Thống đốc: Cuối năm lãi suất có thể xuống 8%/năm

Chủ nhật, 29/07/2012, 16:20
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dự tính lãi suất có thể tiếp tục giảm đến cuối năm nay, theo diễn biến của lạm phát.

>> Lãi suất vẫn cao
>> Ngân hàng còn xa doanh nghiệp
>> JPMorgan Chase: Lãi suất sẽ giảm thêm ít nhất 2% đến cuối năm
>> Hạ lãi suất: Làm lung tung, mỗi ngân hàng một kiểu

Sau Hà Nội, sáng 28/7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức buổi đối thoại với các doanh nghiệp tại địa bàn Tp.HCM.

Lãi suất tiếp tục là một chủ đề chính. Và tại đây, mức lãi suất cho vay chỉ 10%/năm là một yêu cầu cụ thể được đặt ra từ doanh nghiệp.

Trả lời yêu cầu này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, giảm lãi suất cần một quá trình. Nếu từ tháng 8/2011 mục tiêu đặt ra là giảm lãi suất cho vay về 17 - 19%/năm, thì đến nay mức 15%/năm vẫn được cho là còn cao.


Nếu lạm phát năm nay không chế ở 7% thì lãi suất huy động sẽ giảm về 8%/năm, tạo thêm cơ sở để giảm tiếp lãi suất cho vay.

Thống đốc dự tính, nếu lạm phát cả năm nay được khống chế ở khoảng 7% thì lãi suất huy động VND có thể giảm tiếp, xuống còn 8%/năm. Và nếu nền kinh tế phát triển ổn định, lạm phát vẫn được khống chế thì giữa năm 2013 lãi suất huy động có thể chỉ còn 7%/năm, khi đó lãi suất cho vay sẽ ở khoảng 10%/năm.

Qua 7 tháng đầu năm nay, lạm phát mới chỉ tăng 2,22%. 5 tháng còn lại, nhiều khả năng lạm phát cả năm sẽ được không chế ở 7% và lãi suất có thể giảm thêm. Trước xu hướng đang thể hiện của lạm phát, một số tổ chức quốc tế cũng vừa dự báo Việt Nam sẽ giảm thêm lãi suất từ nay đến cuối năm.

Với thông tin tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng đã đưa ra một dự tính có thể giảm thêm một lần nữa trong năm nay.

Bên lề hội nghị, trao đổi với PV, ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cho rằng khả năng tiếp tục giảm lãi suất như trên được đặt ra.

Nhưng theo ông, điều quan trọng lúc này là làm sao hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng lượng hàng tồn kho qua các biện pháp kích cầu nhất định, bên cạnh việc giảm lãi suất. Hàng tồn kho được xem là một trong những gánh nặng gây nợ xấu tại nhiều doanh nghiệp hiện nay.

Ông Phước cũng cho rằng, từ nay đến cuối năm 12%/năm là mức “sàn” lãi suất cho vay nói chung mà các ngân hàng có thể thực hiện được.

Khác với hội nghị diễn ra tại Hà Nội trước đó, buổi đối thoại sáng nay có sự tham gia phát biểu của nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, Eximbank, Sacombank…

Và thông tin được đưa ra khá cụ thể ở tiến độ giải ngân các gói, chương trình cho vay lãi suất ưu đãi mà các ngân hàng vừa triển khai thay vì chủ yếu chỉ các ngân hàng biết như trước đây; cũng như thông tin về tiến độ thực hiện giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm.

Tại đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước một lần nữa nhấn mạnh rằng, chủ trương giảm lãi suất các khoản vay cũ không phải là chế tài, mà là động viên, đề nghị các ngân hàng thương mại thực hiện để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Như vậy, thêm một lần nữa để khẳng định mức lãi suất cho vay tối đa 15%/năm không phải đều dành cho mọi khách hàng doanh nghiệp và cá nhân vay vốn.

 
Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn