Quốc gia sở hữu nhiều chỉ số thuộc hàng Top đầu
Na Uy sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú gồm: Dầu mỏ, thủy năng, đánh cá, lâm nghiệp và khoáng chất. Na Uy là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn cao nhất thế giới bởi có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên so với quy mô dân số.
Na Uy, quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 7 thế giới, là “sự thèm muốn” của nhiều quốc gia Tây Âu. Nền kinh tế nước này ghi dấu mức tăng trưởng 3,4% trong năm 2012 và sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm 2013; 2,75% trong năm 2014 (theo dự kiến của Ngân hàng Trung ương Na Uy).
Hiện, Na Uy đang “chất tiền vào két”, khi thặng dư ngân sách của quốc gia đang ở mức 11% GDP, dự trữ 700 tỷ USD tiền mặt, và nguồn quỹ dành cho hoạt động phúc lợi xã hội lên tới 720 tỷ USD (tương đương 140.000 USD tính bình quân trên đầu người).
Na Uy cũng sở hữu mức GDP trên đầu người đứng thứ hai và GDP (sức mua tương đương) trên đầu người đứng thứ ba thế giới, và luôn duy trì được vị trí số một thế giới trong bảng Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của UNDP trong nhiều năm liên tục. Chi phí cuộc sống tại Na Uy cao hơn ở Mỹ khoảng 30% và 25% so với Anh.
Riêng hoạt động phúc lợi xã hội, từ cuối những năm 1990, Na Uy liên tục tích nguồn tiền từ dầu mỏ vào một khoản ngân quỹ dùng để hào phóng chi cho phúc lợi xã hội về lâu dài. Tháng 1/2006, quỹ có giá trị 200 tỷ USD chiếm 70% GDP Na Uy. Trong nửa đầu năm 2007, quỹ hưu trí trở thành quỹ lớn nhất ở châu Âu, tổng cộng khoảng 300 tỷ USD, tương đương hơn 62.000 USD/người. Những con số ước tính thận trọng cho rằng, quỹ này có thể đạt mức 800-900 tỷ USD vào năm 2017. Tuy nhiên, nguồn quỹ này lại chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu bất động sản và gửi tại nước ngoài. Và để đảm bảo rằng nguồn quỹ này không ngừng phát triển, Chính phủ không được rút quá 4% giá trị ngân sách mỗi năm (đây cũng là khoản lợi nhuận có được từ đầu tư).
Dân trở nên lười biếng
Mặc dù, tăng trưởng kinh tế Na Uy đang dịu dần, nhưng thực tế núi tiền công chồng chất hiện nay lại gây ra tình trạng bất ổn.
Sự bùng nổ của khu vực kinh tế dầu mỏ đã đẩy mức lương lên quá cao. Hiện, chi phí tiền lương đã tăng 63% kể từ năm 2000, cao gấp 6 lần so với ở Đức hoặc Thụy Điển. Lương cao, cộng với khoản phúc lợi xã hội hào phóng của Chính phủ đã khiến người lao động… lười đi. Tỷ lệ thất nghiệp ở đây không quá 3%, nhưng rất nhiều người xin giảm giờ, thích công việc bán thời gian. Họ không cần phải làm việc quá nhiều mà dành thời gian cho gia đình và bản thân. “Tại sao tôi phải làm việc nhiều hơn khi tiền lương cao, các khoản phúc lợi xã hội nhiều?” - Elise Bakke, 36 tuổi, người mới đây đã cắt giảm ngày công việc của mình tại một công ty viễn thông lớn đến 6 giờ nói.
Chính phủ mới đây cảnh báo, nếu số giờ lao động không tăng 10%, họ sẽ phải dùng đến tiền tiết kiệm. Ngân hàng Trung ương nước này chỉ trích, rốt cục mô hình phúc lợi xã hội của Na Uy chỉ khuyến khích người dân rời bỏ thị trường lao động.
“Số giờ làm việc toàn thời gian tại Na Uy đã giảm 270 giờ/năm kể từ năm 1974. Người dân nên làm theo Iceland và làm việc thêm 100 giờ mỗi năm”, Jostein Hansen, Giám đốc bộ phận chính sách việc làm tại Hospitality Association nước này, cho biết.
Không chỉ cắt giảm số giờ làm việc, hiện Na Uy đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu lực lượng lao động, đặc biệt là trong ngành Dầu khí. Aker Solutions, Công ty dịch vụ dầu khí hàng đầu của quốc gia, sẽ tuyển 4.000 kỹ sư trong năm nay, nhưng chỉ có 1/3 là người Na Uy. Họ phải đến các trung tâm kỹ thuật lớn tại Kuala Lumpur, London và Mumbai để tuyển các công nhân lành nghề.
Tiêu tiền thế nào?
Quá mạnh tay chi cho phúc lợi xã hội khiến nhiều lĩnh vực bị Chính phủ bỏ quên. Trước cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra vào ngày 9/9/2013, lãnh đạo các đảng phái tranh luận khá gay gắt về giải pháp chi tiêu Chính phủ.
Vấn đề quan trọng trong các cuộc đàm phán không phải là đề xuất nâng mức chi tiêu lên hơn 4% ngân sách mỗi năm mà là việc chi vào đâu và chi như thế nào. Giải pháp được đảng đối lập mạnh mẽ đưa ra là chính sách kinh tế có trách nhiệm, chi nhiều hơn cho lĩnh vực giáo dục, nghiên cứu và cơ sở hạ tầng, đặt nền tảng cho phát triển tương lai và mang lại nguồn lại cho đất nước về trung hạn thay vì vung tiền phúc lợi.
Theo ANTĐ