Đầu tư chợ: "Đất hứa" thành đất hoang

Thứ ba, 24/07/2012, 15:02
Trong khi ở Hà Nội chuyện đầu tư chợ tiền tỷ rồi bỏ hoang đang gây ra nhiều bức xúc, trở thành vấn đề nóng tại phiên họp của HĐND thì ở TP. HCM, dù chưa được nhắc đến nhiều nhưng thực tế cũng không thiếu những khu chợ tiền tỷ bỏ hoang.
Nhờ tạo ra một số cơ chế khuyến khích đầu tư chợ mà gần một thập kỷ qua, hàng chục ngôi chợ quy mô lớn đã hình thành từ nguồn vốn của các nhà đầu tư. Song sau những hồ hởi ban đầu, qua quá trình hoạt động, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu nếm trái đắng vì hoạt động không hiệu quả.
 
Tiền tỷ phơi sương
 
Trước đây, để khắc phục tình trạng xuống cấp trầm trọng của chợ Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh đã kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia xây dựng chợ mới.
 
Thời điểm đó, doanh nghiệp (DN) tư nhân sản xuất Tân Ngọc Vân đã gõ cửa ngân hàng vay thêm 15 tỷ đồng cùng với 40 tỷ vốn tự có để làm thủ tục xin chủ trương đầu tư chợ Vĩnh Lộc mới.

Hai năm sau, chợ đi vào hoạt động với quy mô hơn 200 sạp, tổng vốn đầu tư hơn 57 tỷ đồng. Tuy nhiên, bi kịch là cho đến nay tỷ lệ lấp đầy không quá 100 sạp. Cơ sở hạ tầng của chợ thì ngày càng xuống cấp.
 
Ông Trần Văn Dũng - Giám đốc Công ty Tân Ngọc Vân, tâm sự: "Tình trạng khai thác kém hiệu quả của ngôi chợ bạc tỷ này đã khiến DN đứng trước nhiều áp lực lớn từ lãi vay ngân hàng. Nguồn thu trung bình của chợ mỗi tháng chỉ đạt khoảng 250 triệu, trong khi lãi vay ngân hàng ngốn hơn 400 triệu/tháng. Làm ăn thua lỗ mà không thể đóng cửa bởi nó còn liên quan đến hàng trăm tiểu thương đang mưu sinh gắn bó với mình".
 
Cách đây không lâu, Quận 7 lên kế hoạch giải tỏa chợ Phước Long cũ (Phường Phú Mỹ, quận 7). Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Dịch vụ Phước Long đã xây chợ Phước Long mới với hơn 650 sạp, nếu tính cả chi phí tiền đất (7.000m2), tổng mức đầu tư vào khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có khoảng 200 sạp hoạt động trong tình trạng cầm chừng, số còn lại đóng cửa hoàn toàn.
 
Chợ Vĩnh Lộc xuống cấp trầm trọng

Cũng trong tình cảnh tương tự, chợ Tân Phú (Quận 9) được xây dựng từ năm 2004 , vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng với quy mô gần 4000m2. Hơn 6 năm qua, ngôi chợ tiền tỷ này phải chịu cảnh hàng ngày phơi nắng phơi sương.
 
Đến nay, chợ Tân Phú dù cách Quốc lộ 1A khoảng 300m nhưng thiếu đường kết nối với các khu vực xung quanh, chỉ có một lối ra vào duy nhất nối với con đường một chiều bên hông quốc lộ. Vì tình hình vẫn chưa được cải thiện, nên khu chợ này đang được quận tính đến chuyển đổi công năng sau một thời gian dài bỏ phí.
 
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: "Khi xây chợ Tân Phú, chủ đầu tư đã không nghiên cứu kỹ về tập quán, thói quen của người dân cũng như giao thông đi lại. Do đó khi xây xong tiểu thương không thể buôn bán được. Sở Công Thương đã làm việc với quận 9 và đưa ra giải pháp chuyển đổi công năng của khu chợ này thành nhà văn hóa".
 
Bị "knock out" bởi chợ tạm
 
Nguyên nhân thất bại của nhiều khu chợ đầu tư bài bản thường là sự góp mặt của nhiều khu kinh doanh tự phát lân cận đó. Những hình thức kinh doanh như vậy luôn hình thành xung quanh các chợ được đầu tư bài bản đã khiến các chợ lớn này trở nên bị cô lập.
 
Cảnh đìu hiu bên trong chợ Tân Phú

Đặc điểm kinh doanh tự phát là không phải đóng bất kỳ một khoản nghĩa vụ nào đối với Nhà nước, cũng như trả bất kỳ khoản phí nào về thuê mặt bằng, thuê sạp chợ nên lợi nhuận của hoạt động này hấp dẫn hơn. Hơn nữa, ý thức, tập quán và thói quen của người đi chợ, thu nhập của người dân lao động còn thấp.
 
Chợ Phước Long ra đời có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết nạn kẹt xe do chợ tạm mọc lên ở các khu đường gần đó. Biết chợ tự phát là "đối thủ đáng gờm" nên ngay từ đầu, chợ Phước Long cạnh tranh bằng chiêu giảm trên 30% giá thuê sạp (1,5 triệu đồng/sạp/tháng), miễn phí điện, nước, thuế...

Tuy vậy, chợ tự phát gần đó vẫn không được dẹp triệt để nên các chính sách ưu đãi của chợ Phước Long chưa phát huy hiệu quả.
 
Để thu hút tiểu thương họp chợ, ban quản lý chợ Vĩnh Lộc cũng đã giảm giá thuê sạp, miễn, giảm thuế nhiều năm qua. Nhờ đó có thời điểm số lượng sạp trong chợ được lấp đầy 90%.

Tuy vậy, "cuộc chiến" giữa chợ Vĩnh Lộc và chợ tự phát chưa bao giờ cân sức. Dọn vào chợ vài hôm, tiểu thương lại sang sạp, đưa hàng ra "phố" gia nhập với chợ tự phát.
 
Theo giải thích của đại diện Sở Công Thương thành phố, sở dĩ chợ tự phát lấn át các chợ được đầu tư bài bản là do buông lỏng quản lý, để tình trạng kéo dài. Lực lượng mỏng không đủ khả năng chốt chặn lâu dài, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND quận/huyện, phường xã nơi trực tiếp quản lý trong việc kiên quyết giải tỏa điểm - khu vực mua bán tự phát cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải tỏa nơi này thì các hộ tiểu thương chạy về nơi khác để tiếp tục kinh doanh.
 
Ông Bùi Văn Hữu, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Phú, Quận 9 cho rằng: "Giải pháp hiện nay là UBND quận, huyện cần xây dựng kế hoạch, có lộ trình cụ thể để giải toả dứt điểm đối với các điểm kinh doanh tự phát. Đối với khu vực dân cư đã có chợ, hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương thì tiến hành giải toả trắng các điểm kinh doanh tự phát ăn theo chợ. Tuy vậy, để thay đổi tập quán, thói quen của người dân vẫn là điều khó khăn".
 
Việc các DN mạnh dạn bỏ một nguồn vốn lớn vào việc đầu tư xây dựng chợ thể hiện sự hưởng ứng tích cực đối với chủ trương xã hội hóa đầu tư của Nhà nước. Nếu các cơ quan quản lý làm tốt nhiệm vụ dẹp bỏ chợ cóc, chợ lề đường, chợ tạm hoạt động bát nháo thì những ngôi chợ hợp pháp trên không rơi vào cảnh đìu hiu, kém hiệu quả như hiện nay.

 
Theo VEF

Các tin cũ hơn