Chính sách cấm xuất khẩu quặng thô của Nhà nước là cửa tử đối với những doanh nghiệp khoáng sản chỉ lo khai thác thô, nhưng là cửa sinh đối với những doanh nghiệp biết đầu tư công nghệ chế biến để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Nói đến Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), người ta nghĩ ngay đến mảng bất động sản. Nhưng khoáng sản cũng là một mảng đầu tư quan trọng không kém của tập đoàn này. Thậm chí, năm 2009, trong ngày đại hội cổ đông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đoàn Nguyên Đức còn tuyên bố đến năm 2011, nguồn thu từ khoáng sản sẽ thay thế cho bất động sản.
Theo tính toán của HAGL, với trữ lượng gần 60 triệu tấn tại các mỏ ở Tây Nguyên, Thanh Hóa, Lào và Campuchia, tập đoàn này dự kiến sẽ thu về khoảng 7,2 tỉ USD (dựa trên giá bán xuất khẩu bình quân ước tính 120 USD/tấn quặng tinh) trong suốt quá trình khai thác.
Thế nhưng, gần đây, chiến lược kinh doanh của HAGL đã có sự thay đổi. Theo các báo cáo thường niên trước năm 2011 của tập đoàn này, sản lượng quặng sắt dự định khai thác là rất lớn, khoảng 2 triệu tấn trong 3 năm 2010-2012.
HAGL và bầu Đức đang gặp khó trong lĩnh vực khoáng sản?
Tuy nhiên, trong báo cáo thường niên năm 2011, kế hoạch khai thác quặng sắt đã được điều chỉnh một cách khiêm tốn. Cụ thể, năm 2012 chỉ khai thác 300.000 tấn, năm 2013 và 2014 là 550.000 tấn.
Tại sao lại có sự thay đổi chiến lược ở HAGL? Đó là vì Tập đoàn sẽ không thể xuất khẩu quặng sắt thô khi Chính phủ chủ trương chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu quặng thô vào tháng 11.2011. Và đặc biệt là Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành vào tháng 1.2012 về việc dừng hoàn toàn xuất khẩu quặng sắt.
Có thể nói, chính sách của Nhà nước luôn là một rủi ro đối với các doanh nghiệp khai khoáng. Trên thực tế, trong báo cáo kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp khoáng sản nào, nó luôn là rủi ro được đưa ra khuyến nghị đầu tiên.
Và nay rủi ro ấy đã thực sự hiện hữu.
Vị đắng của rủi ro
Mặc dù phải thay đổi chiến lược kinh doanh nhưng HAGL vẫn hoạt động ổn định nhờ vào nguồn thu từ nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp chỉ hoạt động trong lĩnh vực khai thác và xuất khẩu quặng thô thì rõ ràng là khó chồng thêm khó.
Khủng hoảng kinh tế trong những năm qua đã khiến hàng loạt doanh nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng, trong đó có Công ty Cổ phần Khoáng sản Nikko Việt Nam, Công ty Cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Việt Nam (Mirex), Công ty Khoáng sản Xây dựng 30/4 Cao Bằng.
Thống kê của Vietstock trong quý IV/2011 cũng cho thấy trong số 17 doanh nghiệp khoáng sản niêm yết trên cả 2 sàn, có đến 9 doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ. Nguyên nhân chủ yếu là doanh thu eo hẹp không bù đắp nổi chi phí hoạt động. Trong quý này, tổng lợi nhuận 17 doanh nghiệp ngành khoáng sản chỉ đạt 84 tỉ đồng, mức thấp nhất trong 6 quý liên tiếp.
Và nay chính sách mới về việc hạn chế xuất khẩu quặng thô, mới đây là Chỉ thị 02/CT-TTg đã khiến cho cánh cửa “cải thiện lợi nhuận nhờ xuất khẩu” cũng khép lại. Những tác động từ chính sách đã góp phần khiến cho tình hình kinh doanh của các công ty khoáng sản thêm tồi tệ.
Bằng chứng là tổng doanh thu và lợi nhuận quý I/2012 của 17 doanh nghiệp trên sàn tiếp tục đi xuống và số doanh nghiệp lỗ đã tăng lên con số 12. Công ty Khoáng sản Bắc Kạn, chẳng hạn, có mức doanh thu thuần quý I/2012 chỉ 6,43 tỉ đồng, bằng 1/4 cùng kỳ năm ngoái. Mức doanh thu quá thấp đã khiến công ty này lỗ gần 4 tỉ đồng.
Đối với các doanh nghiệp ngành khoáng sản, vốn trước đây luôn đạt doanh thu và lợi nhuận cao, việc lỗ là dấu hiệu cho thấy ngành này đã không còn ngon ăn.
