Gamuda City, siêu dự án bất động sản bắt đầu “phát bệnh”?

Thứ năm, 02/08/2012, 09:52
Từng được quảng bá là dự án bất động sản lớn nhất phía Nam Hà Nội, dự án khu đô thị Gamuda City (Hoàng Mai, Hà Nội) sau gần 1 năm cấp phép hiện vẫn chỉ là những bãi cỏ hoang.

>> Vướng mặt bằng, “bệnh” của hàng loạt siêu dự án
>> 'Siêu dự án 97.000 tỷ đồng' lại được cấp phép mới
>> Sắp khởi công siêu dự án bất động sản hơn 2,5 tỷ USD tại Hồ Tây
>> Chuẩn bị “tăng tốc” siêu dự án Tây Hồ Tây

Thực tế này được cho là do tác động của suy giảm kinh tế trong và ngoài nước, trong đó lĩnh vực bất động sản chịu ảnh hưởng không nhỏ.

Song, cũng có ý kiến cho rằng, do chính những tính toán có phần viển vông của chủ đầu tư đã khiến không ít khách hàng, nhà đầu tư quay lưng với dự án – từ đó khiến chủ đầu tư đã khó lại càng khó thêm.

Tháo chạy vì “siêu dự án”

Vào tháng 12/2007, Công ty Gamuda Land Việt Nam, thuộc Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) đã chính thức được UBND thành phố Hà Nội cấp giấy phép triển khai dự án Công viên Yên Sở - một trong hai dự án được doanh nghiệp này thực hiện theo phương thức “đổi đất lấy hạ tầng”, nhằm phục vụ cho việc triển khai xây dựng khu đô thị Gamuda City ngay bên cạnh công viên.

 
Đến đầu tháng 8/2012, bên trong khuôn viên dự án Gamuda City vẫn là những đám cỏ xanh.

Với quy mô rộng trên 200 ha và được phát triển theo mô hình “thành phố thu nhỏ”, Gamuda City được xây dựng với mục tiêu sẽ trở thành khu đô thị tầm cỡ thế giới đầu tiên tại Hà Nội, với 2 khu dân cư, khu công viên vui chơi, giải trí và một trung tâm thương mại cao cấp.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, dự kiến dự án Gamuda City phải đến 2019 mới hoàn thành.

Với một dự án bất động sản kéo dài trong gần 10 năm (chưa tính yếu tố phát sinh) là quá dài và khó có thể hấp dẫn được các nhà đầu tư, khách hàng.

Do đó, vì lo sợ “tính lâu dài” của dự án, hiện hàng loạt nhà đầu tư đã trót mua hoặc đặt cọc tiền tại dự án Gamuda City đang nháo nhào rao bán lại trên mạng internet với những lời mời gọi đầy hấp dẫn để “cắt lỗ”, thoát khỏi dự án.

Một nhà đầu tư chia sẻ “thông thường một dự án bất động sản chỉ kéo dài trong 3 - 4 năm, thế nhưng dự án Gamuda City dự tính phải 6 - 7 năm nữa mới hoàn thành.

Do đó, nếu mua để ở cũng quá lâu, khách hàng khó có thể kiên nhẫn đợi đến khi đó được. Còn nếu mua để đầu tư thì lại càng khó vì hiện khách hàng chỉ quan tâm tới những dự án nào đã hoặc sắp hoàn thành, còn dự án trên giấy thì không còn ai quan tâm nữa rồi”.

Ngoài việc lo ngại vì dự án trên giấy, mới đây khách hàng và các nhà đầu tư lại giật mình khi thông tin dự án Gamuda City nằm trên vùng địa chất yếu nhất của Hà Nội, có nguy cơ sụt lún rất cao bị lọt ra ngoài, mặc dù trước đó chủ đầu tư đã “âm thầm” khảo sát khoan địa chất, quan trắc độ lún và kết luận “có thể xây được nhà cao tầng”.

Quan ngại về tính an toàn, không ít nhà đầu tư đã nhanh chóng từ bỏ ý định rót tiền vào dự án này.

