>> “Băm nát” Phú Quốc
>> Thu hồi 4 dự án chậm tiến độ tại Phú Quốc
>> Đại gia khóc ròng vì nợ
>> Những 'cánh đồng hoang' giữa lòng TP HCM
Hơn 200 dự án được phê duyệt nhưng Thanh tra Chính phủ vừa phải đề nghị Chính phủ thu hồi 95 dự án, trong đó có tới 59 dự án du lịch. Tiến sĩ Nguyễn Minh Hoà, trưởng khoa Đô thị học trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, đã có cái nhìn riêng về chủ đề này.
Sự nóng vội phát triển bằng mọi giá
Phú Quốc là một hòn đảo rất đẹp, hội tụ tất cả những gì mà nơi khác không có: núi cao, biển rộng, những cánh rừng nguyên sinh được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, những dòng sông trong vắt, những vịnh lõm khuất bão, những bờ biển cát vàng trải dài, những dải san hô và những sản vật nổi tiếng như chó Phú Quốc thuần chủng, nước mắm, tiêu đen... và nhiều di tích có giá trị lịch sử từ thời Nguyễn, các di tích cách mạng…
Theo báo Tuổi Trẻ, hạ tầng giao thông “dở dở ương ương” là một trong những nguyên nhân để các chủ đầu tư
giải thích cho việc chậm triển khai các dự án.
Phú Quốc có diện tích 589km2 tương đương diện tích của Singapore (581km2 ). Tuy không có được vị trí thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ vận tải, giao thương quốc tế như Singapore, nhưng đổi lại Phú Quốc lại nằm trong một chuỗi 22 hòn đảo liên hoàn, điều kiện tự nhiên của Phú Quốc đa dạng và phong phú hơn hẳn Singapore, rất thuận lợi cho du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh và nhiều dịch vụ khác.
Hơn thế, Phú Quốc hầu như vẫn còn nguyên sơ, rất thuận lợi cho những thiết kế và những ý tưởng mới. Như vậy, lẽ ra Phú Quốc sẽ phải trở thành một nơi phát triển tử tế, nhưng tiếc thay...
Để phát triển đúng hướng cho một thành phố hay một hòn đảo như Phú Quốc cần phải có ít nhất năm yếu tố: các nhà chính trị thông tuệ và bộ máy quản lý thạo việc, một nhạc trưởng tài ba, một bản quy hoạch tổng thể tốt, những tham mưu giỏi, các nhà đầu tư có tầm và có tâm. Tất cả những thứ này chưa xuất hiện hay đã có nhưng chưa đủ độ chín ở Phú Quốc.
Khi các nhà đầu tư được sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông “bốc thơm” Phú Quốc lên tận mây xanh, nào là “thiên đường trên hạ giới”, “hòn ngọc giữa biển xanh”, nơi sẽ có nhiều khách sạn 5 sao, nhiều resort đẹp nhất thế giới, có sân bay quốc tế, có casino...; tóm lại là sẽ có tất cả những gì người ta mơ ước, đã đẩy lãnh đạo địa phương rơi vào tâm trạng nôn nóng, muốn đẩy nhanh tốc độ phát triển và mở rộng quy mô càng nhanh càng tốt.
Tâm lý nóng vội đó lại được tiếp sức bởi các “quân sư quạt máy” đã giúp cho các nhà đầu tư, trong đó đa phần là nhà đầu tư cò con, thậm chí rất nhiều nhà đầu tư “tay không bắt giặc” tiếp cận được hòn đảo xinh đẹp này.
Vì thế, khủng hoảng kinh tế tràn đến, bất động sản đóng băng, ngân hàng xiết nợ, các dự án đầu tư công bị ách lại mới dẫn đến tình trạng trăm mối dở dang, cả hòn đảo như một công trường xây dựng nham nhở không biết khi nào kết thúc.
Một hòn đảo không lớn nhưng có đến hàng trăm dự án đầu tư cho du lịch, số bị Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi mới tạm dừng ở con số 95, đủ cho thấy miếng thịt rừng bị xâu xé đến cỡ nào.
Nếu ngay từ đầu Phú Quốc có được một quy hoạch tổng thể thống nhất có chất lượng cao từ một đơn vị tư vấn uy tín, có thể là một đơn vị tư vấn nước ngoài được Thủ tướng phê duyệt, cùng một kiến trúc sư trưởng tài năng thì tình hình đã không diễn ra theo chiều hướng như thế. |
Nếu ngay từ đầu Phú Quốc có được một quy hoạch tổng thể thống nhất có chất lượng cao từ một đơn vị tư vấn uy tín, có thể là một đơn vị tư vấn nước ngoài được Thủ tướng phê duyệt, cùng một kiến trúc sư trưởng tài năng thì tình hình đã không diễn ra theo chiều hướng như thế.
