Vụ tranh chấp thừa kế 1.000 tỉ đồng ở TP.Hồ Chí Minh: “Cô Năm” giàu có nhờ chịu khó làm ăn
Thứ bảy, 02/06/2012, 11:30
Ngày 1.6, chúng tôi tìm đến địa phương nơi có người phụ nữ trong bài báo “Tranh chấp thừa kế 1.000 tỉ đồng” ở quận Tân Phú, khi bà mất đi để lại một khối tài sản khổng lồ và đã xảy ra tranh chấp. Ở đây, ai ai cũng biết tiếng “Cô Năm” - người có tấm lòng thiện và cần cù lao động tích cóp một cách miệt mài…
Dãy phố này có nhiều hàng quán, nhà kho, sân bóng... là bất động sản do Cô Năm sở hữu.
Tích tiểu thành đại
Dọc theo đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, mà người dân vẫn quen gọi là Kênh Thối, là những quán ăn, trường học, sân bóng bàn, cầu lông, kho hàng... tất cả đều là của Cô Năm - tên thật là Thạch Kim Phát (SN 1946). Bà là người phụ nữ chết đột ngột và để lại khối tài sản khổng lồ (Báo Lao Động đã đưa tin).
Theo gia đình và những người làm công cho bà Phát kể lại, mọi người vẫn thường gọi thân mật với bà Phát là Cô Năm. Trước đây, Cô Năm ở Chợ Lớn, làm nghề sản xuất hủ tiếu, nhưng sau đó dẹp đi, chuyển sang làm bún gạo. Bà làm bún gạo khá nổi tiếng, nhờ vậy lợi nhuận thu được cũng khá hơn nhiều.
Tuy nhiên, càng về sau này, do mì gói, mì ăn liền cạnh tranh khốc liệt, chiếm lĩnh thị trường, nên Cô Năm cũng nhanh nhạy chuyển sang làm bún gạo với quy mô nhỏ lại và chuyển mặt bằng sang cho thuê làm sân cầu lông, sân bóng bàn, làm kho bãi, các quán ăn, trường học... và tất cả đều nằm ở địa chỉ số 126 đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, rộng hơn 2.000m2.
Cũng với cách làm cần cù, tiêu pha đúng mực, sống rất giản dị và ăn chay trường, Cô Năm tích cóp mua đất với cách cứ mua một miếng nhỏ, rồi mua thêm, mua thêm thành miếng lớn.
Do vậy, hiện nay, trong khối tài sản của Cô Năm có đến 2 biệt thự, 2 mẫu đất ở Long Hoa và vùng gần núi, tại tỉnh Tây Ninh. Còn ở huyện Củ Chi, TPHCM, Cô Năm cũng có hơn 2 mẫu đất, có gần chục kho hàng, diện tích trung bình 500-1.000m2/kho... cho đến nhiều đất đai khác.
Gia đình đồng ý làm từ thiện?
Cô Năm mất từ năm ngoái (2011), nhưng việc tranh chấp khối tài sản khổng lồ này lại mới xảy ra, lúc đó mới biết Cô Năm có một lượng tài sản nhiều đến vậy. Gia đình Cô Năm có tổng cộng 10 người (mất 2 người, còn 8 người). Cô Năm sống và lớn lên trong gia đình gia giáo và tính tình rất kỹ lưỡng.
Đây là câu lạc bộ thể thao của Cô Năm cho thuê.
Bố của Cô Năm là người Hoa, mẹ người tỉnh Tây Ninh. Những người làm công cho Cô Năm kể lại, lúc làm việc cho cơ sở bún gạo, nếu làm nửa ngày thì tính lương nửa ngày, còn đàn ông mà ăn nhậu, có mùi bia rượu trong lúc làm việc là cho nghỉ ngay. Về cô con nuôi mà Cô Năm xin về từ bệnh viện lúc còn đỏ hỏn, tên thường gọi là Nhi (SN 1990), Cô Năm rèn giũa trong môi trường rất nghiêm khắc.
Nhi rất ít bạn bè, học giỏi và đi du học từ năm 18 tuổi ở Singapore và sau này là Đức, theo ngành học quản trị kinh doanh. Theo lời kể của nhiều người làm công và bà con xung quanh, Cô Năm rất yêu thương, quý mến Nhi, tuy nhiên cũng rất nghiêm khắc với con.
Cô Năm làm việc chăm chỉ và cũng rất tiết kiệm dành dụm từng đồng tiền nhỏ cho đến lớn. Khi Cô Năm mất, những người chứng kiến việc mở két sắt, Cô Năm tích lũy từng đồng tiền nhỏ, có những tờ tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng được sắp xếp ngay thẳng cất giữ cẩn thận.
Ngay sau khi biết có thông tin là Nhi tuyên bố sẽ cho làm từ thiện toàn bộ khối tài sản trị giá 1.000 tỉ đồng của mẹ để lại, nếu mình được thừa hưởng, thì phía gia đình anh em Cô Năm cũng cho biết, nếu như vậy thì gia đình đồng ý là cho làm từ thiện, nhưng Nhi phải làm cam kết thực hiện đúng như đã hứa.
Còn không, gia đình anh em dòng họ Cô Năm sẽ quyết nhờ tòa án giải quyết để phân chia, vì khối tài sản này, theo anh em Cô Năm là có sự đóng góp xuyên suốt của cả dòng họ, có sự đầu tư, hùn hạp làm ăn giữa các anh em trong gia đình với nhau từ lâu nay.