Tổng giám đốc Gamuda Land Việt Nam, ông Cheong Ho Kuan, cho hay tổng vốn đầu tư tại Việt Nam được phê duyệt vào khoảng trên 5 tỷ USD. Hiện doanh nghiệp này đã giải ngân khoảng 200 triệu USD, song phần lớn là cho hai công trình công viên và nhà máy xử lý nước thải. Số vốn cho khu đô thị dường như vẫn chưa đáng kể.

Còn theo tìm hiểu của phóng viên, công tác giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích xây khu đô thị của dự án đến nay vẫn chưa được hoàn tất.

Lý do là phần lớn các hộ dân có đất thuộc khu vực dự án vẫn chưa chấp thuận với mức giá đền bù mà họ cho là quá thấp do chủ đầu tư đưa ra. Trong khi chủ đầu tư cho biết, mức giá đó đã được UBND quận Hoàng Mai phê duyệt.

Thế nhưng, trong khi công tác giải phóng mặt bằng của dự án chưa hoàn tất, vào tháng 6 vừa qua, chủ đầu tư đã tiến hành công khai mở bán, thu tiền đặt cọc của khách hàng, nhà đầu tư.

Thậm chí trước đó, trên các trang mạng và diễn đàn mua bán bất động sản đã xuất hiện đầy thông tin rao bán, bán lại các suất biệt thự tại Gamuda City từ các nhà đầu tư thứ cấp. Điều này là vi phạm quy định của Luật Kinh doanh bất động sản.

Và những quảng bá “hài hước”

Trong thư ngỏ gửi các chủ đầu tư, Tổng giám đốc Cheong từng nói “Dự án Gamuda City sẽ biến cửa ngõ phía Nam Hà Nội thành một trong những trung tâm thương mại sôi động nhất với hai khu đô thị đẳng cấp, hiện đại…kích thích khả năng thu hút đầu tư”.

Và theo như lời chủ đầu tư, hiếm có dự án, khu đô thị nào ở Hà Nội lại có vị trí đắc địa, thuận lợi như Gamuda City bởi đây là cửa ngõ phía Nam Thủ đô, tiếp giáp nhiều khu đô thị, nhiều khu vực quan trọng của thành phố…

Thực tế, sau gần một năm nhận giấy phép xây khu đô thị, đến thời điểm này, phần lớn diện tích của hạng mục này vẫn chỉ là những bãi cỏ xanh ngút, đúng như lời quảng bá của vị Tổng giám đốc Cheong rằng “mật độ xây dựng thấp chưa từng có”.

Về vấn đề tài chính, khi đối mặt với những chất vấn từ báo giới, vị Tổng giám đốc Cheong vẫn tỏ ra là một nhà đầu tư trường vốn, tính chuyện lâu dài. Ông cho biết, mục tiêu của chủ đầu tư đặt ra là ở 5 - 10 năm tới chứ không chỉ thời điểm này. “Những khó khăn tạm thời của thị trường bất động sản không thể quật ngã được Gamuda”, ông Cheong nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nghề, lý do khiến Gamuda Land quyết định rót vốn để đầu tư 2 công trình công viên và nhà máy xử lý nước thải Yên Sở, bởi vào thời điểm đó (2007), thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn sốt nóng, các chủ đầu tư thu vô số lợi nhuận.

Thế nhưng, chỉ một thời gian sau, bắt đầu từ cuối 2008, thị trường có xu hướng sụt giảm và lao dốc đến tận thời điểm này và vẫn chưa ai biết được điểm dừng, đã khiến doanh nghiệp này dường như đã bị lâm cảnh bế tắc.

Do đó, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, với một doanh nghiệp bất động sản, dù là ăn xổi hay đầu tư dài hạn, việc sẽ thu về bao nhiêu tiền trong năm để cân đối một phần chi phí đầu tư đã bỏ ra, có lẽ cũng không phải là chuyện không cần phải tính tới.

Việc Gamuda Land mới đây đã chấm dứt hợp đồng tiếp thị quảng bá dự án với một đơn vị truyền thông vì lý do chi phí, tài chính cũng đã phần nào nói lên được thực tế của chủ đầu tư siêu dự án này.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích