Đầu tư sân bay quốc tế: Bỏ ra ngàn tỉ thu về chẳng bao nhiêu

Thứ tư, 25/07/2012, 07:13
Theo quy hoạch cảng hàng không đến năm 2020 cả nước sẽ có thêm năm cảng hàng không quốc tế, nâng tổng số sân bay quốc tế lên 10 sân bay. Thế nhưng hiện chỉ có 2/5 sân bay quốc tế đang kinh doanh có lãi.
 
Mới đây Tổng công ty Cảng hàng không VN đã có văn bản đề nghị Cục Hàng không VN, Bộ Giao thông vận tải rà soát và xác định lại đâu là các cảng hàng không quốc tế trên toàn mạng để có kế hoạch đầu tư trọng điểm.
 
Một chuyến bay charter của Hãng hàng không Nordwind chở du khách Nga vừa hạ cánh xuống sân bay quốc tế Cam Ranh sáng 18-7

Sân bay quốc tế chỉ bay quốc nội
 
Tháng 1-2011, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng đã chính thức đưa vào khai thác, thế nhưng từ đó đến nay cảng hàng không này chỉ thi thoảng mới thực hiện được các chuyến bay thuê chuyến (charter) từ Đài Bắc (Đài Loan) về Cần Thơ của Vietnam Airlines (VNA) để phục vụ các cô dâu Việt về thăm quê dịp tết.

Với các đường bay trong nước, hiện tại sân bay cũng chỉ có hai hãng hàng không là VNA và Vasco khai thác ba đường bay Cần Thơ - TP.HCM, Cần Thơ - Phú Quốc và Cần Thơ - Côn Đảo với tần suất 6-8 chuyến/ngày.

 
Tương tự, một số cảng hàng không được quy hoạch, nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế nhưng chỉ phục vụ các chuyến bay quốc nội là chủ yếu.

Chẳng hạn như Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng), trước đây có Hãng hàng không giá rẻ Viva Macau khai thác đường bay Hải Phòng - Macau, thế nhưng từ tháng 3-2010 hãng này ngưng hoạt động, sân bay này cũng ngừng khai thác các chuyến bay quốc tế.

 
Trong khi đó, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh cũng chỉ mới phục vụ một số hãng hàng không bay charter từ Nga, Hàn Quốc chở khách du lịch sang và một vài hãng của Nga bay thuê trong mùa đông, còn lại phục vụ các chuyến bay quốc nội là chính.
 
Riêng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng được xem là điểm đến khá năng động với nhiều sự kiện, trung tâm du lịch của miền Trung... nhưng hiện chỉ có Hãng hàng không Silk Air và Hãng hàng không giá rẻ Air Asia bay Đà Nẵng - Singapore với tần suất 4 chuyến/tuần. Ngoài ra còn các đường bay charter từ Quảng Châu, Thượng Hải, Đài Bắc, Côn Minh...
 
Khó mở đường bay quốc tế
 
Để trở thành cảng hàng không quốc tế như sân bay Cần Thơ, Tổng công ty Cảng hàng không VN (trước đây là Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam) cho biết đã phải đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng để sân bay này có đường hạ cất cánh dài 3km, rộng 45m, hệ thống đường lăn sân đậu máy bay có thể tiếp các loại máy bay hạng nặng như B777-300ER, B747-400, nhà ga hành khách có công suất 3 triệu khách/năm.

Ngày khánh thành 1-1-2011, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không miền Nam khi đó đã kỳ vọng các tuyến bay quốc tế từ Cần Thơ đi Hàn Quốc, Thái Lan, Hong Kong... sẽ được mở trong vài tháng sau đó. Thế nhưng với số chuyến bay trong nước và quốc tế quá ít ỏi như hiện nay, lượng thu vào không thấm tháp so với số vốn khổng lồ bỏ ra.

 
Theo ông Lại Xuân Thanh - cục phó Cục Hàng không VN, vị trí của Cần Thơ rất thuận lợi, từ đây có thể kết nối đến các nước trong khu vực ASEAN như Campuchia, Singapore, Malaysia, Indonesia... nhưng sân bay quốc tế này chưa có chuyến bay thương mại quốc tế là điều đáng tiếc.
 
Sân bay Liên Khương (Lâm Đồng) sau khi được đầu tư gần 1.000 tỉ đồng để có một đường băng đủ tải cho máy bay Airbus A321 có thể cất - hạ cánh, nhà ga được đầu tư 600-700 tỉ đồng xây mới có thể vận chuyển 1,5-2 triệu khách/năm và các trang thiết bị đủ để có thể phục vụ các chuyến bay quốc tế.

Nhưng theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, với doanh thu và tần suất bay như hiện nay của sân bay phải mất chừng 30 năm mới có thể thu hồi vốn đầu tư.

 
Một quan chức Tổng công ty Cảng hàng không VN kể lại khi sân bay Cần Thơ chính thức hoạt động, đại diện tổng công ty đã tổ chức mời các hãng hàng không quốc tế đang bay đến VN tới Cần Thơ khảo sát, xúc tiến với hi vọng họ sẽ mở đường bay.

“Phản hồi sau đó của các hãng về cơ sở hạ tầng là khá tốt, nhưng tất cả đều đồng trả lời chưa có kế hoạch mở đường bay quốc tế đến đây vì điểm đến chưa hấp dẫn: du lịch không hấp dẫn, kinh tế chưa có gì thu hút nhà đầu tư kinh doanh... bay chắc chắn sẽ lỗ” - quan chức này chia sẻ.

 
Trao đổi với PV, ông Lương Hoài Nam - giám đốc điều hành Hãng hàng không Air Mekong - cho biết hãng sẽ mở đường bay quốc tế nhưng chưa nhìn ra được phân khúc khách hàng nào để có thể khai thác đường bay quốc tế từ Cần Thơ. “Nguồn khách cô dâu ở Đài Loan, Hàn Quốc cũng chẳng bao nhiêu để khai thác bay thường xuyên, cao điểm mùa tết cũng chỉ dư chút ít để khai thác charter” - ông Nam cho hay.
 
Ông Tạ Hữu Thanh, phó tổng giám đốc Hãng hàng không Jetstar Pacific, cho biết trước đây có Jetstar Pacific mở đường bay nội địa Hà Nội - Cần Thơ nhưng phải ngưng khai thác vì sau năm tháng bay lỗ gần 2 triệu USD do thiếu khách.
 
Địa phương nào cũng muốn làm sân bay
 
Theo Tổng công ty Cảng hàng không VN, để các cảng hàng không quốc tế trở nên nhộn nhịp, thu hút các hãng hàng không bay thì vai trò của chính quyền địa phương vô cùng quan trọng nhưng lâu nay khá mờ nhạt.
 
Trong khi đó, địa phương nào cũng muốn đề xuất lãnh đạo tổng công ty đầu tư nâng cấp sân bay địa phương thật hoành tráng để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch, dịch vụ...
 
Tuy nhiên, nguồn tiền để đầu tư cho các sân bay này không đơn giản chút nào, bởi theo Tổng công ty Cảng hàng không VN, để đầu tư 26 cảng theo quy hoạch trong giai đoạn 2012-2020 cần phải có khoảng 221.000 tỉ đồng.
 
Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn