Xử lý nợ xấu NH thông qua việc thành lập công ty mua bán nợ, mục đích theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là nhằm khơi thông vốn cho sản xuất. Bởi tỷ lệ nợ xấu cao, NH không dám cho doanh nghiệp (DN) vay nên tiền không thể chảy vào sản xuất, gây đình trệ, sụt giảm tăng trưởng.
Hay nói cách khác, nợ xấu đang chặn cửa vay vốn của các DN. Nhưng thực tế cho thấy, nợ xấu không phải là "tội đồ" khiến nền kinh tế bị thiếu vốn. Minh chứng rõ ràng nhất là các NH đang thặng dư thanh khoản, NH nào cũng kêu gào thừa vốn, cũng đang tìm cách đẩy mạnh cho vay.
Đó là chưa kể, hầu hết các NH nằm trong nhóm G14 (chiếm 90% thị phần) đều công bố tỷ lệ nợ xấu nằm trong ngưỡng an toàn trong nửa đầu năm 2012. Như vậy có thể khẳng định, nợ xấu không phải là nguyên nhân chính trong việc DN không vay được vốn.
Các NH vẫn đạt lợi nhuận cao trong thời gian qua.
Vậy đâu là lý do khiến DN không tiếp cận được vốn NH? Câu trả lời chính là do lãi suất (LS) quá cao. Trong bối cảnh kinh tế VN và thế giới đều khó khăn hiện nay, một DN hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, cũng chỉ kỳ vọng mức sinh lời khoảng 8-10%. Còn hầu hết chỉ cố gắng duy trì hoạt động, giữ nhân công, cầm cự cho qua thời khó khăn. Trong khi LS NH mấy năm nay luôn duy trì ở mức 18-25%.
Hiện dù đã hạ, LS đầu ra trung bình vẫn 15-17%, cao gấp đôi, gấp 3 mức sinh lời ngay với các DN làm ăn hiệu quả, nên nếu vay được, DN cũng không dám vay. Hay nói cách khác, nguyên nhân chính khiến DN không tiếp cận được vốn chính là LS quá cao chứ không phải NH thiếu tiền.
Điều đó cho thấy, muốn vốn chảy vào sản xuất, điều cần phải làm là hạ lãi vay chứ không nên tạo ra sức ép dùng vốn nhà nước mua nợ xấu NH như cách chúng ta vẫn lập luận lâu nay.
Phải tự làm sạch mình
Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu hiện đã lên tới 8,6%, tương đương với 202.0000 tỉ đồng, một tỷ lệ cao và nhiều rủi ro, cần phải được điều chỉnh.
Nhưng làm sạch nợ xấu, nói một cách sòng phẳng và thực chất như đã phân tích trên, đầu tiên là để đảm bảo an toàn cho chính các NH, cũng là thực hiện việc tái cơ cấu của Chính phủ.
Dựa vào tình hình kinh doanh thực tế, ngành NH hoàn toàn có thể tự "làm sạch mình". Cụ thể, năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, hầu hết NH đều đạt lợi nhuận lớn. Theo nguyên tắc, họ sẽ phải dùng lợi nhuận để "trừ" các khoản nợ xấu thay vì dùng lợi nhuận để chia cổ tức như lâu nay vẫn làm. Sử dụng lợi nhuận chưa đủ, họ tiếp tục phải trừ nợ xấu vào vốn.
Nếu "sức khỏe" không chịu đựng được, lúc này mới tính đến chuyện có nên mua nợ xấu hay để NH phá sản. Đây là nguyên tắc xử lý nợ xấu mà các nước đều áp dụng và cũng là nguyên tắc tối thượng trong kinh doanh. Nói một cách dễ hiểu, người bị bệnh, không thể kêu gọi sự giúp đỡ của người khác trong khi tiền của mình lại dành để... gửi tiết kiệm hoặc đầu tư kiếm lãi.
