Tập đoàn kinh tế Nhà nước: Phải cạnh tranh bình đẳng

Chủ nhật, 29/07/2012, 09:54
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, các vấn đề đặt ra là vừa phải bình đẳng, vừa yêu cầu DNNN thực hiện tái cơ cấu trong môi trường pháp luật, cạnh tranh. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cũng đồng quan điểm và nêu giải pháp về tái cơ cấu DNNN: Cùng với việc thu nhỏ các DNNN, phải cải tổ, giám sát để làm minh bạch, vấn đề đại diện phải mang tính độc lập hơn, chuyên nghiệp hơn.
Đề án tổng thể Tái cơ cấu kinh tế do Chính phủ trình Quốc hội xác định, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước tập trung thực hiện đồng thời trên ba nội dung sau đây:
 
Một là, xác định rõ vai trò, chức năng của từng loại DNNN (công ích, quốc phòng, an ninh, điều tiết ổn định kinh tế vĩ mô và vì phát triển quốc gia, nhưng các thành phần kinh tế khác không đầu tư) để từ đó sắp xếp, phân loại, cơ cấu lại danh mục đầu tư và ngành nghề kinh doanh, tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính; cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu các DNNN không cần nắm giữ 100% sở hữu; thoái vốn ở các DNNN không cần nắm giữ cổ phần đa số.
 
Hai là, đổi mới, phát triển và áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
 
Ba là, áp đặt đầy đủ kỷ cương Nhà nước và kỷ luật thị trường buộc các DNNN phải hoạt động đầy đủ theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các doanh nghiệp khác.
 
Xây dựng tập đoàn đủ mạnh là yêu cầu cấp thiết.

Các giải pháp cụ thể như: Áp dụng khung quản trị hiện đại theo thông lệ quốc tế đối với doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn và doanh nghiệp có cổ phần chi phối của Nhà nước.

Tách chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước và chức năng giám sát độc quyền trong kinh doanh của các cơ quan hành chính Nhà nước.

Đồng thời, thiết lập cơ quan đầu mối chuyên trách thực hiện đầy đủ tất cả các quyền sở hữu Nhà nước; chịu trách nhiệm giám sát, tổng hợp, theo dõi và đánh giá  kết quả hoạt động, cơ cấu và hiệu quả sử dụng tài sản, thực trạng bảo toàn và phát triển vốn ở từng doanh nghiệp nói riêng và khu vực DNNN nói chung.

Hoàn thiện các quy chế quản trị nội bộ tập đoàn/tổng công ty theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

 
Đổi mới cơ chế tuyển chọn và bổ nhiệm cán bộ quản lý chủ chốt của tập đoàn, tổng công ty; sắp xếp, bố trí lại cán bộ, nhất là các cán bộ quản lý chủ chốt; chủ động quy hoạch, đào tạo, đãi ngộ và bố trí hợp lý cán bộ quản lý đảm bảo thực hiện được mục tiêu chiến lược và phát triển ổn định lâu dài của tập đoàn, tổng công ty.

Thực hiện công khai và minh bạch hoá thông tin đối với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước…

 
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với các chuyên gia kinh tế.
 
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành: Phải để TĐKTNN chịu áp lực cạnh tranh
 
Ông nhìn nhận ra sao về tính cấp bách của tái cơ cấu DNNN mà trọng tâm là tập đoàn và tổng công ty Nhà nước?
 
Có 3 lý do quan trọng nhất, đó là do quá trình chuyển đổi, do vai trò lớn lao trong nền kinh tế và do bản chất của chính DNNN. Bản chất của việc chuyển đổi cũng nói lên rằng việc thể chế hóa nền kinh tế tập trung trước kia là thất bại.
 
Thứ hai, phải cấp thiết đặt ra tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là TĐKTNN vì dù đã trải qua nhiều năm tháng chuyển đổi, nhưng số này vẫn còn giữ một nguồn lực khổng lồ, kể cả vốn, con người, đất đai hạ tầng, tài nguyên… Nắm giữ nhiều nguồn lực, nhưng tập đoàn lại bộc lộ nhiều yếu kém.
 
