Làng ngân hàng chuẩn bị đón “thành viên” đặc biệt

Thứ năm, 04/07/2013, 16:54
Ngày 9/7 tới, hệ thống ngân hàng đón nhận thêm một thành viên mới: Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Đơn vị này hoạt động theo cơ chế: Nguồn vốn do Bộ Tài chính cấp, còn quản lý hoạt động thuộc về Ngân hàng Nhà nước.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng và lộ trình của đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương sẽ được “nâng cấp” thành Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam. Chiếc áo mới không đơn thuần là chiếc áo. Bởi sau ngày khai trương, là những áp lực rất lớn đối với Ngân hàng Nhà nước và chính bản thân Ngân hàng Hợp tác xã. 

Chẳng hạn, cơ chế nguồn vốn do Bộ Tài chính cấp nhưng quản lý hoạt động lại thuộc về Ngân hàng Nhà nước, vậy làm sao tránh được tình trạng “cha chung không ai khóc” mà từ đó có thể dẫn tới “vết xe đổ” như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) từng vấp phải? 

ngân hàng hợp tác xã

Ngân hàng Hợp tác xã là ngân hàng thương mại đặc biệt, 100% vốn ngân sách nhà nước, hoạt động trong hệ thống các tổ chức tài chính vi mô.

Trước đó không lâu, Ngân hàng Hợp tác xã còn nằm trong hệ thống cũ với những con người và nếp nghĩ cũ, phương tiện máy móc, công nghệ thông tin (lõi phần mềm) sơ khai, bỗng một ngày khoác lên chiếc áo “ngân hàng” cùng những đòi hỏi khắt khe về quản trị rủi ro, chuẩn mực an toàn; sự liên kết trong cùng hệ thống tổ chức tín dụng, liệu có gánh vác được trọng trách, nhất là khi mới đây, Chính phủ vừa có quyết định rót thêm 948 tỷ đồng từ mức 2.034 tỷ đồng để đắp đầy vốn điều lệ cho đủ số 3.000 tỷ đồng theo quy định? 

Thêm nữa, đây là ngân hàng thương mại đặc biệt, 100% vốn ngân sách nhà nước, hoạt động trong hệ thống các tổ chức tài chính vi mô; Chính phủ phải chi thêm gần 1.000 tỷ đồng cho đủ số vốn điều lệ theo quy định, với mục đích để ngân hàng này góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Cho nên, ngoài việc kiểm soát của cơ quan chức năng thì trách nhiệm minh bạch thông tin tài chính của ngân hàng này cũng trở nên vô cùng cần thiết.

Trao đổi với PV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhìn nhận, Ngân hàng Hợp tác xã sẽ phải đảm đương tốt vai trò là đầu mối liên kết của hệ thống, với nhiệm vụ điều hoà, cân đối vốn; chịu trách nhiệm xây dựng các sản phẩm, nghiệp vụ đặc thù trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Ngân hàng cũng sẽ phải đảm bảo hiệu quả, sự ổn định và an toàn trong hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân; đồng thời là đầu mối để phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước nhằm phát hiện sớm và xử lý nhanh các vấn đề khó khăn.

Mặt khác, công tác quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cũng sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng, ông Bình lưu ý.

Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương:
● Vốn điều lệ: 2.408 tỷ đồng
● Vốn huy động: 9.297,51 tỷ đồng
● Tổng dư nợ cho vay: 11.132,9 tỷ đồng
● Nợ xấu: 419,8 tỷ đồng, chiếm 3,77% tổng dư nợ
● Lợi nhuận trước thuế năm 2012: 190,5 tỷ đồng.
● Thành viên: 1.132 quỹ (tính đến 31/12/2012)
● Tổng nguồn vốn các quỹ thành viên: 44.776 tỷ đồng
● Tổng vốn điều lệ các quỹ thành viên: 1.728 tỷ đồng
● Tổng dư nợ cho vay các quỹ thành viên: 35.955 tỷ đồng

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước

 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Thống đốc cho rằng Ngân hàng Hợp tác xã cần tập trung tăng cường năng lực tài chính, năng lực quản trị, điều hành, khả năng công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm. Ngân hàng cũng cần bổ sung nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đầu tư phát triển công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng.

Theo ông Đào Quang Thông, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), trước đó từng giữ chức vụ quản lý ở Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương cho rằng, để được như mong muốn trên, cần phải giải quyết mấy vấn đề sau:

Một là, Ngân hàng Nhà nước cần coi Ngân hàng Hợp tác xã là một thành viên của hệ thống tổ chức tín dụng và đối xử bình đẳng như bất kỳ một ngân hàng nào. Theo đó, phải cải tổ, xây dựng bộ máy lãnh đạo tinh nhuệ, từ Ngân hàng Hợp tác xã đến chi nhánh của chúng cũng như các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở để đáp ứng được yêu cầu cao trong quản trị một ngân hàng. Song song, phải từng bước đưa hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân cơ sở đi vào nề nếp, làm ăn quy củ; sổ sách tài chính, các khoản vay mượn phải rõ ràng, chi tiết và minh bạch.

Thứ hai, tất cả mọi cơ chế hoạt động của Ngân hàng Hợp tác xã phải làm tròn bổn phận của đơn vị trung ương điều hòa vốn cho các đơn vị cơ sở. Nguồn vốn của Ngân hàng Hợp tác xã chính là vốn của nhà nước bỏ ra, nên phải phục vụ đúng đối tượng; tránh trường hợp lợi dụng vốn nhàn rỗi, đem cho vay, gửi liên ngân hàng để lấy lời, trong khi các đơn vị cơ sở thiếu vốn phải giật tạm ở bên ngoài với lãi suất cao, gây rủi ro cho hệ thống. 

Trên thực tế, khi đưa được vốn xuống cho các đơn vị quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, tất yếu người vay nhỏ lẻ ở nông thôn, kinh doanh, tiểu thương ở thành thị sẽ được thụ hưởng nhiều nhất. 

Mặt khác, cho vay các đối tượng này, rủi ro do nợ xấu luôn ở mức thấp mà thực tế đã chỉ rõ, có những năm, tỷ lệ nợ xấu ở khoản tiền gửi bên ngoài hệ thống cao hơn cho vay trong hệ thống của Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương.

Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn