TS Alan Phan: Kinh doanh "bẩn, người Việt tự giết chính mình

Thứ năm, 26/07/2012, 13:25
Sự vô cảm của xã hội đang thúc đẩy những hành vi bất lương. Đó là những chia sẻ của Tiến sĩ Alan Phan.

Lòng tham tạo nên sự vô cảm trong kinh doanh. Hành xử của các đại gia và một số quan chức biến chất tạo nên hiện tượng này.
 
Thưa ông, dù nói gì đi nữa thì chúng ta cũng đang phải đối mặt với nạn thực phẩm bẩn, độc tràn lan. Một đất nước tự hào về cái nôi của nền văn minh lúa nước nhưng giờ đây cư dân đưa miếng ăn lên miệng là nơm nớp lo ngộ độc: thịt gà thối, lợn có chất tạo nạc, thịt thối thì làm thịt chưng mắm tép, sữa thì được tư vấn “thối cũng không sao”… Theo ông, chúng ta có nên cười vui vẻ và ăn theo kiểu “khuất mắt trông coi” hoặc “ăn bẩn sống lâu”… không?
 
Một vị bác sĩ quen giải lý như thế này về khía cạnh y khoa của hiện tượng “ăn bậy” của chúng ta.
 
Ngày xưa, ăn bẩn cũng có thể là tập cho thân thể quen với những vi khuẩn trong thiên nhiên, một hình thức vắc xin.
 
Ngày nay, khi cho những hóa chất nhân tạo vào bao tử đồng nghĩa với “tự tử chậm” vì khả năng kháng sinh của cơ thể không thích hợp với các loại hóa chất lạ này.
 
Cho nên, chuyện cười vui khi ăn nhậu (môn thể thao phổ thông nhất của Việt Nam) chắc chắn thuộc loại “ngày vui chóng tàn”.
 
Tiến sĩ Alan Phan.

 Có một nghịch lý khá thú vị, thường thì do thiếu hiểu biết, lạc hậu mới dẫn đến tình trạng ăn uống mất vệ sinh, nhưng ngày nay lại đảo ngược: phải học tử tế và thông minh mới làm ra thực phẩm bẩn, độc bán cho đồng loại được. Dốt thì không thể đưa chất melamine vào sữa được, không thể đưa chất tạo nạc vào thức ăn của lợn được, không đem phân U rê ướp cá cho tươi lâu, không tạo ra chất kích phọt để thúc rau lớn mau như thổi được.... Ông nghĩ gì về nghịch lý này?
 
Cội rễ của vấn đề không phải là khoa học hay công nghệ mà là lòng tham. Khắp thế giới, đa số người dân đều mang bệnh tham lam này. Cân bằng lòng tham là sự sợ hãi. Ở các xã hội Âu, Mỹ, luật pháp nghiêm trị các sai phạm nên nỗi sợ khống chế lòng tham.
 
Thêm vào đó, người giàu thì có nhiều thứ để mất (tài sản, danh tiếng, gia đình…) nên họ cẩn trọng hơn trong những quyết định.
 
Ở Việt Nam hay Trung Quốc, việc thực thi luật pháp liên quan đến các vấn đề thương mại kinh tế lại bị tham nhũng tha hóa, nên người phạm pháp không sợ bị trừng phạt.
 
Một yếu tố khác là khi xã hội trở nên vô cảm với tội ác và quyền lợi của người dân, thì lòng tham có thể thúc đẩy đủ mọi hành vi bất lương.
 
Ở thời đại kỹ trị này, lợi nhuận và sự giàu có được đánh giá cao quá mức mà người ta không quan tâm tới cách thức đạt được sự giàu có đó có chính đáng, hợp đạo lý làm người hay không, mục đích tự nó đã biện minh cho hành động. Cứ thế mà suy thì cái sự tạo ra các loại thực phẩm bẩn, độc bán cho đồng loại để thu lợi và giàu có nhanh nhất chắc chắn sẽ phải được hoan nghênh. Vậy tại sao dư luận lại cứ lên án và đòi các cấp quản lý vào cuộc? Ông nghĩ sao về điều này? Liệu có phải ai cũng nghĩ mình bán thực phẩm cho đồng loại thì hợp lý nhưng nếu mình mua phải cái gì đó bẩn, độc hay kém chất lượng thì dứt khoát là không thể chấp nhận được?
 
Yếu tố chính vẫn là lòng tham không được pháp luật hay tôn chỉ đạo đức kiềm chế. Yếu tố khác là dân trí thấp. Các tội phạm ngu xuẩn (khi nghĩ rằng mình sẽ kiếm tiền nhiều hơn với những thủ thuật phi pháp) lại được xã hội khuyến khích qua những tấm gương xấu từ những người được coi là “thành đạt”.
 
Tôi cho rằng hành xử của các đại gia và một số quan chức biến chất tạo nên hiện tượng này. Tại các xã hội văn minh, những người giàu nhất và nắm nhiều quyền hành nhất thường là những người biết tôn trọng pháp luật kỹ càng nhất.
 
Người Mỹ nổi tiếng về kinh doanh và giàu có, ông cũng từng kinh doanh ở đó, về Việt Nam ông cũng kinh doanh và cũng thành đạt nơi đó, âu đó cũng là một nghịch lý thú vị, ông giải thích về cái sự nghịch lý này ra sao, thưa ông?
 
Tôi vẫn thường nêu ra một khảo sát của Đại Học Harvard vào khoảng 1980 là các công ty kinh doanh thành công và bền vững nhất trong lịch sử 50 năm vừa qua của Mỹ là những công ty có một kỷ cương đạo đức cao nhất.
 
Không chụp giật, manh mún, họ xây thương hiệu và lợi nhuận bằng sự sáng tạo của sản phẩm (cần đội ngũ nhân viên và quản lý yêu thích với công việc và điều kiện mưu sinh), bằng sự thỏa mãn của khách hàng (chất lượng và dịch vụ hậu mãi tốt), bằng các hoạt động xã hội tthiện nguyện (đóng góp lâu dài cho thương hiệu).
 
Đây là công thức kinh doanh duy nhất đem giá trị thực sự lâu dài cho mọi người liên quan.
 
Theo ông, đến khi nào thì dân ta mới thôi làm thực phẩm bẩn, độc và thích ăn sạch, uống sạch, ở sạch…, tóm lại là biết thích thú với vệ sinh ăn ở?
 
Thực ra, trong trải nghiệm tiếp xúc với nhiều dân tộc trên thế giới, tôi nhận thấy người Việt mình có chuẩn mực vệ sinh cá nhân khá cao, kể cả khi so sánh với người gốc Âu Mỹ.
 
Do khí hậu nóng bức, thói quen tắm rửa thường xuyên là một thói quen đáng khen.
 
Tuy nhiên, việc xả rác bừa bãi, đái đường, khạc nhổ, ăn nhậu be bét… là một thói quen xấu. Cũng là dân gốc Hoa như Trung Quốc nhưng người Singapore có môi trường sống thật sạch sẽ vì dân nhìn tấm gương của các lãnh đạo như Lý Quang Diệu, cộng với một trừng phạt rất đắt cho những vi phạm luật lệ.
 
Chúng ta có thể làm như Singapore. Tôi nói với các bạn trẻ trong một hội thảo là tôi sẽ hãnh diện với Việt Nam nếu ngày nào không còn các bảng “Cấm Đái Bậy” trên đường phố hơn là những khẩu hiệu rỗng tuếch hay một giải vô địch thể thao nào.

Theo PN&ĐS

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích