Quốc Cường Gia Lai "oằn lưng" cõng nợ

Thứ năm, 26/07/2012, 14:33
Tồn kho cao, lãi vay lớn, không bán được hàng, doanh thu ít ỏi nên công ty không trả được nợ.
Trong thời gian qua, giao dịch mua bán trên thị trường bất động sản gần như “đóng băng” trong khi lãi suất vay vốn cao khiến chi phí lãi vay trở thành gánh nặng lớn doanh nghiệp.
 

Nhiều doanh nghiệp bất động sản bị mất thanh khoản trầm trọng và buộc phải đảo nợ gia hạn nợ, vay thêm vốn. Một trong những doanh nghiệp điển hình là Quốc Cường Gia Lai (QCG).

Vừa qua, doanh nghiệp này đã phải lấy ý kiến cổ đông để vay thêm gần 1.000 tỷ đồng để đầu tư dự án Phước Kiểng-Nhà Bè.

 
Hiệu quả kinh doanh Quốc Cường Gia Lai trong thời gian gần đây hết sức tệ hại. Liên tục bị thua lỗ từ quý II/2011 đến quý I. Riêng trong quý II, doanh thu của công ty mẹ đạt 42,14 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt vỏn vẹn 361 triệu đồng.
 
Doanh thu và lợi nhuận ròng của Quốc Cường Gia Lai.

Quốc Cường Gia Lai đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc tiếp cận nguồn vốn để tiếp tục phát triển các dự án bất động sản. Công ty còn không thể tự cân đối dòng tiền để trả lãi vay và gốc. Có lẽ vì vậy mà, công ty này thường phải chấp nhận mức lãi suất cao để huy động vốn đầu tư.
 
Trong năm 2011, Công ty đã phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất lên đến 25,5% một năm trong năm đầu. Điều nghịch lý là, mức lãi suất này rất cao so với lãi suất vào thời điểm đó. Những năm sau đó lãi suất trái phiếu cũng chịu mức lãi suất chênh lệch đến 7% so với lãi suất huy động trung bình kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng.

Việc QCG “cắn răng” trả lãi suất cao phải chăng cho thấy công ty đang rất khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư.

 
Khoản vay ngân hàng giá trị lớn nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-chi nhánh Gia Lai với số tiền 539 tỷ đồng. Khoản vay này được thế chấp bằng toàn bộ dự án Phước Kiểng với giá trị 1.229 tỷ đồng và cổ phiếu của bà Nguyễn Thị Như Loan trong công ty giá trị 124,2 tỷ đồng.
 
Đến quý II tình tài chính của công ty dường như chưa được cải thiện là mấy. Lượng tiền mặt đến cuối quý II chỉ còn vỏn vẹn 15,31 tỷ đồng, trong khi đó hàng tồn kho của công ty lên tới 2.846 tỷ đồng, tăng 246 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong đó bất động sản dở dang chiếm hơn 88%, dự án khu dân cư Phước Kiểng khoảng 1.677 tỷ đồng, chiếm đến 66,8% tổng giá trị hàng tồn kho của công ty.

 
Cũng theo báo cáo tài chính quý II tổng nợ của công ty lên tới 2,980 tỷ đồng, trong đó nợ vay ngắn hạn là 90,86 tỷ đồng, nợ vay dài hạn là 971 tỷ đồng.

Như vậy, nếu tính lãi suất trung bình chỉ 18% một năm, thì mỗi tháng công ty phải trả lãi vay lên đến 16 tỷ đồng. Con số này vượt xa mức doanh thu trung bình của công ty trong 6 tháng đầu năm.

 
Bất động sản của Quốc Cường Gia Lai ế ẩm.

Hàng tồn kho rất cao và chi phí lãi vay lớn sẽ làm cho giá thành dự án của công ty ngày càng tăng. Điều này có thể ảnh hưởng rất lớn đến khả năng cạnh tranh của công ty trong tương lai. Hơn nữa, do không bán được hàng không có doanh thu dẫn đến công ty không thể trả được nợ.
 
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng các doanh nghiệp bất động sản buộc phải cơ cấu danh mục lại dự án đầu tư và tài chính của doanh nghiệp. Có thể họ buộc phải đảo nợ, gia hạn nợ, vay thêm hoặc tệ hơn nữa là phải bán tháo dự án để trả nợ cho ngân hàng.
 
Trở lại với câu chuyện của QCG ta thấy hàng tồn kho và vốn đầu tư chủ yếu của công ty nằm tại dự án Phước Kiểng-Nhà Bè. Trước đây công ty lạc quan cho rằng dự án này có thể mang về 12.200 tỷ đồng doanh thu và 7.401 tỷ đồng lợi nhuận.

Tuy nhiên, cho đến nay giấc mộng này ngày càng xa vời. Với việc bất động sản khó khăn như hiện nay thì rất có thể dự án ngốn tiền này có thể còn làm cho công ty sa lầy thêm nữa.

 
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/7, giá cổ phiếu QCG ở mức 9.000 đồng một cổ phiếu, giảm 81,25% so với giá ngày đầu tiên lên sàn (48.000 đồng một cổ phiếu) cách đây gần 2 năm.

Theo Cafe Land

Các tin cũ hơn