Tính toán của một chuyên gia tài chính cho thấy, nếu lấy lợi nhuận năm 2011 có thể xử lý được 6,8% tỷ lệ nợ xấu của ngành NH và tỷ lệ còn lại, đã nằm trong vòng an toàn. Việc thành lập công ty mua bán nợ xấu mà NHNN đang tính trình Chính phủ, có thể khẳng định, không cần thiết.
NH cần tự giải quyết nợ xấu
"Mỗi NH phải chấp nhận xử lý tổn thất của nợ nhóm 3.
Như ví dụ ở trên, thiệt hại 60 tỉ đồng, lấy lợi nhuận bù vào. Nên có chủ trương cho phép phát mãi tài sản thế chấp thuộc nợ nhóm 5 để thu hồi vốn.
Quá trình phát mãi đem ra đấu giá công khai thông qua trung tâm đấu giá và linh hoạt trong khung giá.
Sau khi làm thành công nợ nhóm 5 thì qua xử lý nợ nhóm 4 cứ như vậy, mỗi NH sẽ tự giải quyết nợ xấu của mình" - theo một chuyên gia tài chính.
Trừ vào vốn, tại sao không?
Đây là nguyên tắc và là một nghiệp vụ cần thiết để xử lý nợ xấu cũng như đánh giá chính xác sức khỏe của các NH, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang tiến hành tái cơ cấu ngành này.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy rất rõ, ngay cả khi vấn đề nợ xấu rùm beng nhất cho đến khi thực hiện việc hợp nhất 3 NH đầu tiên trên thị trường và cả lúc này, gần như không thấy ý kiến nào nhắc tới điều này.
Lý do, nếu thực hiện trừ vào vốn, sẽ không ít NH chỉ còn là chiếc vỏ rỗng, thậm chí còn nợ nần chồng chất chứ không "hoành tráng" như họ vẫn công bố.
Một chuyên gia đang thực hiện việc bán tài sản cho một NH tại TP.HCM tiết lộ, các khoản vay có thế chấp tài sản thuộc nợ nhóm 5 của NH này đang đề xuất bán nhưng không thể bán được.
Đó là 2 bất động sản nằm trên đường Hàn Thuyên, Q.1 được thế chấp vay 100 tỉ và 180 tỉ đồng nhưng giá trị hiện tại mà khách hàng chấp nhận trả lần lượt là 80 tỉ đồng và 145 tỉ đồng. Nếu bán, chỉ với riêng 2 tài sản này, NH mất 60 tỉ đồng.
Theo nguyên tắc, NH sẽ lấy lợi nhuận bù vào khoản 60 tỉ đồng này, không đủ thì trừ tiếp vào vốn. "Nếu trừ vào vốn tất cả các khoản nợ xấu kiểu này, rất nhiều NH không còn vốn" - chuyên gia này khẳng định.
Đây là sự thật. Lâu nay, các NH luôn khẳng định các khoản thế chấp của họ an toàn vì chỉ cho vay bằng 50% giá trị. Nhưng điểm yếu của NH nằm ở khâu định giá và đây cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ xấu cao hiện nay. Nếu cho vay 100 tỉ đồng, tài sản được định giá từ 150 tỉ - 200 tỉ đồng.
Có hai lý do khiến nhiều tài sản được định giá cao hơn nhiều so với thực tế. Đầu tiên là vì muốn đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng, rất nhiều khoản vay được NH định giá cao để cho vay nhiều. Lý do thứ 2 là các khoản vay của các cổ đông lớn, của "người nhà" nên được định giá "hào phóng". Với bản chất thế này, nếu làm đúng nguyên tắc chắc chắn nhiều NH phá sản.
Đó là lý do vì sao các NH luôn tạo áp lực để nhà nước mua lại nợ xấu. Nhưng nếu làm vậy, không chỉ nghịch lý ở việc lấy tiền thuế của dân gánh rủi ro cho ngành NH mà còn khiến việc tái cấu trúc NH của Chính phủ bị vô hiệu hóa. Bởi nếu không thực hiện đúng nguyên tắc kinh doanh nói trên, sẽ không biết thực chất "sức khỏe", căn bệnh trong mỗi NH thì không thể nói đến chuyện tái cơ cấu.