Tập đoàn kinh tế Nhà nước: Lỗ hổng pháp lý và nhân sự

Thứ ba, 24/07/2012, 14:05
Địa vị pháp lý của Tập đoàn kinh tế Nhà nước quy định trong Nghị định 101 khiến nhiều Bộ, ngành nói rằng, họ không thể “đụng” đến tập đoàn. Có ý kiến từng ví: Chủ tịch HĐQT thậm chí còn tự coi ghế như Bộ trưởng! So về dự án, tiền bạc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn nắm trực tiếp nguồn vốn lớn và có quyền quyết định đầu tư hay không, còn Bộ trưởng thì chỉ quản lý về hành chính Nhà nước.
So với thế giới, khái niệm tập đoàn kinh tế ở Việt Nam chậm hơn rất nhiều. Ngày 7/3/1994, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 90 và 91 thành lập các tổng công ty Nhà nước (sau đó dẫn tới sự ra đời các tổng công ty 90, 91), nhưng phải đến năm 2005 thì một số tổng công ty được tổ chức thành tập đoàn kinh tế.

Tập đoàn Công nghiệp Than, khoáng sản Việt Nam là doanh nghiệp đầu tiên được “khai sinh” vào ngôi nhà TĐKTNN, đến năm 2012, cả nước có 13 tập đoàn kinh tế và 96 tổng công ty Nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.

 
Pháp lý: vừa muộn vừa hổng
 
Các nhà kinh tế cho rằng, về xu thế khách quan, sự phát triển kinh tế thị trường và tập đoàn kinh tế ở nước ta phải phát triển theo con đường rút ngắn - sớm hiện đại hoá lực lượng sản xuất và tổ chức quản lý bảo đảm phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với an sinh xã hội.
 
Điểm nữa, kinh tế tập đoàn không hình thành từ sự phát triển lên nấc thang cao hơn của doanh nghiệp, mà hình thành từ chính sách giải quyết vấn đề kinh tế quốc doanh - một vấn đề tồn tại từ mô hình kinh tế kế hoạch hoá trước đây, là hướng chủ đạo của phát triển kinh tế thị trường.

Vì vậy, dẫn tới thực trạng các TĐKTNN đầu tư Nhà nước càng lớn thì hiệu quả lại không tương xứng do trình độ tổ chức, quản lý yếu kém, thiếu cơ chế minh bạch, dễ tham ô, tham nhũng.

 
Ngày 20/12/2009, thời điểm Nghị định 101/2009/NĐ-CP về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý TĐKTNN của Chính phủ có hiệu lực thi hành. Đây là văn bản pháp lý của Chính phủ quy định về lĩnh vực này, và tới nay cũng là văn bản pháp lý cụ thể, trực tiếp nhất trong quản lý Nhà nước về TĐKTNN, nhưng lại ra đời sau khi khai sinh tập đoàn tới 4 năm.
 
Vấn đề nổi cộm nhất của TĐKTNN và là gốc rễ dẫn tới kinh doanh thua lỗ, yếu kém là chưa tách biệt chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Kiểu làm “hai trong một”, cơ quan quản lý hành chính Nhà nước vẫn đồng thời là cơ quan thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu Nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty dẫn đến tình trạng chồng chéo, thiếu minh bạch về vai trò, chức năng của cơ quan Nhà nước.

Trong khi đó, mô hình và phương thức hoạt động còn nhiều bất cập làm hạn chế chất lượng quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, tổng công ty.

 
Việc thí điểm thành lập các TĐKTNN dựa trên cơ sở các tổng công ty 90, 91, cùng với việc chuyển các tổng công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con cũng chưa được phân định rõ ràng giữa tập đoàn và tổng công ty. Việc thay đổi này chủ yếu mới mang tính hình thức mà chưa có sự thay đổi mang tính căn bản về quản lý Nhà nước cũng như quản trị doanh nghiệp.
 