Lý do thứ ba, phải hiểu bản chất của DNNN, bao giờ cũng có tính cố hữu thể hiện ở hai vấn đề mà chưa bao giờ, chưa ở đâu, hay nói cách khác là không bao giờ có thể giải quyết được triệt để hẳn, kể cả mặt lý luận, cũng như mặt thực tiễn.
 
Đó là vấn đề xung đột của chủ đại diện, chủ sở hữu và người đại diện. Với DNNN, chủ sở hữu là Nhà nước nên rất dễ dẫn đến xung đột tài chính. Vấn đề thứ hai là rủi ro đạo đức, hay nói dân dã là “tiền chùa”, họ làm liều, hậu quả là Nhà nước chịu.
 
Hướng tái cơ cấu cần nhấn mạnh điểm nào để tránh các xung đột nói trên, thưa ông?
 
Cùng với việc thu nhỏ các DNNN, phải cải tổ, giám sát để làm minh bạch, vấn đề đại diện phải mang tính độc lập hơn, chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, để làm việc này, cần phải có một thời gian quá độ. Nguyên tắc cơ bản là phải đặt DNNN trong môi trường cạnh tranh.
 
Ông có thể nói cụ thể hơn?
 
Cụ thể, cần phải thực hiện 5 vấn đề sau:
 
+ Giám sát, minh bạch hóa thông tin và vấn đề đại diện;
 
+ Quản trị DNNN, tập đoàn theo thông lệ tốt, trong quản trị này phải có nền tảng tốt để xây dựng hệ thống quản trị, mối quan hệ giữa HĐQT với CEO (giám đốc điều hành).
 
+ Cổ phần hóa phải đặt trong môi trường cạnh tranh quốc tế và trong nước, phải bắt TĐKTNN chịu áp lực cạnh tranh để vươn lên.
 
+ Cần có bước đi cho cổ phần hóa, xác định mô hình nào, doanh nghiệp nào cần phải 100% cổ phần, doanh nghiệp nào Nhà nước còn giữ và doanh nghiệp nào Nhà nước giữ lại đa số. Để làm được việc này, một trong những thay đổi quan trọng nhất là phải thay đổi được chất lượng quản trị, cũng như có đối tác chiến lược.
 
+ Với DNNN, tập đoàn thua lỗ trầm trọng, cần nhanh chóng cải tổ, cơ cấu, thậm chí cho phá sản nếu cần thiết. Trong đó, cần thay đổi cấu trúc chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thay đổi bộ máy nhân sự…
 
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong: Phải cải sửa địa vị tập đoàn
 
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng Luật Tập đoàn, trong đó quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của tập đoàn, quyền hạn đến đâu. Quan điểm là không để tập đoàn địa vị quá tầm gây nhiều phức tạp…
 
Theo ông, có nên đưa tập đoàn về các bộ, ngành để quản lý, tránh lạm quyền như hiện nay? 
 
Hiện nay, do phân cấp quản lý chưa hợp lý nên toàn bộ bức xúc của các tập đoàn đều xuất phát từ mấy nguyên nhân: Cơ sở pháp lý cho hoạt động của các TĐKTNN, tổng công ty chưa rõ, chưa đầy đủ.

Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp là dùng chung với các loại hình doanh nghiệp khác, không có luật tập đoàn, và đặc biệt là không có luật tập đoàn Nhà nước, nên cơ sở pháp lý không đầy đủ. Có tập đoàn là do Thủ tướng quản lý, lại có tập đoàn là do địa phương quản lý.

 
Ví dụ Hanoisimex lại do Hà Nội quản lý. Như vậy, phân cấp, phân quyền quản lý cũng chưa rõ, chưa thống nhất. Hơn nữa, hiện nay, việc quản lý tập trung quá mức vào Chính phủ.

Theo tôi, Chính phủ không nên là người quản lý trực tiếp các tập đoàn. Việc bổ nhiệm thành viên HĐQT do Thủ tướng quyết định là không hợp lý.

 
Vậy cần chỉnh sửa thế nào?
 
Trong luật cần bổ sung mấy điểm. Thứ nhất, nên có luật chung cho hoạt động tập đoàn với tư cách là một tổ hợp kinh doanh mang tính chất một mặt là cho lợi nhuận, một mặt là phi lợi nhuận. Cần chia mảng để họat động phải rành mạch, chuyên nghiệp, tránh hiện tượng lạm dụng.
 
