Trao đổi với báo giới, TS. Lê Xuân Nghĩa viện dẫn trường hợp cụ thể tại Nhật Bải thời kỳ những năm 90, khi con số nợ xấu ban đầu được công bố là khoảng 2.000 tỷ yên.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng 2.000 tỷ yên chưa đáng lo ngại nên vẫn đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản và kết quả nền kinh tế bắt đầu đi xuống.Lúc này Nhật Bản mới thấy nợ xấu là nguyên nhân khiến nền kinh tế không tăng trưởng và con số nợ xấu thực được Chính phủ Nhật Bản tìm ra lên tới 40.000 tỷ yên.
Việc tìm giải pháp xử lý nợ xấu gây tranh cãi trong một thời gian dài giữa các đảng phái tại Nhật Bản. Có ý kiến cho rằng xử lý nợ xấu phải thành lập công ty mua bán nợ xấu, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần như tư hữu các ngân hàng….
TS Lê Xuân Nghĩa: Để xử lý nợ xấu chỉ còn cách thành lập công ty AMC
Tuy nhiên khi Chính phủ Nhật Bản triển khai xử lý lại quá muộn, doanh nghiệp phá sản quá lớn, nền kinh tế suy kiệt. Nhật Bản phải trả giá bằng hơn chục năm tăng trưởng kinh tế thấp dưới 1%.
TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tình trạng Việt Nam hiện nay cũng giống như vậy. Nợ xấu đã quá lớn, tới mức DN và NH không có khả năng tự xử lý. Nói cách khác, cục máu đông đã quá lớn, làm tắc nghẽn mạch hệ thống tuần hoàn không thể tự đẩy đi được, do đó, cần có sự can thiệp của Chính phủ.
“Chúng tôi đã trình bày với Chính phủ, giả định rằng nợ xấu từ 8-10%, nếu để các doanh nghiệp và ngân hàng tự xử lý thì mỗi một năm họ xử lý được từ 1 - 1,5%, nhiều lắm là 2% và trong vòng 5 năm đó ngân hàng thương mại (NHTM) phải không được để nợ xấu tăng thêm, hoặc phải kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt, đồng thời cũng trong vòng 5 năm đó, các NHTM phải duy trì lãi suất cao hơn rất nhiều so với lãi suất huy động để bù đắp vào nợ xấu và chi phí nợ xấu mà họ đang phải gánh.
Liệu chúng ta có chờ đợi được 5 năm tăng trưởng rất thấp, lạm phát thấp, doanh nghiệp suy kiệt, sản xuất đình đốn để rồi sau đó phục hồi không?, tôi nghĩ là không thể là 5 năm mà có thể lâu hơn nữa….”.
Bài học Nhật bản phải nhọc nhằn, khổ sở suốt hơn một thập kỷ, cũng là điều đáng suy nghĩ lúc này. TS.Nghĩa đã nêu ra cách xử lý nợ xấu, với 3 cách lựa chọn: Một, bơm thẳng tiền từ Ngân hàng Trung ương vào các NHTM, bắt buộc họ dùng tiền đó để cho doanh nghiệp vay. Tuy vậy, cách này rủi ro rất lớn, bởi bơm tiền ra chưa chắc họ đã cho doanh nghiệp vay, cho vay thì phá hỏng chuẩn tín dụng.
“Không chỉ vậy, Ngân hàng TMCP của Việt Nam hầu hết là của vài ông chủ, sau lưng họ có rất nhiều doanh nghiệp, nên có thể họ sẽ kéo hết tiền hỗ trợ cho doanh nghiệp họ. Cách này chúng ta đã từng làm…”, TS Nghĩa nêu rõ.
Do đó, theo TS.Nghĩa chỉ còn cách thứ hai là thành lập một công ty mua bán nợ xấu tầm quốc gia (AMC). Có nhiệm vụ mua nợ xấu từ các NHTM chuyển về công ty. Trong thời gian ngắn sẽ chuyển toàn bộ nợ xấu về công ty này. Và cũng trong thời gian ngắn doanh nghiệp không còn nợ ngân hàng nữa mà nợ công ty AMC.
Mua nợ xấu với giá nào là một câu hỏi được đặt ra, bởi nếu mỗi ngân hàng một giá sẽ gây bất đình đẳng. TS.Nghĩa đưa quan điểm, Chính phủ phải định giá, trên cơ sở hai bên có thể chấp nhận được. Ngân hàng không bán không được. Trong trường hợp các NHTM không muốn bán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể áp dụng các biện pháp như, tăng dự trữ bắt buộc, tăng dự phòng rủi ro, bắt trích lập tăng…
Theo Vnmedia