Các ngân hàng sẽ chạy đua khuyến mại huy động vốn. |
Giảm sức ép
Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 2%/năm xuống còn 1,2%/năm. Lãi suất tối đa áp dụng với tiền gửi có kỳ hạn từ 1-6 tháng giảm từ 7,5% xuống 7%.
Mức lãi suất cùng kỳ hạn tương ứng gửi tại quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô được giảm từ 8% xuống 7,5%/năm. Đặc biệt trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được dỡ bỏ. Mức cụ thể do các ngân hàng tự quyết định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường,
Lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng trong 5 lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao điều chỉnh giảm từ 10% xuống 9%/năm. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn của các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính cũng giảm tương ứng, từ 11% xuống 10%/năm.
Cùng với điều chỉnh giảm lãi suất tiền đồng, trong bối cảnh người dân có thể dịch chuyển tiết kiệm từ tiền đồng sang USD, NHNN cũng quyết định điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng USD của tổ chức giảm từ 0,5%/năm xuống còn 0,25%/năm; với cá nhân giảm từ 2% xuống còn 1,25%/năm. Đây là lần điều chỉnh lãi suất huy động thứ 7 của NHNN từ đầu năm 2012 với mốc lãi suất tại thời điểm đó là 14%/năm.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh lãi suất huy động một phần do thời gian qua lãi suất cho vay giảm mạnh khiến thu nhập của các tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng đáng kể; nhiều đơn vị không còn lãi.
Trao đổi với PV, đại diện một số ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank, ACB cho biết, trong vài ngày tới sẽ cân nhắc tính toán có điều chỉnh hạ tiếp lãi suất huy động ngắn hạn nữa hay không. Thực tế từ vài tháng nay, một số ngân hàng lớn đã hạ trần lãi suất xuống dưới mức 7% (kỳ hạn từ 1-3 tháng) nên việc hạ trần không có tác động gì nhiều.
Theo ông Phạm Quang Dũng-Phó Tổng GĐ Vietcombank, việc hạ tiếp lãi suất nữa hay không phụ thuộc vào bài toán kinh doanh, cân đối cung cầu. NHNN ra quyết định điều chỉnh lãi suất phụ thuộc điều kiện thị trường cũng như của cả hệ thống.
“Điều chỉnh tỷ giá ở mức 1% trong bối cảnh hiện nay cũng là phù hợp và nằm trong phạm vi thống đốc đã tuyên bố từ đầu năm, không có gì bất thường. Mức điều chỉnh này cũng không gây tác động nhiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Dũng cho biết.
Sẽ đổ xô đi gửi tiết kiệm?
Đại diện nhiều ngân hàng TMCP nhỏ cho biết, tạm thời ban lãnh đạo chưa quyết định có điều chỉnh lãi suất vì còn phải tính toán. Một số đơn vị cho biết nếu điều chỉnh giảm lãi suất huy động ngắn hạn sẽ phải có phương án để tăng lãi suất đối với kỳ hạn dài từ 6 tháng trở lên.
Về phía người dân nên đầu tư vào đâu? GĐ miền Nam Khối Ngân hàng bán lẻ VIB Huỳnh Trung Minh, chia sẻ: “Việc giảm lãi 0,5% trần lãi suất huy động là không đáng kể. Chẳng hạn một khách hàng gửi 500 triệu đồng nếu lãi suất giảm 0,5% thì chỉ mất vài trăm nghìn đồng/tháng. Số tiền lãi giảm không đáng kể để họ rút tiền chuyển qua kênh đầu tư khác. Hơn nữa, trong thời gian qua rất nhiều ngân hàng đang huy động với lãi suất 6,5%, thậm chí 6%.
Ngoài ra việc bỏ trần lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên cũng sẽ khuyến khích được khách hàng gửi tiền. Nghĩa là từ trên 6 tháng sẽ được áp dụng lãi suất thỏa thuận. Và trong bối cảnh này khi giá vàng đang trong xu hướng giảm, bất động sản đóng băng… thì gửi tiết kiệm vẫn là an toàn nhất”.
Đại diện một ngân hàng TMCP có trụ sở ở Hà Nội cho biết, khoảng 80% khách hàng có lượng tiền tiết kiệm từ 200 -300 triệu đồng, khi không có nhu cầu sử dụng mang tính chất tình huống hoặc chưa có kênh đầu tư khác thường chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài.
“Nay với việc các ngân hàng bị khống chế trần lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, khách hàng chắc chắn sẽ chuyển sang gửi kỳ hạn dài. Tới đây, các ngân hàng nhỏ đua lãi suất khó xảy ra, nhưng chắc chắn sẽ có cuộc chiến về khuyến mại huy động vốn nhằm giữ chân người gửi tiền”, vị này cho biết.
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, việc giảm lãi suất huy động USD nhằm củng cố niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam. Do đó cần tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất hợp lý giữa USD và VND. Thống đốc cũng khẳng định đưa ra lãi suất như thế nào là quyền chủ động của mỗi ngân hàng, dựa theo khả năng huy động và cho vay miễn tuân thủ trần quy định.
“Hệ thống vẫn chưa đồng đều nên nếu hạ trần lãi suất xuống 6,5%-7%, một số ngân hàng sẽ gặp khó. Duy trì như hiện nay giúp hình thành đường cong lãi suất, cho thấy rõ ngân hàng nào có tiềm lực được tiếp cận vốn giá rẻ hơn thị trường”, Thống đốc NHNN nói.
Ngày 27/6, NHNN công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ từ mức 20.828 đồng/USD lên 21.036 đồng/USD (tăng 1%). Với biên độ điều chỉnh này, giá USD sẽ có mức trần 21.246 đồng và mức sàn là 20.826 đồng/USD. |
Theo Tiền Phong