6 vấn đề ảnh hưởng tiến độ tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước

Thứ ba, 24/07/2012, 21:33
Ngày 17/07/2012, Thủ tướng chính phủ đã ký quyết định 929/QĐ-TTg chính thức phê duyệt “đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2012 – 2015.
Đề án đã thực hiện phân loại và đưa ra các định hướng giải pháp nhằm thực hiện tái cấu trúc toàn diện các doanh nghiệp nhà nước.

Tuy nhiên, với các tập đoàn, tổng công ty cụ thể, tiến độ tái cấu trúc nhanh hay chậm phụ thuộc vào rất nhiều nhân tố khác nhau.

Dưới đây là sáu nhân tố ảnh hưởng quyết định tới tiến độ tái cấu trúc của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

 

Thứ nhất, xuất phát điểm của tái cấu trúc
 
Các doanh nghiệp nhà nước có xuất phát điểm khác nhau khi thực hiện tái cấu trúc, nhiều doanh nghiệp về cơ bản kinh doanh có hiệu quả nhưng nhiều doanh nghiệp gặp những vấn đề tài chính nghiêm trọng, rủi ro tài chính cao và đầu tư ra ngoài ngành lớn. 
 
Những doanh nghiệp không có các vấn đề tài chính nghiêm trọng sẽ tái cấu trúc nhanh hơn và thuận lợi hơn những tập đoàn, tổng công ty có nhiều vấn đề phức tạp.

Chúng ta đã thấy Vinashin thực hiện quá trình tái cấu trúc khó khăn như thế nào khi xuất phát điểm của tái cấu trúc là hàng loạt các vấn đề nghiêm trọng.

 
Thứ hai, tiến độ tái cấu trúc các dự án đầu tư ra ngoài ngành lớn
 
Mức độ thành công của tái cấu trúc phụ thuộc phần lớn vào việc tổng công ty có tái cấu trúc thành công những khoản đầu tư lớn kém hiệu quả hay không.

Thực tế trọng điểm những khó khăn tài chính của các tập đoàn, tổng công ty thường xuất phát từ một vài dự án quy mô rất lớn nhưng kém hiệu quả.

Vì vậy, kết quả tổng thể của tái cấu trúc phụ thuộc quyết định vào việc các tổng công ty có giải quyết được việc thoái vốn ở những dự án này không. 

 
Ví dụ, trọng điểm dẫn đến khó khăn của Vinaconex là dự án Xi măng Cẩm Phả, Tổng Công ty cơ khí Xây dựng COMA là dự án Xi măng Đồng Bành, của Tập đoàn Sông Đà là Xi măng Hạ Long, của Tổng Công ty Xây dựng Công nghiệp Vinaincon là Xi măng Quang Sơn, của Tổng Công ty Sông Hồng là Công ty Thép Sông Hồng…

Những tổng công ty gặp phải vấn đề này khi thực hiện tái cấu trúc thông qua thoái vốn sẽ mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm đối tác mua lại và mức giá hợp lý.

 
Thứ ba, sự hỗ trợ tín dụng của các định chế tài chính
 
Với những tổng công ty gặp những vấn đề tài chính nghiêm trọng như kinh doanh kém hiệu quả, hệ số nợ cao và đầu tư ngoài ngành lớn, sự hỗ trợ tín dụng của các định chế tài chính sẽ đóng vai trò quyết định đến khả năng thành công của quá trình tái cấu trúc. 
 
Ví dụ đối với ngành xây dựng, tái cấu trúc tại Vinaconex và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) có thuận lợi là được sự hỗ trợ của tập đoàn mẹ và các định chế tài chính về tín dụng.

Do đó, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, tín dụng cho hai tổng công ty này vẫn được tăng lên đều đặn giúp đảo nợ và đảm bảo các dự án đầu tư hoàn thành đúng tiến độ. 

 
Ngược lại, trong suốt quá trình tái cấu trúc, Tổng Công ty Xây dựng điện Việt Nam VNECO đã không nhận được sự hỗ trợ của các ngân hàng trong trong việc cung cấp các khoản cho vay mới.

Vì vậy, VNECO đã phải dành phần lớn số tiền từ tái cấu trúc (bán dự án, phát hành cổ phiếu) để trả nợ ngân hàng. Điều này khiến cho dòng tiền của VNECO bị cạn kiệt, thiếu vốn đầu tư kịp thời vào các dự án dẫn đến chậm tiến độ.

 
Thứ tư, tăng vốn điều lệ kịp thời và đủ lớn
 
Với những tổng công ty có hệ số nợ cao, nếu bổ sung vốn điều lệ kịp thời với quy mô đủ lớn thì tái cấu trúc càng có cơ hội thành công cao.

Ví dụ trong ngành xây dựng, sở dĩ Vinaconex và PVC có thể tạo ra một quá trình tái cấu trúc tương đối thành công, một phần rất lớn là do các tổng công ty này đã thực hiện thành công các đợt tăng vốn điều lệ, với sự hỗ trợ tài chính từ cổ đông lớn thuộc sở hữu nhà nước. 

 
Vinaconex nhận được sự hỗ trợ lớn từ cổ đông lớn là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC và Tập đoàn Viettel, trong khi đó, PVC nhận được sự hỗ trợ lớn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
 
Thứ năm, sự ổn định của thị trường đầu ra
 
Nếu như các tổng công ty tái cấu trúc trong bối cảnh thị trường đầu ra thuận lợi và tăng trưởng, cơ hội thành công của tái cấu trúc là cao và tiến độ tái cấu trúc sẽ diễn ra nhanh hơn.

Ví dụ, tổng Công ty Vinaconex và PVC là hai tổng công ty tái cấu trúc trong điều kiện thị trường đầu ra được đảm bảo bởi các dự án lớn của Nhà nước, do đó, đã liên tục tăng trưởng về doanh thu trong tái cấu trúc. 

 
Chính vì vậy, kết quả tái cấu trúc của hai tổng công ty này đạt được tương đối khả quan. Trong khi đó, tập đoàn Vinashin tái cấu trúc trong bối cảnh nhu cầu về tàu biển suy giảm và bị cạnh tranh gay gắt từ các nước khác trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc, do đó, quá trình tái cấu trúc gặp nhiều khó khăn và chậm phát huy hiệu quả.
 
Thứ sáu, sự thuận lợi của thị trường chứng khoán
 
Quá trình tái cấu trúc đòi hỏi phải huy động vốn từ thị trường chứng khoán cũng như thoái vốn các khoản đầu tư qua thị trường chứng khoán.

Vì vậy, tình hình thị trường chứng khoán tác động rất lớn đến kế hoạch tái cấu trúc của những tổng công ty nhà nước. 

 
Nếu thị trường chứng khoán tiến triển tốt thì việc tăng vốn và thoái vốn thuận lợi sẽ giúp tổng công ty tái cấu trúc hiệu quả.

Chính vì vậy, việc Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phát biểu rằng, cuối quý ba năm nay, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc là mang hàm ý cam kết tạo thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc các tập đoàn tổng công ty nhà nước./.

 
Theo CafeF

Các tin cũ hơn