Không có "vùng cấm" trong xử lý tội phạm thâu tóm ngân hàng

Thứ năm, 06/09/2012, 07:37
Tại cuộc họp báo hôm qua, trao đổi với báo chí về khái niệm tội phạm thâu tóm ngân hàng (NH), Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định đó chỉ là cách nói, còn Bộ luật Hình sự không ghi chính xác câu chữ loại tội phạm này.

>> Về tội phạm thâu tóm ngân hàng: Thủ tướng yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm minh bất kỳ đó là ai
>> Bầu Kiên bị bắt vì lũng đoạn cổ phiếu, thâu tóm ngân hàng?
>> Chính phủ: Nếu có cá nhân hay tổ chức nào bị bắt giữ sẽ không để ảnh hưởng như ở ACB
>> Kinh tế nhà nước được đề nghị xem lại vai trò “chủ đạo”



Bộ trưởng Vũ Đức Đam. Ảnh vuducdam.net


Tuy nhiên, bản chất của tội phạm thâu tóm NH nằm trong quy định tội kinh doanh trái phép, đầu cơ... Tội này theo ông Đam có thể nhằm mục tiêu thâu tóm các NH trái pháp luật.

Liên quan đến vụ án của ông Nguyễn Đức Kiên, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ cho biết, không phải chỉ đến khi bắt ông Kiên loại tội phạm này mới được nêu ra, trước đó Thủ tướng đã chỉ đạo lực lượng chức năng từ thanh tra đến cơ quan điều tra, làm nhiệm vụ hết sức quan trọng và đặt trọng tâm vào nhóm tội phạm liên quan tới hệ thống NH, đặc biệt các hành vi thâu tóm.

Cũng theo ông Đam, quy định hiện tại của luật Tổ chức tín dụng thì một cá nhân không sở hữu 5% vốn của 1 tổ chức tín dụng, một tổ chức không quá 15%, nhưng nhiều khi bằng thủ đoạn khác nhau 1 cá nhân sở hữu nhiều hơn số vốn đó gây ảnh hưởng tới hoạt động của tổ chức tín dụng  đó.

Vì vậy, các cơ quan chức năng đã tiến hành công việc cần thiết, nhất định sẽ làm trong sạch hệ thống NH, làm cho mạch máu cơ thể của nền kinh tế được thông suốt. “Bất kỳ ai vi phạm đều bị xử lý nghiêm minh, không có bất cứ vùng cấm nào” - ông nói.

Về trường hợp cụ thể của ông Kiên, khi tiến hành khởi tố, bắt tạm giam, theo ông Đam một vài ngày sau đó có ảnh hưởng tới hoạt động của NH TMCP Á Châu, nhưng sau đó đã ổn định trở lại.

Ngoài ra, khi Chính phủ chỉ đạo thanh tra, điều tra, khởi tố và bắt giữ luôn đi kèm một phương án đánh giá tác động tới hệ thống NH, để một mặt nghiêm trị kẻ vi phạm, mặt khác đảm bảo an toàn cho hệ thống.

Công khai tất cả chi phí cấu thành giá xăng

Liên quan tới quản lý xăng dầu, ông Đam khẳng định chỉ có hai vấn đề, thứ nhất làm sao tất cả chi phí từ nhập vào cho tới các loại như chi hoa hồng đại lý được công khai và giám sát bởi cộng đồng thì mọi người sẽ thông suốt.

Thứ hai, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, giá chỉ là một phần nhưng nếu quá thấp mà không có hàng bán thì sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Hiện Chính phủ phải cố gắng đảm bảo đủ nguồn cung không để thị trường khan hiếm.

“Phải công khai tất cả chi phí, còn Nghị định 84 về quản lý giá đang có những điểm bất hợp lý, Chính phủ đã giao các bộ ngành xem xét cuối năm nay báo cáo lại CP điều chỉnh sửa đổi như thế nào” - ông Đam nói.
 

Tăng trưởng GDP năm nay chỉ đạt khoảng 5%

Trước những khó khăn của nền kinh tế, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ tính toán dự kiến năm nay cố gắng phấn đấu hết sức GDP sẽ chỉ đạt được 5%, hoặc nhỉnh hơn một ít.

Tuy nhiên, bù lại, kinh tế vĩ mô sẽ ổn định khi mà chỉ số quan trọng nhất là lạm phát sẽ giữ được ở mức dưới 7%. Bước sang 2013, nền kinh tế vẫn kiên trì với mục tiêu ổn định vĩ mô, cụ thể lạm phát sẽ tiếp tục được kéo xuống thấp hơn 7% và GDP tăng lên khoảng 6%
.

 

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn