Ông Lê Thanh Tòng, ngụ ấp Phú Thiện, thị trấn Phú Hòa, H.Thoại Sơn, An Giang, than thở: “Làm nông bây giờ kiếm đủ ăn, đủ mặc là may lắm rồi, chẳng ai mơ đến chuyện dư dả đâu”.
Ông Tòng kể, nông dân đang phải đóng quá nhiều loại phí như phí chạy nước nội đồng (170.000 đồng/công), gia cố đê bao vụ 3 ở tiểu vùng 2 (205.000 đồng/công)...
Vụ lúa đông xuân 2011-2012, thu nhập của nông dân không nhiều nhưng lại gánh thêm quỹ vận động thành lập xe cứu thương. Chính quyền dự định mua xe cứu thương trị giá 750 triệu đồng để chở bệnh nhân nghèo, nông dân đóng góp 50.000 đồng/công đất lúa.
Cá tra “cõng” nhiều loại phí chứng nhận cao ngất
Trước đó, vụ lúa năm 2010, địa phương vận động đóng 50.000 đồng/công đất để xây cầu. Trong năm 2011, địa phương cũng vận động đóng 50.000 đồng/công xây cầu. “Nói là vận động, nhưng ai chưa đóng thì địa phương tới vận động hoài, ra xã làm giấy tờ lại bị đòi tiền...”, một người dân nói.
Ở xã Cần Đăng, H.Châu Thành (An Giang), mấy ngày nay nông dân lại râm ran chuyện xã họp dân thông báo thu phí 61.000 đồng/công để tu bổ đê bao ấp Hòa B và Hòa A.
Nông dân Ba Tẻn nói người dân chưa ai chịu đóng do thấy chưa hợp lý. Nhiều người nhẩm tính, vùng Hòa B và Hòa A diện tích trồng lúa là 1.290 ha, nếu xã thu phí 61.000 đồng/công thì số tiền này quy ra rất lớn.
Nông dân Nguyễn Văn Hào, xã Cần Đăng, than vụ lúa này giá lúa khô 5.000 đồng/kg thì nhà nông nào thuê đất trồng lúa xem như lỗ nặng, còn ai có đất ruộng riêng mới huề.
Ông Lê Thanh Tòng đúc kết: “Tôi cũng là một trong những nông dân giỏi ở thị trấn Phú Hòa, nhưng trầy trật, tính toán lắm mới đủ tiền nuôi được bầy con. Tôi có gần 8 công lúa mà thấy khó sống quá, huống chi nhà nông ít đất, nhà nông đi thuê đất...”.
Ông Ba Tẻn thì khẳng định, 10 người nông dân ở xã Cần Đăng thì đã hơn phân nửa cầm bằng khoán vay tiền ngân hàng... “Tiền lãi suất, tiền phân bón, tiền phí này nọ, tiền quỹ này kia... tùm lum nên khi thu hoạch, bán lúa xong thì trong tay nhà nông không còn được bao nhiêu tiền...”, ông Tẻn thở dài.
Phí cá từ ao lên bờ
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, người có hơn 10 năm nuôi cá tra tại xã Mỹ Phú (H.Châu Phú, An Giang), cho biết khi công ty đến thu mua, nếu cá tra đạt trọng lượng, chất lượng theo yêu cầu thì họ sẽ lấy mẫu về kiểm nghiệm. Nếu kết quả đạt thì họ mới bắt cá, không đạt thì người nuôi vẫn phải tốn chi phí kiểm mẫu.
“Trước đây, chi phí kiểm mẫu cá ao nuôi chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/ao (4 chỉ tiêu), nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 3 triệu đồng/ao vì các chỉ tiêu cần kiểm nghiệm theo quy định nhiều hơn trước.
Ao cá của tôi mới đây phải tốn phí kiểm mẫu đến 2 lần, mất hơn 6 triệu đồng. Vì lần đầu mẫu kiểm không đạt 1 hoặc 2 chỉ tiêu về kháng sinh, phải “neo” cá lại một thời gian để chờ kiểm lại, kết quả đạt mới bán cá được”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyễn Văn Huy (Q. Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) kể nhiều người nghĩ rằng mỗi ao cá khi cất bán có giá trị lên đến vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng thì chuyện phí kiểm nghiệm mẫu cá có vài ba triệu đồng/ao, có đáng là bao.
Tuy nhiên, với tình hình ảm đạm của con cá tra hiện nay, thì nhiều thứ phí nhỏ như thế gộp lại sẽ thành một con số lớn. Ông Huy nhớ lại vụ Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho cá tra Việt Nam “lên bờ, xuống ruộng” hồi năm 2010 khi đưa cá tra vào danh sách đỏ.
Cuối cùng người nuôi cá tra Việt Nam phải bỏ tiền “mua” chứng nhận ASC của tổ chức này. “Đâu chỉ có mỗi bộ quy chuẩn ASC, có đến hàng chục loại quy chuẩn khác nhắm vào con cá tra.
Mỗi thị trường đòi hỏi con cá tra Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng khác nhau. Đáp ứng yêu cầu của thị trường này bằng bộ quy chuẩn này, thì chưa hẳn đã qua được “rào cản” của thị trường khác.
Cho nên người nuôi cá phải “chạy vắt chân lên cổ” để đạt các quy chuẩn về chất lượng. Trong khi các loại chứng nhận này đều không có giá trị pháp lý nhưng chi phí để được đạt chứng nhận thì cao ngất ngưởng”, ông Huy nói.
Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA), cho biết chi phí để được cấp một chứng nhận phải tốn từ 100 triệu đồng (cấp lần thứ nhất), tái đánh giá năm sau người nuôi phải tốn 50% mức phí.
“Nhưng để áp dụng được những bộ quy chuẩn về chất lượng thì người nuôi cá tra phải thuê đơn vị tư vấn, với mức phí tương đương phí cấp chứng nhận. Kế đến phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang bị những thứ cần thiết, tốn kém không nhỏ.
Hầu hết người nuôi cá tra hiện nay là nông dân, không có trình độ chuyên môn nên phải thuê kỹ sư ghi chép nhật ký chăn nuôi (từ 5 triệu đồng/tháng trở lên), mỗi vụ nuôi 6 tháng phải tốn thêm từ 30-40 triệu đồng.
Thời hiệu của chứng nhận chỉ 1 năm, họ cứ tới lui đánh giá mỗi năm, nếu không đạt thì không chứng nhận cho năm tiếp theo nên sẽ còn tốn phí dài dài”, ông Bình nói.