Nhìn từ quyết định sa thải ban lãnh đạo chi nhánh VietinBank

Thứ sáu, 27/07/2012, 11:42
Quyết định sa thải cả ban lãnh đạo một chi nhánh của VietinBank nên là điển hình cho trách nhiệm trước những vấn đề trong hệ thống ngân hàng nói chung.

>> Vietinbank sa thải cả ban giám đốc chi nhánh ngân hàng

Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) vừa có quyết định sa thải 15 cán bộ chi nhánh ngân hàng này tại Bến Tre, do có nhiều sai phạm trong điều hành nghiệp vụ, dẫn đến nợ xấu lớn.

Với VietinBank, quyết định trên đặt trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng này vừa gia tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2012.

Cụ thể, trong tổng dư nợ tính đến 30/6/2012, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của VietinBank chiếm 2.763 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 1.912 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 2.254 tỷ đồng - tăng 147% so với mức 912,45 tỷ đồng hồi đầu năm nay. Tổng nợ xấu đến cuối tháng 6 là 6.929 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ nợ xấu 2,45%.

 
Với VietinBank, quyết định trên đặt trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng này vừa gia tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2012.

Đây là lần đầu tiên một ngân hàng thương mại công khai và chủ động tạo một lát cắt trách nhiệm như vậy. Trả lời trên VnExpress, Chủ tịch VietinBank Phạm Huy Hùng cho biết con số nợ xấu liên quan “chỉ khoảng vài chục tỷ đồng” và “vẫn có thể thu hồi được”.

Tính chất của sự kiện này không nằm ở con số và khả năng khắc phục được hậu quả hay không. Mà bên cạch việc hạch toán vào kết quả kinh doanh chung, thực hiện xử lý theo quy định là trích lập dự phòng rủi ro, thì VietinBank đã chủ động xử lý đến nguồn gốc gây ra nợ xấu.

Nhìn ở góc độ đó, sự kiện này cần trở thành điển hình cho hệ thống (dù có thể có tình huống nếu VietinBank không chủ động thì trước sau gì cơ quan chức năng cũng vào cuộc?).

Tại cuộc trao đổi mới đây của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề nợ xấu, nhiều thông tin trước nay được cho là nhạy cảm đã được thông tin khá chi tiết. Cơ quan này cũng đưa ra loạt giải pháp xử lý nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng trong thời gian tới.

Có 6 nhóm giải pháp chung được đưa ra, nhưng tuyệt nhiên không có một điểm nào nói đến việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan; hay xử lý sâu xa các nguyên nhân gây nợ xấu.

Như trường hợp trên của VietinBank, việc xử lý “chỉ khoảng vài chục tỷ đồng” nợ xấu thì rõ ràng nằm trong 6 nhóm giải pháp Ngân hàng Nhà nước nêu, nhưng cắt hẳn nguyên nhân gây nợ xấu thì mới là hợp lý.

Gần đây, “cục máu đông” trở thành như một thuật ngữ được dùng để nói về nợ xấu ngân hàng. Nó làm tắc mạch máu, khiến tín dụng không thông suốt, gây bất an cho cơ thể. Ý kiến chung là làm sao xử lý “cục máu đông” đó, cắt được nó đi để dòng máu lưu thông bình thường trở lại.

Đầu tuần này, người viết được trò chuyện với một chuyên gia. Ông từ chối xuất hiện cũng như nêu quan điểm của mình trên báo. Nợ xấu hệ thống là một chủ đề trao đổi, và ông bày tỏ sự thất vọng.

Thất vọng bởi việc bóc “cục máu đông” đó, hay lập công ty mua bán nợ mua đứt nó trở thành một giải pháp thu hút sự quan tâm của nhiều người. Trong khi đó, theo ông nhận thấy, chưa có hướng xử lý nào đề cập đến việc loại bỏ hoặc hạn chế những yếu tố tạo ra nó.

“Bóc được “cục máu đông” này, cắt được khối nợ xấu này rồi dần dà lại hình thành một khối khác thì sao? Cần tập trung ở những nguyên nhân tạo ra nó và xử lý những gốc rễ chứ không chỉ là giải quyết hậu quả”, chuyên gia này nói.

Ở sự kiện trên, có thể có những nguyên do và mục đích nào đó nữa, nhưng rõ ràng VietinBank đã chủ động xử lý một trong những tác nhân. Một trong những, bởi nợ xấu hiện nay một phần do cơ chế quản trị, kiểm soát của ngân hàng, một phần do người vay vốn gặp khó khăn, rộng hơn là do bối cảnh kinh tế và vì sao dẫn đến bối cảnh đó.

Lát cắt của VietinBank cũng nhắm đến là trách nhiệm. Xét chung hệ thống, nợ xấu tăng cao hiện nay trách nhiệm ở đâu? Ai chịu? Liệu có thể nâng cách xử lý của VietinBank lên tầm hệ thống?

Những câu hỏi khó. Còn thực tế, nợ xấu đang là một lý do để đặt ra yêu cầu tái cơ cấu hệ thống.

Thế nhưng, cho đến nay, trường hợp do nợ xấu quá lớn buộc phải tái cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất… đã có, nhưng lại chưa thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm, ít nhất là với cổ đông, nhà đầu tư. Thậm chí, lãnh đạo của ngân hàng phải xử lý đó vẫn tiếp tục đảm nhiệm những vị trí quản trị, điều hành cao cấp của ngân hàng có hình hài mới. Và cứ như vậy thì có ổn?

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn