Bản quyền truyền hình bóng đá World Cup 2014 tại Việt Nam đang nóng lên từng ngày nhưng không mấy người hiểu được bản chất câu chuyện phức tạp này. Để có thêm một góc nhìn chi tiết hãy nghe tiếng nói của một chuyên gia - ông Võ Thái Dương (Sunny Vo) – nguyên đại diện của MP&Silva trong 2 năm (2010 - 2011) và hiện tại đang làm đại diện cho Tập đoàn công nghệ truyền hình Verimatrix (Mỹ).
Ông Võ Thái Dương (Sunny Vo) – nguyên đại diện của MP&Silva. |
“MP&Silva lần này đang ôm rủi ro lớn”
- World Cup 2014 đã cận kề trong khi chưa có đài truyền hình nào mua được bản quyền truyền hình (BQTH). Theo ông, liệu MP&Silva - đơn vị nắm giữ BQTH World Cup trên lãnh thổ Việt Nam - có bán được cho các nhà đài Việt Nam hay không, nếu có họ sẽ thu về được 10 triệu USD như mong muốn?
- World Cup diễn ra vỏn vẹn trong một tháng, không thể sánh được Premier League kéo dài hơn 8 tháng. Như vậy, việc phải chi ra số tiền vài tỷ đồng cho mỗi trận để mua về BQTH World Cup rất rủi ro.
Ngoài ra, do thời gian diễn ra trận đấu là lúc rạng sáng theo giờ Việt Nam nên các nhà đài khó bán quảng cáo. Như vậy, MP&Silva đang nhức đầu lắm đây và chắc là không bán được với giá như họ mong muốn.
Mặt khác, World Cup 2014 kỳ này MP&Silva chỉ nắm BQTH ở Việt Nam và một thị trường khác, nên cũng không thể cân đối, san sẻ cho nhau được. Đó cũng là một cái khó của họ.
- Vậy là con bài tẩy của họ đã lộ. Theo ông, liệu có khả năng họ phải bán tống bán tháo thậm chí cho không các nhà đài Việt Nam?
- Các bên kiểu gì cũng sẽ tìm ra giải pháp. Ví dụ: phí vệ tinh trả tiền mặt, phí bản quyền thì tôi (nhà đài) trả anh (MP&Silva) bằng quyền quảng cáo trên sóng truyền hình, hoặc tôi trả anh bằng này tiền cho gói World Cup còn anh phải khuyến mại cho tôi vài ba giải ít “hot” kèm theo cam kết điều kiện như theo kiểu xôi kèm lạc. VTV có thể làm đầu mối đàm phán, đứng ra ôm hết nhưng không độc quyền mà chia sẻ theo gói trận.
Ví dụ: từ vòng tứ kết trở vào thì bán cho các đài khác; các đài không lấy lại sóng của VTV nữa, họ bỏ tiền trả bản quyền và được kinh doanh quảng cáo. Tóm lại, MP&Silva có nhiều cách để bán và kiểu gì cũng bán được BQTH World Cup 2014 ở Việt Nam nên người hâm mộ cứ yên tâm, họ không bị mất World Cup đâu mà lo.
- Nhưng có tin cho rằng FIFA luôn yêu cầu các đơn vị nắm BQTH phải đưa các trận đấu WC đến càng nhiều khán giả hâm mộ càng tốt?
- Không có chuyện MP&Silva bỏ ra một đống tiền để phát cho mình xem miễn phí được. Còn chuyện Việt Nam yêu cầu FIFA ép MP&Silva bán BQTH World Cup 2014 với giá rẻ cũng không khả thi. Nói thẳng chuyện đó không bao giờ xảy ra đâu. FIFA có yêu cầu nhưng không bắt buộc.
MP&Silva đã bỏ tiền ra mua thì đó là sản phẩm của họ, họ không thể cho không được, còn bán rẻ cũng phải cân đối nhiều yếu tố. Họ phá sản hoặc lỗ chỏng gọng ra đó thì lần sau còn ai dám bỏ tiền ra mua BQTH của FIFA, UEFA hay Premier League, La Liga… nữa.
Trong kinh doanh lúc lãi lúc lỗ là bình thường. Hồi năm 2010, đơn vị nắm BQTH World Cup tại VN là công ty Dentsu của Nhật Bản cũng đổi quảng cáo rồi sau đó Dentsu nhờ VTV bán hộ quảng cáo, mỗi spot quảng cáo 30 giây giá dăm bảy chục ngàn USD nhưng cũng lỗ tiền triệu USD. Sport Five hồi phân phối BQTH EURO 2012 lãi ở thị trường toàn cầu nhưng cũng phải chấp nhận lỗ ở thị trường Việt Nam.
Nhiều năm tìm hiểu về bản quyền truyền hình, Ông Võ Thái Dương nhận định các đài truyền hình Việt Nam chưa đủ kiến thức và am hiểu lĩnh vực này. |
“Các nhà đài Việt Nam chưa đủ sức mua BQTH trực tiếp”
- Rất nhiều năm qua các nhà đài Việt Nam không tìm được tiếng nói chung, thậm chí kể cả khi Hiệp hội Truyền hình trả tiền ra đời. Dưới góc độ của một chuyên gia trong lĩnh vực BQTH, ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
- Nếu các nhà đài Việt Nam ngồi lại bàn bạc, bắt tay thống nhất thay vì toàn “tự bắn vào chân mình” như hiện nay thì câu chuyện cũng không quá phức tạp. Mình có thể thuê MP&Silva tư vấn, đại diện bỏ thầu BQTH World Cup, EURO hay Premier League rồi trả phí cho họ. Đằng này, Việt Nam để MP&Silva mua về rồi bán lại nên kiểu gì họ cũng có cách ép mình được.
