Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm ở các Tập đoàn Nhà nước là thiếu kiểm soát hệ thống nội bộ.
Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến các Tập đoàn Nhà nước như Vinashin, Vinalines mắc những sai phạm nghiêm trọng đến vậy?
Sai phạm của các doanh nghiệp này là sự thất bại của kiểm soát nội bộ. Nhìn suốt một chiều dài lịch sử, cải cách doanh nghiệp Nhà nước liên tục đổi mới mô hình hoạt động, từ ngày xưa là xí nghiệp liên hợp rồi tổng công ty 91, tổng công ty 90 và sang tập đoàn... Tuy nhiên, kết quả là chẳng mấy thành công. Như vậy, có gì đó chưa trúng về phương pháp luận.
Theo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, không nên trì hoãn việc yêu cầu doanh nghiệp Nhà nước cũng phải công bố thông tin như công ty niêm yết.
Ông cho cho rằng chính các doanh nghiệp Nhà nước kém năng lực?
Năng lực kém chỉ là lỗi phái sinh. Lỗi chính là do hệ thống của mình thiếu kiểm soát. Việc chọn đóng tàu, phát triển vận tải biển là một chiến lược đúng. Tuy nhiên, hai "Vina" đã thực hiện chưa đúng chiến lược đó. Nói một cách khác, chiến lược đúng, nhưng chiến thuật thì sai.
Còn ngoài ra, không ai kém cả. Nếu hệ thống tốt thì không thể có người kém vào đó được. Chưa cần nói họ dốt hay giỏi, cứ không đạt yêu cầu thì đương nhiên sẽ bị bãi nhiệm ngay. Người nào làm tốt sẽ được tưởng thưởng xứng đáng. Ngược lại, không tốt thì bị thay thế. Hiện nay không thiếu người giỏi để làm việc này.
Vấn đề là chưa có cơ chế và động lực hợp lý để thu hút được người có năng lực, vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa buộc họ phải nỗ lực tối đa vì lợi của của doanh nghiệp và của chủ sở hữu.
Là người từng theo dõi sát sao vấn đề doanh nghiệp Nhà nước, ông thấy mức độ và quy mô sai phạm của các tập đoàn Nhà nước hiện nay khác trước như thế nào?
- Trước đây, những vụ án như này không nhiều vì số lượng giao dịch ít, quy mô giao dịch cũng nhỏ, hơn nữa khi đó Nhà nước lại kiểm soát chặt, cái gì cũng phải xin. Giờ thì quy mô lớn, thị trường mở, quan hệ dọc ngang nhiều, giao dịch rất lớn trong khi hiện nay cơ quan kiểm soát lại tinh gọn hơn nên càng khó kiểm soát so với trước đây.
Vậy Nhà nước nên kiểm soát như thế nào để không xảy ra những sai phạm lớn tại các tập đoàn chủ chốt như Vinashin, Vinalines?
Có nhiều việc phải làm. Tuy vậy, liên quan đến nâng cao hiệu lực của kiểm soát, thì vấn đề là phải thiết lập thể chế bảo đảm cân bằng giữa duy trì quyền kiểm soát của chủ sở hữu và quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Do bất đối xứng thông tin và không có đủ nguồn lực, nhà nước với tư cách là chủ sở hữu khó có thể duy trì được quyền kiểm soát đầy đủ và có hiệu lực đối với những người quản lý doanh nghiệp.
Vì vậy, phải đề cao vai trò của kiểm soát từ bên ngoài, của các bên có liên quan ở ngoài doanh nghiệp (như các nhà đầu tư hiện tại và tiềm năng, các chủ nợ, các nhà cung ứng và bạn hàng, đối thủ cạnh tranh, các chuyên gia tư vấn và phân tích thị trường...). Một việc nữa là phải sử dụng cơ chế kiểm soát, giám sát bên ngoài để bổ sung cho giám sát bên trong của chủ sở hữu. Để làm được điều này, thì công khai thông tin, minh bach hóa quản lý là điều không thể thiếu.
Như New Zealand, Chính phủ thuê cho một công ty tư nhân chuyên làm công việc kiểm soát, giám sát và đánh giá doanh nghiệp Nhà nước. Tinh thần của họ là lấy khu vực tư nhân giám sát khu vực Nhà nước. Công ty tư nhân này chỉ có vài chục nhân viên. Những bài học kinh nghiệm đó rất đáng được tham khảo tại Việt Nam.
Nhiều đại biểu Quốc hội đang đề nghị buộc doanh nghiệp Nhà nước công bố thông tin minh bạch như một công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán, ông nghĩ sao?
Rõ ràng, việc buộc các tập đoàn, tổng công ty phải công bố thông tin theo chuẩn mực tối thiểu tương tự các công ty niêm yết là hết sức cần thiết. Việc này không nên trì hoãn. Cá nhân tôi coi đó là giải pháp đột phá trong cải cách, tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Không những phải công bố thông tin nhiều hơn mà những chuẩn mực đối với doanh nghiệp Nhà nước còn phải cao khắt khe hơn nhiều với công ty niêm yết. Vì trên thị trường chứng khoán, cùng lắm chỉ có vài trăm nghìn cổ đông. Ngược lại, doanh nghiệp Nhà nước là sở hữu toàn dân, của quảng đại quần chúng.