Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều 27/6, Thủ tướng đánh giá cao về cách điều hành thị trường vàng, giúp ổn định tỷ giá.
Tuy nhiên, nhìn hiện tượng dân mua vàng, có thể nói mục tiêu “chống vàng hoá” bằng chính sách độc quyền vàng miếng của ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đến đích. Trong cuộc tiếp xúc báo chí gần đây, phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng thừa nhận, người dân vẫn chưa quen với việc tiền đồng Việt Nam ổn định, phải làm cho người dân quen với việc này. Và đây không phải việc một sớm một chiều.
Nhìn hiện tượng dân mua vàng, có thể nói mục tiêu “chống vàng hoá” bằng chính sách độc quyền vàng miếng của ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đến đích.
|
Không ai dại gì bỏ tiền vào nơi mà mình biết chắc chắn sẽ thua lỗ. Vậy những người mua vàng hẳn vẫn hy vọng có lời, hoặc chí ít là bảo toàn giá trị. Và trong suy nghĩ của họ, vàng vẫn là lựa chọn tốt nhất trong các kênh đầu tư.
Tình trạng suy giảm kinh tế kéo dài từ 2008 đã khiến các nhà đầu tư tài chính có nhiều “cơ hội” trải nghiệm thất bại trong nhiều lĩnh vực đầu tư: Sản xuất kinh doanh khó khăn, nhà đất đóng băng, chứng khoán rủi ro cao, tiền đồng mất giá. Đôla Mỹ thì tuy có tăng nhẹ nhưng trong năm rưỡi nay, chính sách lãi suất đã khiến giữ đôla Mỹ không có lợi bằng tiền đồng. Trong bối cảnh đó, người giữ vàng sinh lợi cao nhất, khi vàng tăng giá liên tục nhiều năm. Và chuyện xu hướng vàng giảm giá diễn ra mới đây hẳn chưa đủ để người giữ vàng tin rằng mình sẽ thua lỗ.
Trong lúc đó, gửi tiết kiệm tiền đồng đã dần không còn hấp dẫn nhà đầu tư khi lãi suất liên tục giảm từ đầu năm. Và việc tiếp tục giảm lãi suất huy động cuối tuần qua được giới chuyên môn đánh giá là giới hạn điều chỉnh cuối cùng trong tình hình lạm phát hiện nay.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân sáu tháng tăng 6,73%, với mức lãi suất tiền gửi VND còn 7%/năm (cho các kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng), quyền lợi người gửi tiền bị thu hẹp. Cần biết là liên tiếp các năm 2011, 2012, tiết kiệm VND được xem là kênh sinh lợi khi các kênh khác bế tắc. Lựa chọn này giảm hấp dẫn thì lựa chọn khác lên ngôi.
Dù vậy, việc người dân mua vàng trong bối cảnh “dao rơi” vừa qua sẽ phải đối mặt rủi ro cao trước chính sách chống vàng hoá. Sau khi các ngân hàng hoàn tất tất toán vàng, việc giá trong nước sẽ tiếp tục giảm là có cơ sở.
Thời gian qua, dù ngân hàng Nhà nước ấn định giá đấu thầu cao, các ngân hàng thương mại vẫn buộc phải mua, tạo sức cầu giá cao. Hoàn thành tất toán, lực mua này không còn trong khi ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục đấu thầu để đáp ứng cung cho thị trường, đưa giá giảm xuống.
Ngay cả trường hợp ngân hàng Nhà nước tiếp tục dùng vị thế độc quyền để cung vàng với giá cao nhằm tăng thu cho ngân sách nhà nước, người giữ vàng cũng khó kỳ vọng giá trong nước tăng để có lời, nếu diễn biến giá thế giới tiếp tục xu hướng giảm như dự báo của các chuyên gia.
Từ tháng 3, khi ngân hàng Nhà nước khởi động đấu thầu vàng, khoảng cách giá trong nước và thế giới tuy có tăng cao, nhưng giá vàng vẫn giảm theo xu thế chung của thế giới.
Tóm lại, đến nay người dân vẫn muốn giữ vàng và chính sách chống vàng hoá chưa đến đích, dù chính sách này rất bất lợi cho người giữ vàng. Việc chống vàng hoá sẽ hiệu quả hơn khi đồng tiền ổn định, kinh tế khởi sắc, có nhiều kênh hấp dẫn cho lựa chọn đầu tư của người dân.
Theo SGTT