>> Việt Nam sẽ có 3-4 tập đoàn viễn thông hùng mạnh
>> Các “ông lớn” viễn thông đối mặt chỉ thị “nóng”
>> “Đại chiến” trên thị trường viễn thông
>> Thị trường viễn thông nguy cơ 'cá lớn nuốt cá bé'
Từ một chính sách xã hội hóa “yểu mệnh”…
Thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông, bao gồm các trạm phát sóng thông tin di động (trạm BTS), tháng 6/2010 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai mở rộng mạng lưới phủ sóng di động 3G của Công ty thông tin Điện lực, trong đó kêu gọi các DN có năng lực tham gia công tác đầu tư xây dựng trạm BTS.
Theo thông tin được Cty CP dịch vụ bưu chính viễn thông Hoa Phát, Cty cổ phần Sơn Hà, Cty CP Thăng Long số 9, Cty CP tư vấn và đầu tư viễn thông tin học, Cty CP thương mại An Sang, Cty CP tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp King Han, Cty CP phát triển hạ tầng điện và viễn thông cùng một số DN khác ở Hà Nội cung cấp cho phóng viên.
Các DN này đã vay vốn từ ngân hàng, cổ đông và cá nhân để xây dựng các trạm BTS cho EVN và đầu tư xã hội hóa cơ sở hạ tầng trạm BTS cho EVN thuê lại.
Để triển khai xây dựng trạm BTS, các DN bỏ vốn thuê mặt bằng của các nhà dân đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của EVN, như nằm trong quy hoach, phù hợp với toạ độ của EVN…,
Sau đó tiến hành đầu tư xây dựng trạm BTS bao gồm cột anten, phòng máy BTS, hệ thống điện, tiếp đất chống sét, điều hòa… với chi phí từ 250 triệu đến 400 triệu mỗi trạm. Các trạm BTS này đã hoàn thành và được EVN nghiệm thu đưa vào sử dụng trong năm 2010.
Ngày 5/12/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 2151/QĐ-TTg về việc điều chuyển Cty thông tin Điện lực từ EVN sang Viettel. Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ, việc chuyển giao Cty thông tin Điện lực sang Viettel phải đảm bảo nguyên trạng cơ sở hạ tầng viễn thông, các quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với khách hàng và đối tác.
Tuy nhiên, theo thông báo chủ trương của Viettel (Viettel) thì 100% các DN xã hội hóa đều bị hủy hợp đồng đối với khoảng 80 – 95% số trạm BTS. Đối với số trạm còn lại, Viettel yêu cầu giảm giá thuê thậm chí chỉ còn 1/3 so với hợp đồng đã ký.
Đến số phận mơ hồ của nhiều DN
Trong các hợp đồng xây dựng thuê trạm BTS thì sau khi hoàn tất các thủ tục thì sau tối đa 60 ngày bên A (EVN) sẽ thanh toán cho thuê bên nhà thầu, tuy nhiên đến nay EVN vẫn chưa trả tiền xây dựng trạm BTS cho các nhà thầu xây dựng (bên B).
Trong các hợp đồng thuê lại trạm theo phương thức xã hội hóa thì EVN cam kết thuê 10 năm, ký hợp đồng 5 năm một lần. Thanh toán 6 tháng/lần vào đầu kỳ thanh toán. Thế nhưng từ tháng 12/2011 đến nay, DN này vẫn chưa thanh toán.
“Xuất phát từ Tổng công ty Điện lực Hà Nội và Tập đoàn Điện lực chậm trễ, trì hoãn việc thanh toán tiền gây nhiều thiệt hại cho các DN chúng tôi, như tăng chi phí phát sinh tiền trả thuê mặt bằng cho nhà dân, chi phí phạt lãi vay ngân hàng quá hạn 150%, ngân hàng xiết nợ, tiền phạt do chậm trả nộp thuế nhà nước.
Không có tiền trả lương công nhân nhiều tháng nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp, đẩy hàng loạt các DN có nguy cơ phá sản” – đại diện Cty Hoa Phát cho biết.
Không những thế, chủ trương của Viettel hủy hợp đồng đối với khoảng 80 – 95% số trạm BTS của các DN xã hội hóa, giảm giá thuê đối với các trạm còn lại là “cú đánh” trực diện vào sự tồn vong của DN, bởi “giảm giá chỉ còn 1/3 so với hợp đồng đã ký thì số tiền còn lại không đủ chi trả thuê mặt bằng cho từng hộ dân”.
Trong khi đó, thời điểm thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng có 1 tháng trong khi các DN đã phải trả cho nhiều nhà dân tiền thuê mặt bằng xây dựng trạm BTS đến hết năm 2012, khiến DN bị thiệt hại khoản tiền quá lớn không biết phải xoay xở như thế nào.
“Tập đoàn Điện lực đã ký kết hợp đồng thuê các trạm BTS với cam kết thuê dài hạn 10 năm, thời hạn ký kết hợp đồng là 5 năm một lần là căn cứ để các DN chúng tôi bỏ vốn đầu tư rất lớn (khoảng 250 triệu/trạm BTS) với hy vọng hoàn vốn sau 5 năm và có lợi nhuận từ năm thứ 6 trở đi” – đại diện Cty Hoa Phát nói – “Việc đơn phương hủy hợp đồng trước thời hạn 9 năm của Viettel như vậy sẽ đẩy hàng loạt các DN chúng tôi vào tình trạng phá sản”.
Đầu tháng 6/2012, Viettel đã có cuộc gặp với các DN, nhưng không đưa ra hướng giải quyết cụ thể, không có biên bản cuộc họp và kết luận cuộc họp, càng khiến các DN hoang mang, bức xúc vì chưa biết bao giờ các khó khăn trên được giải quyết.
“Các DN chúng tôi kính đề nghị Tập đoàn Điện lực, Viettel trả tiền xây dựng và tiền thuê cơ sở hạ tầng trạm BTS đồng thời thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng đã ký” – đại diện DN nói.
Có thể nói, chủ trương của EVN và Viettel đã đi ngược lại văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các cam kết trong hợp đồng đã được pháp luật thừa nhận.
Việc làm mang tính áp đặt của EVN và Viettel không đúng pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế đã đi ngược lại chủ trương của nhà nước trong việc khuyến khích đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật nói riêng và hệ thống hạ tầng nói chung theo phương thức xã hội hóa.
Theo Pháp Luật VN