Vai trò chủ sở hữu công ty mẹ cũng bị giới hạn: Công ty mẹ không được toàn quyền định đoạt vốn, tài sản của công ty con, kể cả công ty TNHH một thành viên.

Hiện chưa có quy định hạn chế cơ cấu đầu tư trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty dẫn đến tình trạng một số trường hợp công ty con đầu tư ngược trở lại công ty mẹ, công ty mẹ đầu tư chi phối cả “công ty cháu” làm phức tạp quan hệ đầu tư, gây tình trạng chồng chéo, lẫn lộn trong việc thực hiện quyền của chủ sở hữu vốn, gây ảnh hưởng không tốt đến chất lượng quản lý, sử dụng vốn Nhà nước.
 
Lộ diện nhiều nghịch lý về quản trị tập đoàn qua vụ Vinashin, Vinalines.

Thêm nữa, cơ chế giám sát và tổ chức thực hiện giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước về sử dụng vốn, tài sản Nhà nước đối với TĐKTNN, tổng công ty còn nhiều bất cập. Quyết định số 224/2006/QĐ-TTg được coi là công cụ quản lý đối với doanh nghiệp Nhà nước để ràng buộc trách nhiệm của ban quản lý doanh nghiệp vào hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước nhưng chưa có chế tài đủ mạnh xử lý các hạn chế, yếu kém.

Chưa có quy chuẩn về quản lý, giám sát đối với tập đoàn, tổng công ty Nhà nước dẫn đến tình trạng mỗi bộ, ngành có cách thức và mức độ quản lý tập đoàn, tổng công ty khác nhau.

 
Thực tế cũng cho thấy, chúng ta còn chậm xây dựng một hệ thống tiêu chí an toàn về mặt tài chính trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để làm cơ sở cho giám sát, quản lý Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.

Trước khi ban hành Nghị định số 09/2009/NĐ-CP ngày 5/2/2009, không có văn bản pháp luật nào quy định hệ số an toàn vốn, tỷ lệ vốn và điều kiện được đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, quỹ đầu tư...

 
Hệ quả là nhiều tập đoàn, tổng công ty đi vay hoặc chiếm dụng vốn quá lớn so với vốn chủ sở hữu, dẫn đến năng lực tài chính yếu kém. Không ít tập đoàn, tổng công ty đầu tư quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro, trong khi đang rất thiếu vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh chính, vừa làm giảm hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước vừa làm giảm năng lực thực hiện nhiệm vụ chính được Nhà nước giao.

Điển hình là việc đầu tư vào bất động sản, chứng khoán gây thua lỗ lớn.

 
“Ghế” tập đoàn cao quá tầm
 
Địa vị pháp lý của TĐKTNN quy định trong Nghị định 101 khiến nhiều Bộ, ngành nói rằng, họ không thể “đụng” đến tập đoàn. Theo Nghị định 101 về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế Nhà nước, Hội đồng quản trị các tập đoàn có từ 5 đến 9 thành viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hoặc thay thế, khen thưởng, kỷ luật theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ quản lý ngành.

Chủ tịch HĐQT có quyền quyết định đầu tư thành lập mới, tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên với mức vốn điều lệ của mỗi công ty đến 50% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty mẹ…

 
Với địa vị như vậy, nhiều vị Chủ tịch HĐQT tự cho mình cái ghế sánh ngang Bộ trưởng khiến nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc từng than thở trước Quốc hội rằng: Có tập đoàn đóng cửa không tiếp đoàn kiểm tra của Bộ, phớt lờ các yêu cầu! Quyền hạn của Chủ tịch HĐQT thậm chí còn vượt cả…

Quốc hội, bởi nếu tổng giá trị tài sản tập đoàn, tổng công ty là 100 nghìn tỷ thì Chủ tịch HĐQT được quyết đến 50%, tức 50 nghìn tỷ, trong khi 35 nghìn tỷ đã thuộc thẩm quyền Quốc hội. Bởi thế, việc mua sắm các con tàu nâng tổng số vốn lên cả trăm nghìn tỷ đồng, nhưng Quốc hội không được quyết dẫn tới tàu cũ, tàu thải của nước ngoài có dịp “nghỉ ngơi” ở cảng biển của ta.

