Lại một giải pháp nữa liên quan đến Bianfishco thu hút sự chú ý của dư luận. SHB sẽ nắm giữ 50% vốn điều lệ của Bianfishco và trở thành cổ đông sáng lập của Công ty, nội dung này sẽ được thể hiện trong giấy đăng ký kinh doanh mới của Công ty.
SHB không phải là chủ nợ của Bianfishco, tại sao lại trở thành cổ đông của một công ty vốn đang đình đám vì kiện tụng và nợ xấu? Nguyên do là 25 triệu cổ phần của Tổng giám đốc cũ Diệu Hiền đã được repo cho Habubank và nay Habubank sáp nhập vào SHB, đồng nghĩa với việc SHB phải xử lý khối tài sản này nếu không muốn mất trắng.
Một lãnh đạo SHB cho hay, khi trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty, ngân hàng này sẽ phối hợp với các tổ chức tài chính liên quan để trở thành đầu mối tái cấu trúc Bianfishco, không loại trừ khả năng Ngân hàng tiếp tục rót vốn cho công ty này để duy trì sản xuất. Trong đề án tái cấu trúc Công ty, phương án nhân sự, thay đổi con người cũng đã được tính đến.
Trước SHB, Ngân hàng Việt Á cũng trở thành cổ đông lớn nhất của CTCP Đất Xanh với 11% cổ phần. Sau khi trở thành cổ đông lớn, VietABank sẽ hỗ trợ vay vốn cho khách hàng của Đất Xanh và có thể tài trợ vốn cho các dự án của DN.
Thực tế, các ngân hàng không dễ đi đến quyết định trở thành cổ đông lớn của các DN, bởi quản trị và kinh doanh tiền thành công không đồng nghĩa với thành công ở những lĩnh vực khác. Sự thất bại trong đầu tư ngoài ngành, trong đó có kinh doanh chứng khoán và bất động sản là bài học đã có.
Trong những trường hợp này, trở thành cổ đông của DN để giữ đồng vốn của mình có lẽ là cách đặng chẳng đừng.
Nhìn một cách thẳng thắn, việc chứng khoán hóa các khoản nợ là một trong những giải pháp có thể cứu cả ngân hàng và DN. Ngân hàng và DN có thể thỏa thuận chuyển số nợ thành số cổ phần hoặc phần vốn góp của ngân hàng vào DN.
Số cổ phần được quy đổi theo thị giá hoặc giá trị sổ sách hoặc theo thoả thuận giữa các bên. Với DN, khoản nợ sau đó sẽ được xóa và chuyển thành vốn điều lệ thuộc quyền sở hữu của ngân hàng.
Với ngân hàng, khoản nợ xấu cũng sẽ được thanh toán, nhưng ngân hàng không thu tiền về mà rót vào DN dưới hình thức góp vốn. Nợ nần coi như đã xử lý xong chỉ sau 1 nghiệp vụ, bảng cân đối tài chính thay đổi và DN sẽ có đủ điều kiện vay vốn mới, dòng chảy tín dụng được khai thông.
Mục đích thì rất tốt, tuy nhiên đây là giải pháp còn rất mới ở Việt Nam, bởi vậy cách thực hiện sẽ là một câu chuyện đáng nói. Trong đó yếu tố minh bạch và công khai thông tin cả con nợ lẫn chủ nợ để các cổ đông khác và xã hội giám sát là quan trọng.
Liệu ai có thể đảm bảo trong những phương án trên, ngân hàng đã suy tính cho quyền lợi của mọi cổ đông? Hiện nay, các ngân hàng vươn tay ra nhiều lĩnh vực trong đó có nhiều ngành như công nghiệp, bất động sản, bảo hiểm, khai thác khoáng sản.…Tình trạng “của người phúc ta”, nợ xấu do cho vay “cánh hẩu” rất phổ biến.
Một khía cạnh khác là sau khi trở thành cổ đông lớn, ngân hàng có đủ bộ máy và năng lực để tham gia cơ cấu, giám sát lại hoạt động của DN?
Liệu có cơ chế nào để ngăn chặn việc ngân hàng rót vốn cho các công ty con hoạt động kém hiệu quả, nhằm tạo ra lợi ích nhóm, nhất là hiện nay nợ xấu không chỉ ngân hàng mà cả nền kinh tế phải gánh chịu và nhiều ngành khác phải cắn răng hy sinh để cứu ngân hàng trước khi cứu được chính mình?
Hiện tượng ngân hàng chuyển nợ thành cổ phần, tốt không? Nhìn qua thì thấy tốt, nhưng nhìn kỹ thì cần nhiều thời gian để trả lời.