Rút vốn ngoài ngành: không dễ
EVN đã rút khỏi lĩnh vực đầu tư, kinh doanh viễn thông công cộng, với việc bàn giao nguyên trạng Công ty Thông tin viễn thông Điện lực (EVN Telecom) cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) theo Quyết định 2151/QĐ-TTg ngày 5/12/2011.
EVN cũng quyết định không tham gia đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, bảo hiểm và sẽ thực hiện chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực này (hơn 1.100 tỷ đồng), đảm bảo nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn.
Tuy nhiên, khác với việc rút lui nhanh chóng ở lĩnh vực viễn thông, trong một số lĩnh vực khác, dù nhìn thấy thoái vốn vẫn thu được lợi so với ban đầu, nhưng bán tài sản không dễ.
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, tại Ngân hàng An Bình, EVN đầu tư 755 tỷ đồng, tương đương 25% vốn điều lệ. EVN đã trình Chính phủ phương án thoái khoảng 300 tỷ đồng tại đây và đã tìm được Tập đoàn Geleximco để có thể mua ngang mệnh giá gốc là 10.000 đồng/cổ phiếu, so với giá hiện tại chỉ trên 7.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng vẫn đang chờ Chính phủ.
Tại Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (GIC), EVN đã đầu tư 125 tỷ đồng, tương đương nắm giữ 22,5% vốn điều lệ và hiện có kế hoạch chuyển nhượng cổ phiếu cho một đối tác Đức, đang là đối tác chiến lược của GIC. Nhưng do tỷ lệ sở hữu vốn của cổ đông nước ngoài tại GIC đã là 20% - mức tối đa theo quy định của Bộ Tài chính, nên thương vụ này chỉ có thể hoàn tất nếu Bộ Tài chính nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Với khoản đầu tư 103 tỷ đồng của Công ty Điện lực miền Trung tại Công ty Bất động sản Sài Gòn, dù dự án tại đây chưa xây dựng công trình cao tầng, nhưng việc bán bất động sản để trả lại tiền cho cổ đông ở thời điểm xuống đáy như hiện nay không dễ. Cũng trong tình trạng khó rút lui là khoản đầu tư vào Công ty Chứng khoán An Bình, khi thị trường chứng khoán ảm đạm như hiện nay.
Lĩnh vực chính: Tăng giá điện là lối thoát?
Chỉ đạo việc hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu EVN, Thủ tướng Chính phủ mới đây đã nhấn mạnh, ngành nghề kinh doanh chính của EVN sẽ là phát triển nguồn điện, lưới điện truyền tải, phân phối điện, duy trì lĩnh vực cơ khí điện và tư vấn xây dựng điện một cách hợp lý.
Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, việc thoái vốn tại các công ty cổ phần phát điện và bán hết cổ phần tại các nhà máy điện có công suất lắp đặt dưới 500 MW cần cân nhắc cụ thể thời điểm bán, giá bán để đạt hiệu quả cao nhất.
EVN đã xác định rõ ràng việc trực tiếp nắm giữ các nhà máy thủy điện đa mục tiêu dưới hình thức công ty hạch toán phụ thuộc, gồm: Hòa Bình, Trị An, Pleikrong, Ialy, Sê San 3, Sơn La, Tuyên Quang, Sê San 4.
Đồng thời, tiếp tục trực tiếp đầu tư các dự án lớn quan trọng, như Sơn La, Lai Châu, điện hạt nhân Ninh Thuận và các nhà máy thủy điện tích năng. Đồng thời, nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và 5 tổng công ty điện lực (Hà Nội, TP.HCM, miền Bắc, miền Trung và miền Nam).
Ngoài ra, EVN thành lập xong 3 tổng công ty phát điện theo quyết định mới đây của Bộ trưởng Bộ Công thương để phục vụ hoạt động của thị trường điện cạnh tranh…
Tuy nhiên, song song với việc sắp xếp lại hoạt động của các doanh nghiệp thuộc EVN, vấn đề nổi bật nhất vẫn là câu chuyện giá điện sẽ còn tăng ít nhất trong 2 - 3 năm tới.
Ông Tri cho hay, Chính phủ giao EVN chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu điện năng tăng trưởng bình quân 13%/năm, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế giai đoạn 2012 - 2015.
“Dù giữ vai trò chính đảm bảo cung cấp điện cho cả nước, nhưng EVN hiện chỉ chủ động trong sản xuất và đầu tư điện khoảng trên 40% so với tổng nhu cầu, trong khi cơ chế hiện nay chưa đủ mạnh để kiểm soát tiến độ của các nguồn điện ngoài EVN”, ông Tri nói.
Để đảm bảo khối lượng đầu tư nguồn và lưới điện được giao trong Quy hoạch điện 7, việc tìm kiếm nguồn vốn cũng đang vượt quá khả năng tự cân đối của EVN. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư của EVN giai đoạn 2011 - 2015 là 501.407 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần so với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2006 - 2010.
Tuy nhiên, hiện nay, EVN mới cân đối được khoảng 315.224 tỷ đồng, còn khoảng 186.000 tỷ đồng chưa thu xếp được. Nguyên nhân chính được nhắc tới là giá điện chưa đủ hấp dẫn các nhà đầu tư lẫn các bên cho vay khi muốn đổ vốn vào ngành điện.
Ngoài ra, EVN đã được phép phân bổ các khoản lỗ 26.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá tính tới ngày 31/12/2011 vào giá điện tới năm 2015. Nghĩa là, mỗi năm, riêng chênh lệch tỷ giá sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất điện tới 6.500 tỷ đồng.
Theo Báo Đầu Tư