>> Giá xăng tăng tiếp 900 đồng/lít từ 14h hôm nay
>> Chỉ giao giá xăng cho DN khi xóa độc quyền
>> Giá điện: Tăng vẫn tăng, lãng phí vẫn lãng phí
>> Giá điện tăng 'nhầm thời điểm', doanh nghiệp thêm suy kiệt
Điện - xăng - gas: Dàn hàng ép người tiêu dùng
Trong một ngày, cả gas và xăng đều tăng giá với mức rất mạnh đã khiến cho hầu hết người dân cảm thấy "sốc" thực sự. Nhất là khi kinh tế vẫn trong giai đoạn khó khăn, đồng lương không đủ chi tiêu. Và dường như một điều chắc chắn là điện, xăng, gas, nước sạch... đều là các mặt hàng thiết yếu, đầu vào của nhiều hàng hóa dịch vụ khác tăng giá sẽ kéo theo hàng loạt các mặt hàng khác tăng theo.
Anh Nguyễn Đình Cường (ngõ 1050, đường Láng - Đống Đa - Hà Nội) than thở: "Điện tăng, gas tăng, xăng đều tăng đồng loạt chắc chắn người dân lại phải đối mặt với một đợt tăng giá mới". Anh cho biết, trước chỉ một thứ tăng mà gia đình đã phải tính toán chuyện chi tiêu sinh hoạt hằng ngày. Giờ ba mặt hàng này rủ nhau tăng giá cùng lúc chắc không chỉ có mỗi gia đình anh phải đối mặt với thời kỳ chắt bóp để có thể sống được trong thời buổi bão giá này.
Anh Cường đặt câu hỏi: "Điện tăng 5%, xăng tăng 4%, gas lên đến hơn 20% rồi nước sạch sẽ được tăng giá tối đa đến 50%... Tôi không hiểu người dân sẽ sống kiểu gì khi thu nhập thực chất đang giảm do kinh tế khó khăn, lạm phát cao. Tăng giá kiểu này chẳng khác nào lợi dụng CPI giảm để dàn hàng tăng giá ép người tiêu dùng".
Còn chị Minh Huyền ở Cổ Nhuế - Từ Liêm, HN thì đặt câu hỏi: "Giá điện vừa bị Chính phủ và các bộ, ngành nhắc nhở rút kinh nghiệm vì "không khéo" và bị nhiều chuyên gia cho là bất cập khi nhăm nhăm tăng giá trong khi kinh tế và DN còn nhiều khó khăn. Còn nay thì cùng một ngày cả xăng và gas tăng giá với mức cao thì không biết sẽ được giải thích thế nào? Liệu đây có phải là sự hợp lý khi kinh tế còn khó khăn, người dân còn khốn đốn sau cơn lạm phát thì lại bị dội tiếp đòn tăng giá dồn dập?".
Trước việc xăng và gas tăng giá, chị Huyền chỉ còn nước buông xuôi. Vợ chồng chị Huyền đều là công chức nhà nước, lương mới tăng không đáng là bao so với lạm phát gần 20% của năm qua, lạm phát mới giảm được tý chút thì lại dội một "cú ăn ba" tăng giá thì không biết sẽ phải xoay xở thế nào. Dân kêu cứ kêu còn giá tăng cứ tăng, còn ai muốn xoay xở sống thế nào thì mặc.
Bức xúc hơn, chị Nguyễn Kiều Linh ở tổ 47, đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài, Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Mỗi lần nghe đến việc tăng giá là tôi lại run rẩy chân tay vì tôi chỉ là một giáo viên ăn lương công chức lại nuôi con nhỏ, có cả ngàn chi phí phải dùng đến tiền. Nhiều lúc tôi thấy mình bất lực và cảm giác bị chìm dần trước làn sóng tăng giá. Chỉ thương bọn nhỏ bữa ăn cứ bị hao hụt dần".