Cái thứ hai là cần đưa các tập đoàn về bộ, không trực thuộc Chính phủ nữa, sẽ tập trung vào một đầu mối duy nhất, đúng ngạch.
 
Và thứ ba là cần có cơ chế bổ nhiệm cán bộ hợp lý, sao cho công khai, minh bạch, kể cả cơ quan nào quản lý hay ai quản lý cũng phải tuân theo luật, với những tiêu chí, yêu cầu, quy trình công khai, sẽ không có cơ chế phụ thuộc…
 
Theo quy định, Chủ tịch HĐQT được quyết 50% vốn dẫn tới quyền năng có khi nhiều hơn cả Quốc hội, việc này cần nhìn nhận ra sao? 
 
Đây là vấn đề bất cập trong quản lý tài chính của tập đoàn, dẫn đến xuất hiện các dự án siêu khủng, có khi vượt cả thẩm quyền Quốc hội. Luật tập đoàn mới nên có quy định phân quyền, phân cấp không chỉ ở trung ương cho tập đoàn mà ngay trong chính nội bộ tập đoàn để đảm báo tính giám sát.
 
Về nguyên nhân thất thoát, tôi cho rằng, do các hoạt động một phần mang yếu tố phi lợi nhuận. Vì không lợi nhuận nên họ không phải hạch toán, không phải báo cáo chi tiết tài chính nên tạo ra lạm dụng. Thứ hai là thông qua kênh chất lượng thấp. Thứ ba là các hoạt động của DNNN chỉ cần bảo toàn vốn, đây là cơ hội tốt các tập đoàn chạy dự án.
 
Chấm dứt tập đoàn đầu tư ra ngoài ngành trước 2015
 
Ngày 21/7, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2012-2015. Theo đề án, doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước sẽ được phân loại theo 3 nhóm.

Nhóm 1, DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ trong các lĩnh vực độc quyền Nhà nước, quốc phòng, an ninh; xuất bản; thủy nông; bảo đảm an toàn giao thông; xổ số kiến thiết; sản xuất, phân phối điện quy mô lớn, đa mục tiêu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh…

 
Nhóm 2, doanh nghiệp cổ phần hóa mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoạt động trong các ngành, lĩnh vực theo quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhóm 3, các DNNN thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng, tái cơ cấu lại nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; giải thể, phá sản.

 
Đề án khẳng định, việc tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước được thực hiện một cách toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường và sản phẩm.
 
Đề án xác định sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp là một nhiệm vụ trọng tâm từ 2012-2015. Xác định số lượng, danh sách cụ thể các doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100%, nắm giữ trên 75%, nắm giữ từ 65% đến 75%, nắm giữ từ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ và các doanh nghiệp khác.

Trong quá trình thực hiện, căn cứ tình hình thực tế, tiếp tục rà soát để đẩy mạnh cổ phần hóa.

 
Chấm dứt đầu tư ra ngoài ngành trước năm 2015. Từng tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập trình Thủ tướng Chính phủ; từng tổng công ty, doanh nghiệp do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập trình Bộ, UBND tỉnh, thành phố Đề án tái cơ cấu để phê duyệt trong quý III năm 2012.

Kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại hoặc giải thể, phá sản những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, mất khả năng thanh toán nợ đến hạn theo quy định. 

 
Đề án cũng chỉ rõ, đơn vị nào không thực hiện được phải kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân.
 
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Đưa tập đoàn cạnh tranh bình đẳng, minh bạch theo thị trường

Quan điểm và mục tiêu của tái cơ cấu là phải thực hiện bình đẳng, minh bạch, công khai theo định hướng thị trường.

Hiện nay, chúng ta phải xác định những điểm chưa bình đẳng giữa DNNN và ngoài Nhà nước. Chúng tôi cho rằng, các vấn đề đặt ra là vừa phải bình đẳng, vừa yêu cầu DNNN thực hiện trong môi trường pháp luật, cạnh tranh.

Hiện, vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty là 653 nghìn tỷ đồng, toàn bộ lợi tức sau thuế sẽ để lại doanh nghiệp mỗi năm để tái đầu tư, cho thấy các DNNN khi sử dụng vốn Nhà nước sẽ không bị sức ép về chi phí vốn.
 
Theo CAND

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn