Tại hội thảo về phát triển ngân hàng thương mại sau khi Việt Nam gia nhập WTO diễn ra sáng nay ở Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc trường đào tạo và phát triển nguồn nhân lực VietinBank đánh giá, việc gia nhập WTO giúp cho ngành ngân hàng nhận thức rõ những rủi ro từ đó tạo động lực để tái cấu trúc, sắp xếp lại giúp hệ thống trở nên lành mạnh, quản trị hoạt động tốt hơn.
6 năm gia nhập WTO cũng là cơ hội để ngành ngân hàng có môi trường hoạt động và nhìn lại mình với những kết quả, hậu quả sau một thời gian dài “hưng phấn”, hướng đến phát triển bộ tiêu chí xây dựng ngân hàng vững mạnh.
Nợ xấu tăng cao trong thời gian qua là một trong những "tội" rất lớn của ngành ngân hàng, dù có nhân tố thể chế, kinh tế vĩ mô tác động một phần. |
Ngành ngân hàng Việt Nam những năm vừa qua tăng trưởng nhanh và nóng. Nhận định này được Tiến sĩ Lê Hoàng Nga đến từ Ủy ban chứng khoán Nhà nước đưa ra đi kèm kết luận: “Khi mới gia nhập WTO, Việt Nam là ngôi sao đang lên, nhưng hiện tại lại là ngôi sao bất định trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có ngành ngân hàng”.
Bà Nga cho biết, ở Việt Nam, ngân hàng trong những năm vừa qua vừa có công, vừa có tội. Song cũng cần nhìn nhận khách quan, trách nhiệm xã hội của các ngân hàng bên trong và bên ngoài đều rất lớn, do đó, các biện pháp thị trường và hành chính ngay cả trong điều hành được áp dụng đan xen, đôi khi hành chính lấn át thị trường và ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng này.
“Ngân hàng Việt Nam dễ bị tổn thương và điều này tỷ lệ nghich với sự phát triển, nên phải nói luôn là chưa thể đạt được sự phát triển đừng nói tới bền vững”, đại diện Ủy ban chứng khoán Nhà nước thẳng thắn nhìn nhận.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, ngân hàng vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm đóng góp vào biến động của nền kinh tế, dù chưa rõ yếu tố nào nặng hơn. Nhắc lại thời kỳ Việt Nam mới gia nhập tổ chức thương mại thế giới, các ngân hàng cấp tỉnh ồ ạt mọc lên, cán bộ ngân hàng lương cao, đi xe sang đầy rẫy… Ông Doanh cho biết, đó là sự hưng phấn của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam giai đoạn đầu hội nhập.
“Nhiều trường hợp thừa biết ngân hàng cho doanh nghiệp vay không để đầu tư sản xuất, khai vống tài sản lên… khiến bất động sản phình ra, nên không thể không nhìn nhận vai trò của ngân hàng trong những trường hợp này”, ông Lê Đăng Doanh nhấn mạnh. Chuyên gia này đặt câu hỏi, phải chăng, khi Việt Nam gia nhập WTO đã không chú ý đến việc cải cách thể chế, bộ máy, giám sát hay những tiêu chí bắt buộc về công khai, minh bạch. Do đó, theo chuyên gia này, cần thiết phải siết mạnh thể chế, phong phú và đa dạng về dịch vụ ngân hàng.
“Tôi cho rằng cũng nên xem xét sắp tới có liên thông được thể chế tài chính, ngân hàng, bất động sản hay không, vì thực tế chúng ta đã nhìn thấy có nhiều người đầu tư bất động sản nhưng không có vốn và năng lực, toàn ‘tay không bắt giặc’, đến khi khó khăn thì để lại hậu quả lớn. Nếu không có lỗ hổng thể chế nhà nước, trong hoạt động ngân hàng, rõ ràng tai vạ không lớn như vậy. Nếu không cải thiện thể chế cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng, giải quyết xong cục nợ xấu này sẽ có thêm một cục nợ xấu khác”, ông Doanh nói.
Không nhắc lại những thứ “được” khi Việt Nam gia nhập WTO, Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chiến lược Ngân hàng Nhà nước) lưu ý về những bất cập lớn trong hệ thống ngân hàng ông đúc kết được sau thời gian theo dõi hoạt động. Đó là sự yếu kém của nội lực, trong các khâu đào tạo, nhân sự, bất cập đến từ khách hàng, cơ quan quản lý, chính sách của Nhà nước.
“Nhiều khách hàng là doanh nghiệp FDI chỉ đem vào Việt Nam một ít ‘vốn mồi’ nhưng cũng cạnh tranh đi vay như doanh nghiệp trong nước để hoạt động khiến nguy cơ ‘cọc nhổ đi rồi lỗ bỏ đi’ luôn hiện hữu khi những đơn vị này rút đầu tư khỏi Việt Nam, hệ lụy là còn ‘lỗ’ đấy nhưng cả nghìn năm sau không cấy lúa được.
Ngoài ra, các ngân hàng hiện nay vẫn có xu hướng cho vay ‘ông có tóc’ là các doanh nghiệp Nhà nước, khiến cho khối doanh nghiệp tư nhân - nhân tố đóng góp phần lớn vào GDP gặp khó”, ông Lai nêu ý kiến. Chuyên gia này kiến nghị, cần phải sửa những bất cập nói trên bằng cách phủ sóng đều pháp luật, tạo bình đẳng cho các đối tượng kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo Infonet