>> Hành khách chê tiếp viên Vietnam Airlines 'không biết cười'
>> 'Thượng đế' nói sự thật gì với Vietnam Airlines?
>> Vietnam Airlines tăng giá vé máy bay nội địa tối đa 20%
>> Vietnam Airlines sẽ tái cơ cấu thành tập đoàn
Đủ các “thể loại” sự cố
Chim va vào tàu bay là sự cố xảy ra thường xuyên và bất khả kháng với nhiều hãng hàng không trên thế giới, nhiều trường hợp đã ghi nhận mức độ nghiêm trọng sự cố khi chim va vào động cơ máy bay. Con chim dù được cho là bé tẹo nhưng “sức công phá” của nó có thể “hạ gục” cả 1 chiếc máy bay hàng chục tấn khi ở trên trời.
Sự nguy hiểm của chim khiến các hãng hàng không trên thế giới luôn cảnh giác, họ cũng luôn đặt mối lo ngại lớn về sự cố chim có thể va vào tàu bay bất kỳ lúc nào.
Ở Việt Nam, riêng với Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) - hãng có tần suất khai thác bay nội địa lớn nhất đã không ít lần phải “khóc dở, mếu dở” vì chim trên trời cứ thỏa sức bay tự do. Liên quan đến sự cố chim trời, mới đây nhất là ngày 29/02/2012, chuyến bay VN1187 chặng Hải Phòng - TP.HCM phải hủy cất cánh vì có chim trên đường băng.
Số liệu thống kê của Vietnam Airlines cho thấy, năm 2010 đã có 15 vụ chim va vào tàu bay xảy ra với hãng này, sang đến năm 2011 thì số vụ đã tăng lên gần gấp đôi là 26 vụ và trong 6 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 4 vụ chim va vào tàu bay.
Trong khi đó, hãng hàng không lớn thứ 2 trên trục bay nội địa là Jetstar Pacific cũng xác nhận chuyện chim va vào máy bay thỉnh thoảng vẫn xảy ra.
Vietnam Airlines đã gặp nhiều sự cố trớ trêu vì trâu, bò, chim trong quá trình khai thác bay
Chuyện trên trời đã vậy, ở dưới đất, sự cố xâm nhập đường bằng của người và động vật trong suốt nửa năm vừa qua cũng khiến cho hãng bay Vietnam Airlines phải... “vật vã”.
Trong đó, vụ việc ghi nhận sớm nhất sau Tết Nguyên đán 2012 xảy ra với chuyến bay VN1002 chặng Phú Quốc - Rạch Giá (ngày 19/02/2012) của Vietnam Airlines là tổ bay buộc phải thực hiện bay lại vì xuất hiện người chạy ngang đường hạ cánh.
Đúng 6 ngày sau (ngày 25/2), Vietnam Airlines lại tiếp tục đón nhận 1 sự cố “dở khóc dở cười” khác khi chuyến bay VN1267 chặng Vinh - TP. HCM vừa thực hiện lăn ra đường cất cánh thì tổ bay phát hiện 5 người và bò ung dung “dắt nhau” đi ngang qua đường băng. Chuyến bay này sau đó đã phải hoãn lại, đổi giờ khởi hành muộn so với kế hoạch để an ninh sân bay xử lý sự việc.
Một sự cố hi hữu khác được ghi nhận xảy ra hôm 10/7/2012, chuyến bay VN 1670 chở theo 50 hành khách chặng Đà Nẵng - Hải Phòng khi chuẩn bị đáp xuống sân bay Cái Bi (Hải Phòng) thì cơ trưởng nhận được thông báo khẩn cấp “có vật thể lạ xâm nhập vào khu vực hạ cánh”.
Vật thể lạ nói trên được xác định là 1 con trâu đang gặm cỏ, vì lập tức chuyến bay nhận được lệnh bay lòng vòng trên trời để “chờ” lực lượng an ninh xử lý “dắt” trâu ra khỏi sân bay. Đến khi nhận được tin báo an toàn, cơ trưởng chuyến bay VN 1670 mới có thể thực hiện lại việc tiếp cận hạ cánh (muộn hàng chục phút so với dự kiến ban đầu - PV).
Đặc biệt và gần đây nhất là sự cố bò tót lọt vào Cảng hàng không quốc tế Phú Bài - Huế và “quậy tưng bừng” hôm 24/7/2012. Do tính chất nguy hiểm và đe dọa đến an ninh an toàn nên nhà chức trách hàng không buộc phải đóng cửa sân bay này và yêu cầu các hãng bay tạm dừng khai thác gần 1 ngày để phục vụ cho công việc việc vây bắt bò tót. Sự cố này khiến cho Vietnam Airlines bị chậm 12 chuyến bay và làm ảnh hưởng tới 1.800 hành khách có hành trình đi/đến Phú Bài - Huế.
Hãng thiệt hại, nhà chức trách cũng... bó tay
Đại diện Vietnam Airlines cho biết, sự cố xảy ra trong giai đoạn cất cánh và hạ cánh có nguy cơ mất an toàn cao nên việc chim va tầu bay, động vật hoang dã xâm nhập đường cất hạ cánh là những mối nguy hiểm trực tiếp đối với hoạt động khai thác bay.
Theo Vietnam Airline, những sự cố “bất đắc dĩ” nói trên gây ra thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là chi phí khai thác như: chi phí thuê tàu bay, chi phí dừng tàu bay tại sân đỗ, chi phí cho tổ bay (lưu trú tại địa phương), chi phí bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, chi phí nhân lực và vật lực đảm bảo chất lượng dịch vụ cho hành khách có mặt tại sân bay...
Ngoài ra, chuyến bay bị chậm, bị hoãn lại sẽ gây xáo trộn lịch bay, ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay tiếp theo và làm ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu của hãng.
Hãng Jetstar Pacific cũng trần tình rằng, mỗi khi gặp phải sự cố chim va vào tàu bay thì hãng sẽ bị chậm chuyến bay theo cả dây chuyền, gây nhiều thiệt hại cho hãng.
Phía Cục Hàng không Việt Nam thừa nhận có những sự cố “dở khóc dở cười” trong quá trình khai thác hàng không, tuy nhiên các nhà chức trách cũng đành... bó tay.
“Ở các địa phương, hạ tầng sân bay, cảng hàng không rất thiếu thốn, hầu như không có rào vây quanh. Khu vực dân sinh gần với sân bay, khoảng trống quanh sân bay lại quá rộng nên đôi khi lực lượng canh gác và quan sát không thể bao quát được hết, vì vậy đã có chuyện người, bò, trâu lọt vào sân bay rất dễ ràng và gây mất an ninh an toàn hàng không.
Riêng với người thì dù cố tình hay vô thức cũng có thể áp vào quy định để xử lý, răn đe. Nhưng với trâu, bò và chim trên trời thì không thể truy tội hay xử phạt được.” - đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay.
Được biết, hiện nay các sân bay đều áp dụng biện pháp đuổi và tống khứ lũ chim ra khỏi khu vực cất hạ cánh. Đơn cử như sân bay quốc tế Nội Bài, nhà chức trách phải triển khai đủ các phương án đuổi chim, thành lập cả một Ban đuổi chim, Ban này phải nhanh như lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh 113 để đảm bảo an ninh, an toàn cho các chuyến bay tại đây.
Theo Dân Trí