28/6 là phiên đấu thầu cuối cùng trước thời hạn các ngân hàng phải đóng hoàn toàn trạng thái huy động. 40.000 lượng, tương đương 1,5 tấn dự kiến được tung ra cho phiên cuối với mong muốn của nhà điều hành là cung ứng đủ lượng để các ngân hàng dứt nợ vàng.
Ngân hàng Nhà nước chưa công bố chính thức về dư nợ vàng của các ngân hàng, kể cả huy động và cho vay. Một nguồn tin có thẩm quyền cho hay, trước phiên đấu thầu cuối cùng, các ngân hàng đã tất toán khoảng 98% dư nợ huy động và còn không quá 10 tấn cho vay chờ ngày đáo hạn hợp đồng.
"Một vài tuần gần đây, các ngân hàng cũng tăng cường mua từ thị trường để tất toán, thay vì chỉ trông chờ vào nguồn đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước", nguồn tin này nói.
Theo dự báo của vị này, kể cả trong trường hợp các ngân hàng không tất toán nốt 2% dư nợ huy động còn lại, Ngân hàng Nhà nước cũng không gia hạn thêm một lần nữa. Với 10 tấn dư nợ cho vay, hầu hết đều nằm ở TP.HCM, chưa thể tất toán ngay vì thời hạn hợp đồng còn kéo dài.
"Các ngân hàng đang tích cực vận động khách hàng chuyển đổi từ vàng sang vay nợ bằng tiền đồng để tất toán sớm hơn. Lãi suất tiền đồng cũng đang khá hấp dẫn. Nhưng khách hàng còn chần chừ, nhất là khi chứng kiến diễn biến giá giảm nhanh như mấy ngày qua", nguồn tin này nhận định.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, mới 3 trong 7 đơn vị tại địa bàn thoát khỏi nghiệp vụ cho vay vàng. Một số đã kiến nghị gia hạn tới 31/12.
Còn khoảng 7 ngân hàng chưa dứt "nợ" cho vay vàng. |
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam cho biết nhà băng này đã hoàn tất hợp đồng với tất cả các khách hàng gửi vàng, chỉ còn một số khách hàng vay trung và dài hạn với dư nợ còn dưới 20.000 lượng.
Ông ước tính, với tốc độ mua gom vàng đấu thầu khoảng 3.000 - 4.000 lượng mỗi phiên như hiện nay, việc đóng trạng thái là trong tầm tay. "Mấy ngày nay Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cung bán nên việc các ngân hàng có thể mua gom thêm cũng dễ dàng hơn", ông Phước cho hay.
Đại gia vàng ACB hiện nay cũng đã thoát hoàn toàn dư nợ huy động vàng nhưng vẫn còn vướng dư nợ cho vay. Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) Đỗ Minh Toàn không tiết lộ số lượng nhưng khẳng định "còn rất ít" và sẽ cố gắng đảm bảo đúng lộ trình quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chia sẻ với hợp đồng cho vay vàng, theo nguyên tắc luật dân sự nếu hợp đồng còn hiệu lực thì vẫn phải tiếp tục duy trì. Bản thân ngân hàng chỉ có thể vận động khách hàng chuyển đổi qua tiền đồng nếu họ đồng ý còn không thì phải giữ nguyên trạng thái dư nợ vàng và tìm cách khác. "Tổng số dư nợ vàng cho vay tới thời điểm này của Sacombank còn khoảng 20.000 lượng", ông Khang nói.
Trong lịch sử, cơ chế ban hành từ 12 năm trước cho phép các ngân hàng mua, bán, huy động và cho vay bằng vàng, thậm chí chuyển đổi vàng ra tiền đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Thời hoàng kim, có lúc vàng chiếm 30-50% tổng tài sản của một ngân hàng. Và cũng có nhà băng lợi nhuận từ kim loại quý này lên đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng, đóng góp gần nửa thu nhập.
Tuy nhiên diễn biến giá thất thường 2 năm trở lại đây, cộng với những rủi ro trong nghiệp vụ kinh doanh vàng của ngân hàng, nhiều đơn vị thua lỗ tới hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng. Việc các ngân hàng vừa huy động, cho vay bằng vàng lại vừa kinh doanh được cho là nguyên nhân khiến thị trường trong nước nhiều phen biến động, ảnh hưởng tới tỷ giá. Ngân hàng Nhà nước có lộ trình để ngân hàng thương mại ngừng các nghiệp vụ liên quan tới huy động và cho vay vàng, bắt đầu từ tháng 5/2011 và 2 lần gia hạn tất toán.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngày 27/6, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu đúng hạn 30/6, các ngân hàng phải tất toán tài khoản và không gia hạn cho bất kỳ trường hợp nào.
Vào thời điểm bắt đầu lộ trình tất toán, tổng dư nợ của các ngân hàng lên tới hơn 160 tấn. Để hỗ trợ các đơn vị đóng trạng thái đúng lộ trình, Ngân hàng Nhà nước tăng cung thông qua các phiên đấu thầu. Sau 36 phiên, Ngân hàng Nhà nước đã tung ra thị trường 917.000 lượng, tương đương 35,3 tấn.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng sau ngày 30/6, bất kể giá vàng thế giới còn giữ đà giảm như hiện nay hay bật tăng, thị trường vàng tại Việt Nam sẽ có biến chuyển lớn. "Khi nhu cầu mua vàng của các ngân hàng không còn, lượng cung sẽ rất dồi dào và giá vàng có cơ hội giảm hơn và cách làm của Ngân hàng Nhà nước sẽ cho thấy hiệu quả", ông Thành phân tích.
Theo VnExpress