"Doanh nghiệp nào cũng kêu tăng như vậy là đã tính toán kỹ để đảm bảo lợi ích các bên, không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân quá lớn. Trong một tháng ba mặt hàng xăng, điện, gas tăng giá thì không biết người ta căn cứ vào đâu mà nói là không tác động đến người dân chứ. Chỉ có người dân lại phải oằn lưng để cõng phí sinh hoạt mỗi khi giá tăng mới hiểu được thôi", chị Kiều Linh nói.
Tiểu thương kêu khó sống
Ghi nhận tại chợ đầu mối Dịch Vọng, Phùng Khoang, Cổ Nhuế, giá cả các mặt hàng thực phẩm đang có xu hướng giảm trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương buôn bán ở chợ tỏ ra e ngại. "Trong vài ngày tới, giá cả sẽ có biến động nhiều hơn. Đến lúc đó, chúng tôi cũng buộc phải tăng giá theo mặc dù không muốn vì khi tăng giá hàng hóa bán sẽ ế ẩm hơn", chị Hoa, một tiểu thương bán rau quả tại chợ cho biết.
Theo hầu hết tiểu thương ở chợ, việc cả điện, gas và xăng đều tăng giá thì chuyện giá cả thực phẩm leo thang cũng là một xu hướng tất yếu. Và tiểu thương thì chỉ còn cách là tăng giá thu tiền của người tiêu dùng, buộc họ phải thắt chặt chi tiêu, giảm mua sắm. Như vậy, sắp tới người tiêu dùng buộc phải đối mặt với những đợt tăng giá mới.
Đang trong giai đoạn buôn bán ế ẩm, việc điện, xăng, gas tăng giá khiến cho chi phí đầu vào của các DN tăng thêm, kinh doanh thêm khó khăn. Đối với nhiều tiểu thương và DN, việc tăng giá lần này khiến cho họ phải chịu sức ép từ hai phía: người tiêu dùng giảm mua sắm trong khi giá cả đầu vào tăng cao. Không còn cách nào khác, các DN và tiểu thương phải tìm mọi cách để cầm cự hoạt động, chấp nhận giảm lợi nhuận, thậm chí lấy công làm lãi để lôi kéo khách hàng.
Chị Mai Tuyên, bán thịt ở chợ Cổ Nhuế, chia sẻ: "Nhiều khi đi lấy hàng có thể tăng thêm 1, 2 giá nhưng tôi vẫn bán với giá cũ vì "tăng giá lên dễ mất khách lắm, giá có thấp hơn 3.000 - 5.000 đồng nhưng bù lại mình bán được nhiều hơn, lấy số lượng bù vào, thêm công làm lãi chứ không cũng chết vì ế ẩm".
Theo chị Mai Tuyên, trong thời buổi kinh doanh vô cùng khó khăn hiện nay, các tiểu thương phải chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng "không nên để người tiêu dùng một mình gánh chịu hết", bán giá rẻ hơn, người tiêu dùng sẽ yên tâm mua nhiều hơn. Đó chính là lí do mà điện và gas đã tăng giá mà giá cả trên thị trường vẫn chỉ có biến động nhẹ nhưng để có được sự ổn định đó thì các DN và tiểu thương đang rơi vào tình trạng rất... khó sống vì chưa bao giờ buôn bán khó khăn như bây giờ,
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết việc giảm giá, chia sẻ lợi nhuận cho người tiêu dùng là một việc nên làm và là hướng đi tất yếu cho các doanh nghiệp, người kinh doanh nếu muốn sống được trong cơn bão khủng hoảng.
Đặc biệt, ông cho rằng với các doanh nghiệp, việc xả hàng, khuyến mại lớn để giải quyết hàng tồn kho là tốt và ông khuyên các doanh nghiệp, tiểu thương "nên tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa, sẵn sàng thua thiệt trong thời gian ngắn để kích cầu người tiêu dùng. Đó là một lựa chọn khôn ngoan trong thời điểm này".
Theo VEF