Công ty Khoáng sản Bắc Kạn, chẳng hạn, chỉ mới những quý trước đó, doanh thu và lợi nhuận vẫn còn rất cao. Quý IV/2010, công ty này đạt doanh thu đến 53,8 tỉ đồng và lợi nhuận 5,4 tỉ đồng. Sang quý I/2011, dù doanh thu đã giảm xuống còn 24,8 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận cũng đạt 5 tỉ đồng.
Vị ngọt của đổi mới
Cấm xuất khẩu khoáng sản thô là một chính sách đúng đắn của Chính phủ nhằm hạn chế việc thất thoát, lãng phí tài nguyên của quốc gia. Bên cạnh việc cấm xuất khẩu khoáng sản thô, Luật Khoáng sản sửa đổi năm 2010, có hiệu lực từ ngày 1.7.2011, cũng hướng tới việc khai thác và sử dụng tài nguyên một cách tiết kiệm, hiệu quả nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Cần nói rõ là Chính phủ chỉ cấm xuất khẩu khoáng sản thô nhưng cho phép xuất khẩu quặng đã qua chế biến sâu, nghĩa là bắt buộc các doanh nghiệp phải đổi mới và nâng cao công nghệ chế biến khoáng sản. Điều này nhằm mang lại nhiều lợi ích hơn nữa trong việc xuất khẩu khoáng sản.
Đồng ở mỏ Sinh Quyền là một ví dụ. Bằng công nghệ luyện của Trung Quốc, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản chỉ làm ra được đồng có độ tinh khiết tối đa 99,95-99,97%, trong khi để kéo thành dây dẫn điện, đòi hỏi đồng phải có độ tinh khiết đạt 99,99%. Chênh lệch giá bán giữa 2 mức độ tinh khiết này có thể lên tới hàng ngàn USD mỗi tấn.
Thực tế cho thấy những doanh nghiệp khoáng sản đi trước hoặc bắt kịp các chính sách mới của Chính phủ đều đạt kết quả kinh doanh rất tốt. Trong báo cáo kinh doanh quý I/2012, lợi nhuận của 3 doanh nghiệp đứng đầu là Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Công ty Khoáng sản Bình Định và Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn chiếm tới 75% lợi nhuận của toàn ngành. Điểm chung của 3 doanh nghiệp này là đều có nhà máy chế biến sâu.
Công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC) đang bay cao nhờ chiến lược đầu tư
hợp lý với nhà máy có công suất lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam.
Ngoài việc sở hữu mỏ Antimony với trữ lượng lớn, Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang hiện là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có thể khai thác và sản xuất sản phẩm Antimony ở quy mô công nghiệp.
Đây là sản phẩm chuyên biệt được sử dụng trong công nghiệp chống cháy, công nghiệp bán dẫn, pin ắc-quy và các lớp vỏ bọc dây cáp, nên đầu ra luôn được đảm bảo. Chất lượng của sản phẩm đạt tới 99,95%, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Nhật và châu Âu.
Trong khi đó, với Công ty Khoáng sản Bình Định, lợi nhuận quý I/2012 phần lớn đến từ việc được tiếp tục xuất khẩu quặng titan thô ilmenite và nhờ giá titan tăng khoảng 70% trong năm 2011 (quặng thô ilmenite tăng đến 160%).
Ông Lê Anh Vũ, thành viên Hội đồng Quản trị Công ty, cho biết Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến xỉ titan để đón đầu những chính sách mới. “Hiện nay, Công ty đã hoàn tất việc lắp đặt và chạy thử thành công lò luyện xỉ titan thứ ba. Lò đã vận hành ổn định và an toàn”, ông nói.
Nổi bật nhất trong việc thích ứng với chính sách mới có lẽ là Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn, thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn. Sau gần 1 năm sản xuất cầm chừng vì chính sách hạn chế xuất khẩu thô của Nhà nước và thuế xuất khẩu xỉ titan cao, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đã tăng trưởng trở lại một cách ngoạn mục khi thuế xuất khẩu xỉ titan giảm xuống còn 10%, cùng lúc 3 nhà máy chế biến xỉ titan của Công ty đi vào hoạt động.
Công ty Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn dự báo nhu cầu nguyên liệu xỉ titan trên thế giới sẽ còn tăng cao trong năm 2012. Do đó, kế hoạch của Công ty là sẽ tiếp tục đầu tư thêm lò luyện xỉ số 4 và số 5, mở rộng nhà xưởng và đầu tư khai thác các mỏ mới với tổng vốn đầu tư dự kiến 260 tỉ đồng.
Đầu tư xây dựng nhà máy để gia tăng giá trị xuất khẩu là điều doanh nghiệp nào cũng muốn làm, nhưng để làm được thì không dễ do vấn đề về vốn. Công ty Khoáng sản Bình Thuận từ lâu đã lên kế hoạch đầu tư 3 nhà máy chế biến sâu titan để phục vụ xuất khẩu. Thế nhưng, cho đến nay, sau gần 2 năm Công ty vẫn chưa lấy đâu ra vốn để triển khai và hiện vẫn đang kêu gọi nhà đầu tư.
hông chỉ khó khăn về vốn, việc đầu tư nhà máy tinh luyện quặng còn gặp một trở ngại khác. Đó là lĩnh vực khoáng sản tại Việt Nam có tính chất phân tán và manh mún. Trường hợp của HAGL là một ví dụ.
