Điểm trũng nợ xấu

Thứ ba, 24/07/2012, 14:32
Nợ xấu tồn tại trong hệ thống các tổ chức tín dụng cũng được so sánh tương tự như mặt trái của bàn tay. Nhưng việc các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn thuộc nhóm G14 là điểm trũng của nợ xấu lại là câu chuyện khác.

>> Ông lớn ngân hàng giảm lãi, tăng vọt nợ xấu 
>> TS Võ Trí Thành: 'Chủ ngân hàng phải trả giá cho nợ xấu'
>> Nhà băng ồ ạt báo lãi giảm, nợ xấu tăng
>> Ngân hàng lớn có nợ xấu cao

Lác đác một số NH công bố kinh doanh có lãi trong 6 tháng đầu năm. Vietcombank (VCB) ước đạt được lợi nhuận trước thuế 2.600 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với lợi nhuận trước thuế 1.700 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2012. DongA Bank đạt lợi nhuận trước thuế hơn 776,548 tỷ đồng, tăng tới 14,8% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên để làm nên điểm sáng ấy, khối NH đang phải đối diện với nợ xấu. Nợ xấu và lợi nhuận cao luôn đi cùng nhau. Bởi ngân hàng là một ngành kinh doanh có nhiều rủi ro, nếu không chấp nhận rủi ro thì không có lợi nhuận.
 


Ảnh minh họa

Do đó, những khoản nợ xấu là một phần tất yếu trong hoạt hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Theo cơ quan thanh tra giám sát NHNN, đến ngày 31-3-2012, nợ xấu của các TCTD là hơn 202 ngàn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.
 
Chuyên gia ngành tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, mức nợ xấu theo công bố này cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái bởi điều kiện kinh tế Việt Nam ngày càng khó khăn hơn. Bản thân các NHTM CP (Cổ phần) cũng hiểu rằng, các năm trước tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn vượt quá 2 con số kéo theo áp lực chất lượng tín dụng là điều không tránh khỏi. Nhưng dù các NHTMCP có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao thì tỷ lệ nợ xấu chưa hẳn đã vượt được khối NHTM nhà nước.
 
Vậy, điều quan trọng là phân vùng nợ xấu đang nằm ở đâu? Nếu theo quy luật, rủi ro cao thì lợi nhuận lớn, có nghĩa là nợ xấu đang nằm tại nhóm các NH mạnh, lãi lớn. Một số liệu vừa làm nóng dư luận, tại G14, nợ xấu chiếm tới 62%; còn nhóm NH "có vấn đề” chiếm 10%; nhóm còn lại chiếm 28%.
 
Còn nếu chia nợ xấu theo khối cổ phần hay quốc doanh thì nợ xấu đang án ngữ tại các NHTM nhà nước, chiếm tỷ trọng tới 50,5%; nhóm thứ hai là khối TMCP với 27,8%; nhóm NH nước ngoài với 4,2%; nhóm các tổ chức tín dụng khác chiếm 17,5%.
 
Tại sao nợ xấu lại kẹt tại NHTM nhà nước hay là tại các ông lớn G14? Trong một cuộc trao đổi có nội dung Tái cấu trúc NHTM, một doanh nhân đã đưa ra lý lẽ: chúng ta nhớ lại xuất phát điểm 2007, thời điểm "thịnh” của bất động sản, nhiều người đổ xô đi mua bất động sản, thậm chí những người không có "nghề” kinh doanh bất động sản cũng chạy theo phong trào để kiếm lời.

Thời điểm đó, nhiều NH đã sai khi phá vỡ những quy định của mình, chẳng hạn một đơn vị chỉ được phép vay không quá 3 lần vốn điều lệ thì NH lại cho vay gấp mấy chục lần vốn điều lệ. Năm 2007, cũng là thời điểm thịnh của tập đoàn, tổng công ty đầu tư ngoài ngành.

Khối này đã tìm đến bầu sữa nhà nước (khối NH mẹ, chủ yếu là NN&PTNN, BIDV, VCB để được vay vượt mức. Điểm này còn được chứng minh qua một đánh giá mới nhất của Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của Agribank là cao nhất so với các ngân hàng lớn trong nước
 
Theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ nợ xấu ở các NH lớn là do xu hướng cho vay dài hạn trên 5 năm mà không yêu cầu trả một phần nợ gốc vào cuối mỗi năm. DN trả lãi đúng hơn sẽ không bị xếp vào dạng nợ xấu.

Chưa kể, khái niệm nợ xấu ở nước ta tuy áp dụng chuẩn mực quốc tế nhưng cách phân loại nợ khác, trong đó việc phân loại nợ chủ yếu dựa vào thời hạn trả nợ, thiếu sự đánh giá kết hợp nên không phản ánh đúng thực chất khoản nợ.
 
Cũng theo Chánh thanh tra giám sát NHNN Nguyễn Hữu Nghĩa, số nợ xấu thực tế đang rơi vào các lĩnh vực sản xuất và công nghiệp và xây dựng… do chịu sự tác động tương đối lớn về suy giảm kinh tế nói chung và đóng băng của thị trường bất động sản nói riêng.

Nợ xấu cho vay đầu tư kinh doanh BĐS khoảng 12 ngàn tỷ đồng, tương đương 6,5% tổng dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS, chiếm 10,3% tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.
 
 
Theo Đại Đoàn Kết

Các tin cũ hơn