Theo ghi nhận của PV, đây là lần thứ hai Vietcombank chủ động điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND, tính từ khi Ngân hàng Nhà nước áp trần lãi suất huy động 7,5%/năm vào cuối tháng 3 vừa qua.
Với hai lần điều chỉnh liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng (lần điều chỉnh trước vào ngày 16/4/2013), mức lãi suất huy động thấp nhất của Vietcombank kể từ ngày 6/5/2013 chỉ còn 6%/năm, thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước là 1,5%/năm.
Ông Nguyễn Phước Thanh: "Trần lãi suất huy động dưới 1 tháng cần được xem xét giảm để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ chi phí vốn, qua đó có cơ sở tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay". |
Cụ thể, trần lãi suất huy động VND tại ngân hàng này kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm; các kỳ hạn 6 - 9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm, giảm 0,5%/năm so với lần điều chỉnh trước đó.
Biên độ điều chỉnh lớn nhất lần này ở mức 1%/năm nằm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với lãi suất trần là 8%/năm. Trong khi đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng được tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng mà không áp dụng mức trần 7,5%/năm.
Mức giảm chủ động trên của Vietcombank là khá mạnh. So sánh với biểu lãi suất của các ngân hàng khác, mức lãi suất huy động tại Vietcombank hiện thấp nhất khi đa số các ngân hàng huy động tiền gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng ở kịch trần 7,5%/năm và trên 12 tháng giao động quanh mức 10%/năm.
Cùng với điều chỉnh trên, lãi suất cho vay của Vietcombank tiếp tục giảm khá mạnh. Lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường hiện chỉ còn khoảng 10,5%/năm, đặc biệt lãi suất cho vay trung dài hạn đối với các doanh nghiệp thấp nhất còn khoảng 11,6%/năm.
Vietcombank cũng cho biết hiện đang áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn với hạn mức lên tới 30.000 tỷ đồng, 700 triệu USD với lãi suất cho vay thấp nhất là 7,5%/năm và 2%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh nói việc chủ động giảm lãi suất huy động và cho vay nói trên là bước đi đúng đắn, đón đầu chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
“Chúng tôi cho rằng, với các chỉ số kinh tế vĩ mô hiện nay như lạm phát vẫn đang được kiểm soát ở mức 6 - 7%; CPI 4 tháng đầu năm chỉ tăng 2,40% so với cuối năm 2012 - là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây, vẫn còn dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm trần lãi suất huy động”, ông Thanh nói.
Và để tiếp tục định hướng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay, theo ông Nguyễn Phước Thanh, trần lãi suất huy động dưới 1 tháng cũng cần được xem xét giảm để tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại hạ chi phí vốn, qua đó có cơ sở tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay.
Về cơ chế trần lãi suất, người điều hành cao nhất của Vietcombank nhìn nhận rằng, trong bối cảnh chất lượng các ngân hàng không đồng đều, nhiều ngân hàng nhỏ hoạt động không ổn định và lành mạnh hiện nay thì việc bỏ trần lãi suất huy động cần phải cân nhắc kỹ để tránh tình trạng “vượt rào” lãi suất, cạnh tranh huy động vốn không lành mạnh giữa các ngân hàng.
“Mặc dù thanh khoản của hệ thống ngân hàng gần đây khá tốt nhưng không có nghĩa tất cả các ngân hàng đều đủ vốn để hoạt động khi tình trạng lấy ngắn nuôi dài vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu hạ lãi suất huy động và cho vay nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, việc áp trần lãi suất huy động trước mắt vẫn có những tác dụng phù hợp”, ông Thanh nói thêm.
Giảm lãi suất huy động có thể một tác động bất lợi đến dòng tiền gửi vào ngân hàng. Tuy nhiên, theo ông Thanh, hiện nay lãi suất được dự báo giảm và các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy vẫn còn dư địa để lãi suất tiếp tục giảm trong thời gian tới, nhưng nguồn tiền nhàn rỗi sẽ vẫn tiếp tục đổ vào hệ thống ngân hàng khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, vàng… hiện rất bấp bênh và tiềm ẩn rủi ro cao.
Báo cáo mới cập nhật của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống các tổ chức tín dụng vẫn ở mức cao, hơn hẳn cùng kỳ năm 2011 và 2012.
“Hạ lãi suất huy động sẽ là mũi tên trúng hai đích, khi vừa kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết vấn đề hàng tồn kho, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho doanh nghiệp; đồng thời lãi suất huy động giảm là trực tiếp góp phần giảm chi phí huy động, tạo tiền đề để ngân hàng giảm lãi suất cho vay, khơi thông nguồn vốn từ ngân hàng đến doanh nghiệp”, ông Nguyễn Phước Thanh nói.
Theo VnEconomy