Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của một số ngân hàng (NH) thương mại cho thấy khoản đầu tư dài hạn, góp vốn và đầu tư vào chứng khoán đều bị thua lỗ. Để bù lỗ, NH phải gia tăng lợi nhuận từ tín dụng.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của NH Quân đội (MB), khoản đầu tư từ chứng khoán, góp vốn, đầu tư dài hạn đã bị thua lỗ 153,87 tỉ đồng. Tổng số vốn đầu tư vào công ty con, công ty liên kết và đầu tư dài hạn của MB đạt 2.480 tỉ đồng.
Nếu cộng với số vốn đầu tư vào chứng khoán (CK) là 27.263,78 tỉ đồng thì con số đầu tư của MB lên gần 29.744 tỉ đồng.
Điều đáng nói là vốn chủ sở hữu của MB tại cuối tháng 6.2012 chỉ đạt 10.338,42 tỉ đồng. Như vậy số vốn mang đi đầu tư của MB bằng 260% (cao gấp 2,6 lần) so với vốn chủ sở hữu.
Lợi nhuận của các ngân hàng đều dồn lên lãi suất
Tương tự, NH TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng báo cáo bị lỗ hơn 4,4 tỉ đồng từ mua bán chứng khoán trong quý 2 năm nay.
Riêng thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần của NH này cũng sụt giảm mạnh, chỉ đạt 251,3 triệu đồng so với con số lợi nhuận 12,62 tỉ đồng của năm trước, tương đương giảm đến hơn 98%.
Chỉ riêng con số đầu tư dài hạn của SHB tính đến cuối tháng 6.2012 là 353,3 tỉ đồng. Nếu cộng thêm con số đầu tư vào chứng khoán là 9.884,4 tỉ đồng thì tổng cộng SHB đầu tư cho hai khoản này lên hơn 10.000 tỉ đồng, hơn gấp đôi vốn chủ sở hữu hiện có.
Một số NH khác dù không thua lỗ nhưng tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư cho hai khoản này cũng khá khiêm tốn.
Ví dụ: NH TMCP Á Châu (ACB) có lãi từ hai hoạt động chứng khoán và góp vốn dài hạn hơn 36 tỉ đồng. Tuy nhiên, đây là mức lãi khiêm tốn bởi tổng vốn đầu tư cho hai khoản này cũng lên mức 33.707,87 tỉ đồng.
Nếu so với vốn sở hữu của ACB hiện có 13.149,38 tỉ đồng thì vốn đầu tư cho hai khoản trên bằng 256% vốn chủ sở hữu hiện có (hay nói cách khác cao gấp hơn 2,5 lần)...
Lợi nhuận dồn lên lãi suất
Với số tiền đầu tư cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu như nói trên, chắc chắn các NH phải sử dụng một phần không nhỏ tiền huy động từ dân cư.
Ví dụ từ MB, tổng vốn đầu tư gần 29.800 tỉ đồng trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 10.338,42 tỉ đồng thì hơn 19.000 tỉ đồng còn lại chắc chắn là tiền gửi.
Với lãi suất (LS) huy động hiện nay là 9%/năm, thì mỗi năm MB phải chi ra hơn 1.700 tỉ đồng để trả lãi cho khách hàng. Đó là chưa kể, NH này phải lấy tiền từ những hoạt động khác để bù vào khoản đầu tư bị lỗ này. Với 90% doanh thu, lợi nhuận đến từ hoạt động tín dụng, chắc chắn, cách "bù" mà các NH lựa chọn là tăng thu từ LS cho vay.
Đây cũng là tình trạng chung của các NH có khoản đầu tư tài chính hiện nay.
Một chuyên gia tài chính tại TP.HCM nhận xét, một doanh nghiệp đầu tư thua lỗ thì phải tìm cách xoay xở từ những hoạt động kinh doanh khác để bù đắp. NH thì "đổ" lên tín dụng nên khó có chuyện các NH sẽ cho vay với LS thấp.
Vì vậy, NH Nhà nước cần phải kiểm tra giám sát, thậm chí cần đánh giá lại giá trị của các khoản đầu tư. Bên cạnh đó, cổ đông của các NH cũng phải am hiểu để yêu cầu NH minh bạch về giá trị còn lại của các khoản đầu tư khổng lồ nói trên.
Đồng quan điểm trên, TS Lê Thẩm Dương, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng, các NH có thể dùng nguồn tiền gửi dài hạn và tiền phát hành trái phiếu để đầu tư vì không bị cấm.
Tuy nhiên, thời gian qua tiền gửi đa số là kỳ hạn ngắn, dưới một năm và chủ yếu đến từ dân cư. Trong khi đó vốn đầu tư của NH vẫn không hề giảm xuống mà lại còn tăng dần, chứng tỏ các NH đã sử dụng tiền gửi ngắn hạn để đầu tư góp vốn dài hạn. Điều này đẩy các NH vào tình thế nguy hiểm về thanh khoản.
Hơn nữa, cùng với nợ xấu, áp lực chi tiêu nội bộ, trả lãi cho khách hàng... các NH đều phải dồn lên LS cho vay.
Bên cạnh đó các NH cũng muốn tận thu nên LS cho vay sẽ khó giảm về mức thấp.
Và theo TS Lê Thẩm Dương, nguyên tắc quản trị NH cần phải được xem xét lại, bởi nếu không siết chặt hơn những khoản đầu tư quá lố và kém hiệu quả thì một số NH yếu kém lại rơi vào tình trạng mất thanh khoản, nợ xấu gia tăng, làm ảnh hưởng đến toàn hệ thống NH nói riêng và nền kinh tế nói chung.