- Theo ông, liệu các Đài truyền hình có thể tham gia đấu thầu trực tiếp với các BTC giải sau đó về tái phân phối trong nội bộ được không?
- Mình không tự bỏ thầu trực tiếp được đâu, chủ yếu do thương hiệu, uy tín quốc tế chưa có. Doanh số mỗi năm của MP&Silva, IMG hàng trăm triệu hay 1 tỷ USD nên mới có cái để đảm bảo tài chính chứ nhỡ ông trúng thầu rồi “bùng” và mang luật Việt Nam ra cãi nhau thì BTC các giải thua thiệt nặng.
Ngoài ra, các đơn vị Việt Nam cũng không có người am hiểu các thể lệ đấu thầu quốc tế. Vấn đề này cần đội ngũ thực hiện am hiểu cùng lúc 3 vấn đề: chuyên môn truyền hình, kinh tế và pháp lý mới có thể đàm phán được. Một bản hợp đồng dài hàng trăm trang với rất nhiều điều khoản phức tạp, chưa kể còn bị cài cắm về câu chữ hay kiến thức.
- Tóm lại là vẫn nằm ở sự am hiểu và trình độ kiến thức ở lĩnh vực BQTH ?
- Đúng. Cá nhân tôi, hoạt động trong lĩnh vực bản quyền truyền hình 10 năm nay cũng còn lơ mơ về nhiều thứ. FPT phải thuê công ty nước ngoài làm đại diện bỏ thầu để có được BQTH World Cup 2006. AVG và Viettel cũng làm điều tương tự khi tham gia đấu thầu BQTH Premier League mùa giải 2009-2012 và 2013-2016.
Ngay cả chuyện được coi là kiến thức cơ bản cũng có mấy nhà đài am hiểu đâu. Ví dụ: phí kỹ thuật hay còn gọi là phí vệ tinh 2.500 USD/trận, như vậy một mùa giải Premier League lên tới hàng triệu USD. MP&Silva rất “dã man” khi chỉ trả tiền phí truyền tín hiệu về vệ tinh ở châu Á có một lần nhưng lại bán cho 6 nhà đài Việt Nam.
Tôi từng tư vấn cho các nhà đài đàm phán với MP&Silva là: “Tôi không cần biết, tôi chỉ trả một cục và một lần cho toàn bộ những cái gọi là phí vệ tinh trong một mùa, còn việc thu và phát bao nhiêu trận trực tiếp là chuyện của tôi”. Kết quả là phí vệ tinh cho mỗi vòng đấu của mỗi nhà đài chỉ có 5.000 USD, tiết kiệm được một khoản tiền khổng lồ.
“Việt Nam vẫn là mỏ vàng trong 5-10 năm tới”
- Trở lại câu chuyện giá BQTH ở Việt Nam tăng phi mã và có chút gì đó rất “điên rồ”. Lý do chính là gì?
- Nguyên nhân giá BQTH tăng phi mã là do các nhà đài cả thôi. Không phải do chuyện thu nhập bình quân đầu người theo GDP của Việt Nam tăng nên họ tăng giá đâu. Myanmar có thu nhập bình quân đầu người rất thấp nhưng giá mua BQTH Premier League, World Cup vẫn ở mức cắt cổ. MP&Silva hay IMG chỉ căn cứ vào số tiền họ bán được cho nhà đài các năm trước cùng số tiền họ phải bỏ ra để mua lần này làm cơ sở phát giá.
Các nhà đài Việt Nam chấp nhận không mua một hoặc hai năm đi xem sao, sẽ ép ngược trở lại các đơn vị kinh doanh BQTH được ngay. Ngoài ra, MP&Silva hay IMG phải mua từ đầu nguồn giá cao nên họ phải bán cao. Bây giờ lương cầu thủ Premier League lương cao ngất ngưởng như thế, FIFA và UEFA tăng tiền thưởng cho WC, EURO rồi bồi thường tiền cho các CLB nếu cầu thủ của họ bị chấn thương khi làm nhiệm vụ ở ĐTQG…., tất cả những cái đó đương nhiên cũng tính cả vào giá của BQTH.
Ông Võ Thái Dương: "Các nhà đài Việt Nam chấp nhận không mua một hoặc hai năm đi xem sao, sẽ ép ngược trở lại các đơn vị kinh doanh BQTH được ngay". |
- Liệu bao giờ Việt Nam không còn tình trạng ì xèo về việc giá BQTH tăng theo cấp số nhân, khiến người “chịu trận” cuối cùng vẫn là khán giả?
- Cứ như hiện nay tình hình chỉ leo thang thôi, thậm chí tôi chưa thấy điểm dừng ở đâu cả. Các thị trường ổn định, mang tính truyền thống thì mức tăng thấp, như Singapore, Hong Kong còn các thị trường mới nổi như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar… tốc độ tăng nhanh hơn, 50 hay 100% mỗi năm. Tóm lại là vẫn tăng, kể cả khi Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc) đã phải trả tiền BQTH cho Premier League hàng trăm triệu USD từ nhiều năm nay rồi.
Thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam mới có vài triệu thuê bao đã sôi động như thế rồi, trong khi dung lượng thị trường là 22 triệu hộ dân tức là bây giờ chỉ mới lấp được 15%. Các nhà đài không tìm được tiếng nói chung, không đoàn kết chính là một điểm mà các nhà phân phối BQTH sẽ lợi dụng được.
Tiền BQTH các giải bóng đá quốc tế ở Việt Nam gần đây:
+ World Cup 2006: 2 triệu USD + Euro 2004: 1 triệu USD + Premier League 2008-2010: 4 triệu USD |
Theo Bóng đá và Cuộc sống