Trữ lượng sắt tập đoàn này dự kiến thu được tại các mỏ ở Việt Nam là 30 triệu tấn, nhưng các mỏ này lại nằm trên 3 địa bàn khác nhau là Thanh Hóa, Kon Tum và Gia Lai.
Do đó, mặc dù có tiềm lực tài chính khá mạnh nhưng HAGL cũng khó có thể đầu tư nhà máy tinh luyện và phải chấp nhận bán thô cho Tập đoàn Hòa Phát.Giá bán cho Hòa Phát chỉ 85 USD/tấn, so với giá xuất khẩu dự kiến của HAGL là 120 USD/tấn.
Cơ hội cho M&A
Bán cho doanh nghiệp trong nước không chỉ bị ép giá mà còn vướng phải vấn đề thủ tục. Chia sẻ về những thủ tục phức tạp này, ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, kể lại năm 2009, Tập đoàn Hòa Phát mua 200.000 tấn quặng ở Cao Bằng, nhưng mất 10 tháng với đủ các loại giấy tờ, văn bản, bên mua mới vận chuyển được 100.000 tấn quặng ra khỏi Cao Bằng.
Ngoài ra, theo ông Cường, phần lớn các mỏ khoáng sản đều nằm ở những tỉnh miền núi, nên nếu vận chuyển quặng về các cơ sở chế biến ở dưới xuôi thì chi phí vận chuyển bị đội lên rất nhiều, thậm chí cao hơn cả giá thành khai thác quặng. Vì thế, chuyện bán quặng ở trong nước cũng không đơn giản.
“Nay với chính sách cấm xuất khẩu thô, việc các doanh nghiệp khai khoáng nhỏ bị ép giá hoặc thậm chí không bán được quặng là điều có thể dự đoán được. Ngay cả doanh nghiệp lớn như chúng tôi cũng phải giảm giá thì mới bán được hàng”, Phó Tổng Giám đốc một doanh nghiệp khoáng sản lớn (không muốn nêu tên), cho biết.
Theo vị này, một khi không bán được sản phẩm, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn. Và đây sẽ là cơ hội để những công ty khai khoáng lớn thâu tóm các đối thủ nhỏ hơn, nhưng lại nắm trong tay các mỏ tài nguyên chất lượng cao.
Trong một bài phát biểu trình bày tại Diễn đàn Mua bán và sáp nhập (M&A) Doanh nghiệp 2012 được tổ chức vào đầu tháng 6 vừa qua, ông Đặng Xuân Minh, chuyên viên thẩm định thuộc Công ty Cổ phần Thẩm định giá BTC (BTCValue), cho rằng với tiềm năng khoáng sản của Việt Nam, cùng sự tháo gỡ về cơ chế (Luật Khoáng sản với hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2011 đã cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò và quyền khai thác khoáng sản) cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp ngành này, Việt Nam có thể sẽ chứng kiến nhiều thương vụ M&A trong những năm tới.
Cũng theo ông Minh, thời gian qua, các thương vụ chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản tại Việt Nam đã diễn ra, nhưng thông tin về chúng rất ít khi được công bố. Nhiều thương vụ mang tính chất mua đi bán lại giấy phép. Tuy nhiên, cũng có không ít đơn vị do điều kiện khách quan không thể tiếp tục thực hiện dự án nên phải chuyển nhượng để thu hồi vốn.
Nhìn lại lịch sử M&A ngành khai khoáng, 2010 là một năm khá ấn tượng khi Tập đoàn Masan công bố mua lại cổ phần kiểm soát trong Công ty Liên doanh Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo từ Tiberon Minerals (Canada).
Đây là một trong những dự án vonfram chưa được khai thác lớn nhất thế giới - một mỏ đa kim với trữ lượng đã được kiểm chứng, ước tính vào khoảng 55,4 triệu tấn ở tỉnh Thái Nguyên.
Đầu năm 2011, tập đoàn đầu tư vốn cổ phần tư nhân Mỹ Mount Kellett Capital Management đã bỏ ra khoảng 2.100 tỉ đồng để mua lại 20% cổ phần của Công ty Tài nguyên Masan, thuộc Tập đoàn Masan.
“Lĩnh vực khai khoáng tại Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Và M&A có thể là một trong những giải pháp giúp thực thi hiệu quả các dự án trong lĩnh vực này”, Tiến sĩ Địa chất Đặng Xuân Phú nhận xét.
Theo NCĐT