 
Câu chuyện của nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc mấy năm trước, giờ lại được người kế nhiệm là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh giãi bày trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội giữa tháng 6 vừa rồi.
 
Thực tế, việc đặt địa vị pháp lý của HĐQT tập đoàn với nhiều quyền năng lớn đã tạo ra hàng rào vô hình với chính cơ quan quản lý Nhà nước. Như trăn trở của hai đời Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, địa vị quá tầm của tập đoàn khiến cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cùng những bộ khác, đã bị tập đoàn xem nhẹ.
 
Có ý kiến từng ví: Chủ tịch HĐQT thậm chí còn tự coi ghế như Bộ trưởng! So về dự án, tiền bạc, Chủ tịch HĐQT nắm trực tiếp nguồn vốn lớn và có quyền quyết định đầu tư hay không, còn Bộ trưởng thì chỉ quản lý về hành chính Nhà nước.

Một khi cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành dù được giao nhiệm vụ trên giấy tờ nhưng lại không thể kiểm soát được tình hình ở tập đoàn, thì các “ông lớn” tạo ra những “vùng cấm”, đó là môi trường nẩy sinh các tiêu cực, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi hết sức nguy hiểm.

 
Chẳng hạn như việc mua sắm tàu biển, tổng vốn những con tàu này giá trị rất lớn, có khi vượt nhiều lần ngân sách hằng năm của các địa phương “có tiếng”, nhưng việc kiểm soát tài chính và quá trình mua sắm ra sao lại dễ dàng được “khép kín”!
 
Quản trị lối cũ
 
Trong khi đó, việc quản trị theo mô hình cũ, đầu tư lớn nhưng lợi nhuận thấp, chậm đổi mới theo thị trường cũng là vấn đề nan giải ở không ít tập đoàn.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên nhân của những bê bối tại tập đoàn, tổng công ty còn nằm ở việc khu vực Nhà nước đang tham gia vào quá nhiều hoạt động, dự án khác nhau, ở nhiều lĩnh vực nhưng đều không hiệu quả.

Bà cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước bỏ 13 đồng vốn mới thu được một đồng tăng trưởng, trong khi khối tư nhân chỉ cần nửa đồng.

 
Con số nợ 218.000 tỷ của các tập đoàn, tổng công ty cũng từ đó mà ra và rất khó giải quyết khi mà tỷ lệ nợ ở nhiều nơi đã cao gấp 10 lần vốn chủ sở hữu.

Trước đây khi mới hình thành tập đoàn, có nhiều ý kiến cho là không cần thí điểm nhiều, chỉ dừng lại ở khoảng 2 đơn vị rồi đánh giá tất cả các mặt xem mô hình như vậy có ổn hay không, tác dụng nó mang lại ra sao, hiệu quả thế nào, nhưng việc thực hiện vẫn ồ ạt, trong khi doanh nghiệp lại hoạt động không hiệu quả, nợ nần nhiều như hiện nay.
 
“Tôi rất xót xa và trăn trở”!
 
Tại kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIII vừa rồi, nhiều đại biểu tập trung chất vấn về bức xúc tại các tập đoàn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) về trách nhiệm của Bộ KH & ĐT về những thất thoát trong các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước (cụ thể là trường hợp Vinalines), Bộ trưởng KH & ĐT Bùi Quang Vinh giãi bày: Các sai phạm của Vinalines, trong các luật quy định chỉ báo cáo chủ sở hữu, không báo cáo lên bộ, ngành. Bộ KH & ĐT có đến xin các báo cáo cũng không được, họ không cho. “Trong luật quy định rõ như thế nên họ báo không có trách nhiệm phải báo cáo. Tôi đã nhận có trách nhiệm liên quan đến quản lý chung, còn về cái cụ thể rất khó”!
 
Theo CAND

Các tin cũ hơn