Sẽ phát triển như một thành phố hay hòn đảo du lịch?
Mặc dù đã có quy hoạch được phê duyệt đến năm 2030 huyện đảo Phú Quốc sẽ trở thành khu kinh tế – hành chính đặc biệt, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp, và là trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực và quốc tế, nhưng tiếc rằng nó mới chỉ dừng ở các quan điểm chỉ đạo khiến cho quan chức cấp huyện hiểu như thế nào cũng đúng.
Điều quan trọng nhất mà bản quy hoạch tổng thể này chưa có là xác định triết lý phát triển, các định hướng dài hơi, và khung quy hoạch sao cho nó giữ được giá trị hơn 100 năm.
Một câu hỏi quan trọng khác phải trả lời là Phú Quốc sẽ phát triển như là một thành phố hay là một hòn đảo nghỉ dưỡng sinh thái? Kết cục là người ta quy hoạch và xây dựng Phú Quốc theo kiểu một thành phố lan toả từ thị trấn Dương Đông, nghĩa là lại bắt đầu một quy trình chia lô bán nền, tiến hành bêtông hoá mặt bằng, đua nhau xây dựng nhà mặt phố, tích cực xẻ nhỏ bờ biển.
Lẽ ra chỉ cần làm một trục đường giao thông nhanh cho xe hơi xuyên đảo dài 50km là đủ, còn lại là các đường nhánh phát triển bằng cách lợi dụng địa hình đã có, nương theo thế núi thế sông để đảm bảo không phá vỡ cảnh quan và duy trì cân bằng sinh thái vốn có từ xưa nay; nhưng tiếc thay nay họ cho san ủi núi đồi làm đường nhựa, đường bêtông rộng thênh thang cho ôtô chạy tứ tung. Họ cho san lấp sông hồ lấy mặt bằng xây dựng công trình.
Chính hệ thống giao thông hiện đại kiểu đô thị này sẽ chia cắt thảm thực vật và chia tách các rừng cây ra làm nhiều mảnh dẫn đến xói mòn, lũ quét, trôi lở đất màu, làm mất cân bằng của hệ sinh thái, phá vỡ cảnh quan tự nhiên, còn việc phát triển các resort dày đặc, kè bờ bằng bêtông sẽ làm sạt lở bờ biển.
Cộng hưởng vào chương trình “bạt núi lấp sông, sắp xếp lại giang sơn” của các đại gia là việc các quan chức địa phương nhanh chân xẻ đất nhà mình bán nền, hết đất nhà thì mua những khoảng đất lớn giá rẻ của dân sau đó xẻ nhỏ bán lại, kéo theo sau họ là phong trào những người dân địa phương “theo gương” các quan chức xẻ thịt bán miếng.
Rồi tiếp sau đó là người dân từ TP.HCM và các tỉnh/thành khác kéo đến tham gia các “kế hoạch nhỏ”, xí chỗ làm cho Phú Quốc đông vui nhưng khó bề kiểm soát.
Phân lô bán nền, xé nhỏ dự án, mua chuộc quan chức, xây dựng tự phát, quy hoạch treo, tranh chấp đất đai đang diễn ra ở Phú Quốc hôm nay chính là bản sao của những gì đã diễn ra ở các vùng miền khác; nhưng chỉ có điều nó khéo hơn, tinh vi hơn vì đã được các nhà đầu tư rút tỉa kinh nghiệm từ các nơi khác mang đến.
Tại sao cùng diện tích như nhau mà Singapore được như thế, đơn giản là họ chỉ có một nhà đầu tư lớn nhất là nhà nước, dưới sự lãnh đạo tài ba là ông Lý Quang Diệu và một bản quy hoạch hoàn hảo cho 150 năm nữa chưa lạc hậu. Nếu còn kỳ vọng vào Phú Quốc thì Phú Quốc nên là đơn vị hành chính đặc biệt thuộc Chính phủ, và nếu các nhà đầu tư lớn chưa xuất hiện, bản quy hoạch tổng thể chưa xây dựng hoàn hảo thì hãy cứ để những vùng non nước tự nhiên như thế, tốt hơn là những kiểu phát triển chỉ mong đổ ximăng lấp đầy chỗ trống.
Phú Quốc không cần những quảng trường, đại lộ thênh thang, không cần những nhà cao tầng chọc vào mây trông xây xẩm mặt mày, và cũng không phải là nơi chứa chấp những gì không làm được ở đất liền thì đưa ra đảo, vì nơi đó không chỉ dành cho những người nhiều tiền, mà còn là bản quán của hơn 100.000 người dân đảo, trong đó có rất nhiều hộ còn rất nghèo.
Theo SGTT