Chi nhánh ngân hàng trần tình việc 2 năm không người vay

Thứ sáu, 27/07/2012, 07:47
Bị Chủ tịch tỉnh phê bình vì không tìm được khách hàng nào cho vay suốt 2 năm, giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Bình Dương cho biết một phần là do doanh nghiệp không tìm được thị trường.
Câu chuyện VDB Bình Dương 2 năm không có khách vay được nêu ra tại cuộc họp bàn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn hôm 25/7, và bị Chủ tịch tỉnh Lê Thanh Cung phê bình gay gắt.
 
Ông Nguyễn Đà Thành - Giám đốc VDB Bình Dương cho rằng doanh nghiệp khó khăn là nguyên nhân khiến dư nợ cho vay giảm.

Trao đổi với PV, Nguyễn Đà Thành, Giám đốc VDB - CN Bình Dương cho biết, thực tế không hẳn là đơn vị này không tìm được khách vay, trong 2 năm 2010- 2011 chi nhánh đã thực hiện 232 khoản vay trị giá 824 tỷ đồng, trong đó có hơn 443 tỷ đồng dành cho tín dụng xuất khẩu. "Tính đền thời điểm hiện tại dư nợ cho vay của chi nhánh là 1.200 tỷ đồng", ông Thành nói.
 
Ông cho hay, trước những khó khăn chung ngành ngân hàng, trong 6 tháng đầu năm 2012 chi nhánh chỉ có 34 dự án vay vốn phục vụ xuất khẩu với số tiền vay là 28 tỷ đồng.

Các khoản vay này đều phục vụ cho doanh nghiệp xuất khẩu, ngoài ra không tìm được dự án nào để cho vay liên quan các khoản tín dụng dành cho đầu tư, quản lý nguồn vớn ODA.

 
Theo ông Thành nguyên nhân khiến các khoản vay khác không tìm được dự án đầu tư là do các doanh nghiệp không đảm bảo điều kiện cho vay theo quy định, việc thẩm tra các khoản vay đề xuất chứa nhiều rủi ro cao.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện vay nhưng do không tìm thị trường, đầu ra cho sản phẩm nên từ đầu tháng 7 này, sau khi đã điều chỉnh giảm lãi suất từ 14,4% xuống còn 11,4% cũng không có doanh nghiệp nào đến vay vốn.

 
 
"Chi nhánh khó tìm được các khách hàng là do đặc thù của ngân hàng chính sách, những khoản vay của chi nhánh chỉ gói gém dành cho một số đối tượng khách hàng theo quy định.

Do đó, không khó để giải thích trong tình hình khói khăn chung như hiện nay nhiều khoản vay khác chi nhánh không thể tìm được dự án, khách hàng cho vay", ông Thành trần tình.

 
Cũng theo ông Thành, trong 6 tháng còn lại của năm 2012, chi nhánh đang xem xét hồ sơ, thủ tục đối với 28 dự án vay vốn với số tiền giải ngân dự kiến là 446,5 tỷ đồng.
 
Trước đó, sáng 25/7, tại cuộc họp bàn cách tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê bình lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam tại Bình Dương vì suốt 2 năm nay không tìm được khách hàng nào để cho vay.

Trước lý giải của phía ngân hàng rằng, không có dự án nào thích hợp được vay, ông Lê Thanh Cung đã bác bỏ. Ông cho rằng các dự án như vậy ở tỉnh Bình Dương không thiếu. Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ giới thiệu một số dự án để ngân hàng xem xét cho vay.

 
Không chỉ tín dụng ưu đãi sụt giảm, vốn vay thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng tăng trưởng âm.

Ông Bùi Văn Nu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Dương, cho biết nhà nước đã có những chính sách tích cực nhằm triển khai có hiệu quả để khôi phục tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng tình hình khó khăn hiện nay khiến nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn so với các quy định hiện hành.

Một số doanh nghiệp đủ điều kiện vay nhưng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

 
Cũng theo ông Nu, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, hộ dân suy giảm, nhiều nguy cơ xảy ra các rủi ro tín dụng tăng cao. Tính đến 20/7, tỉnh Bình Dương có 1.520 tỷ đồng nợ xấu, bằng 3,1% tổng dư nợ, tăng 9,95% so với cùng kỳ năm 2011.

Hiện Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Dương tiếp tục triển khai các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

 
 
Theo VnExpress

Các tin cũ hơn