nữa nhằm tiết kiệm tiền, tạo điều kiện nới lỏng chính sách tiền tệ.

Ngoài ra, theo ông Ngân, vấn đề hiện nay là làm sao để doanh nghiệp chủ động hơn trong vượt khó. Bởi hiện nhiều doanh nghiệp đang tồn tại tư tưởng co thủ, có tiền gửi ngân hàng chứ không đưa vào đầu tư. Tư tưởng đó rất nguy hiểm.

Về việc này, nhà băng cũng có trách nhiệm phải giảm lãi suất xuống. Bên cạnh đó, Chính phủ nên cam kết điều hành lãi suất theo lạm phát mục tiêu, cuối năm nay dưới 10% và đến năm 2015 lạm phát dưới 5-6%. Khi Chính phủ đưa ra những thông điệp rất rõ ràng như vậy, lập tức doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động.


Theo VnExpress
 

 

Các tin cũ hơn