Manchester United và câu chuyện thương hiệu trong bóng đá

Thứ tư, 16/04/2014, 08:35
Người hâm mộ Manchester United mới nhật một tin buồn: Họ chính thức trở thành cựu vô địch Premier League. Nhưng lập tức, có một tin vui: Dù thành tích thi đấu bết bát, Manchester United vẫn vô địch… kiếm tiền.

Không cao nhưng thiên hạ phải ngước nhìn

Nói Manchester United “không cao” không có ý nói về đẳng cấp hay ảnh hưởng của CLB này mà chỉ là vị trí của họ đang thấp lè tè trong BXH giải Premier League. Sau triều đại Alex Ferguson, Manchester United trong tay Davis Moyes cho thấy một hình ảnh khác hẳn: Thiếu uy lực, dũng mãnh. Con hổ đã trở thành con mèo dễ bắt nạt.

Tuần rồi, khi Liverpool leo lên ngôi đầu BXH Premier League thì khoảng cách Liverpool với Manchester United đã lên 17 điểm khi giải đấu chỉ còn 6 vòng. Điều này đồng nghĩa với việc Manchester United đã chính thức giã từ ngôi vô địch.

Thế nhưng, điều này có vẻ như không khiến các ông chủ của Manchester United lo lắng, họ đã biết trước, thậm chí “dự trù” ít nhất 1 - 2 năm thành tích của CLB này có thể “bết bát ở mức cho phép”. Điều lo ngại là khả năng kiếm tiền của CLB này. Song thật may, thương hiệu Manchester United mạnh tới mức họ vẫn tìm cách kiếm ra tiền đều đều…

Một con số thống kê mới tiết lộ, Manchester United là CLB có số lượng áo đấu tiêu thụ lớn nhất thời gian vừa qua. Trong năm 2013, đã có 1,4 triệu áo của Manchester United được bán ra. Con số này tương đồng với CLB Hoàng gia Tây Ban Nha Real Madrid. Trong Top 10 CLB bán được áo nhiều nhất gồm Barca (1,15 triệu áo), Chelsea (900 ngàn áo), Bayern (880 ngàn áo), Liverpool (810 ngàn áo), Arsenal (800 ngàn áo)…

Nên nhớ, mỗi áo Manchester United được bán với giá trung bình 50 bảng Anh, như vậy riêng tiền áo, CLB này đã thu về 70 triệu bảng Anh, tương đương 100 triệu USD trong năm qua.

Tháng 3/2014, Manchester United đã khiến cả thế giới kinh ngạc khi ký hợp đồng ghi nhớ với hãng thể thao Nike một hợp đồng lên tới 600 triệu USD kéo dài trong 10 năm. Bản hợp đồng của Manchester United với Nike gần gấp đôi kỷ lục hiện tại do Real nắm giữ là 40 triệu USD/năm nhận được từ Adidas - đối thủ của Nike. Ngoài bản hợp đồng với Nike, vào năm sau Manchester United còn nhận 35 triệu bảng/năm từ phía Chevrolet, hãng sẽ thay Aon trên áo đấu của họ.

Hiện, Manchester United vẫn là một trong những thương hiệu đắt giá nhất hành tinh. Theo các chuyên gia thì giá trị thương hiệu của M.U tính đến thời điểm này đã là 2,5 tỷ USD, cao hơn giá trị thương hiệu của giải Champions League và ngang với giá trị thương hiệu FIFA World Cup.

Thành tích có phải là điều quyết định?

Ông Nguyễn Đức Sơn - một NHM Manchester United tại Việt Nam hiện đang là Giám đốc Chiến lược thương hiệu cho công ty tư vấn hình ảnh thương hiệu Richard Moore Associates đã chia sẻ rằng:

“Theo suy luận logic thông thường, một câu lạc bộ “đắt giá” nhất phải là câu lạc bộ thành công nhất trên sân cỏ và có nhiều ngôi sao sân cỏ nhất. M.U dù là CLB có thành tích tốt nhất nước Anh nhưng trên bình diện châu lục, họ còn thua xa Barca, Real hay Munich, Milan. Mặt khác, Manchester United cũng thiếu những siêu sao thực sự thu hút truyền thông. Rooney, Van Persie không thể bằng những ngôi sao từng khoác áo MU như Beckham, Ronaldo trên phương diện truyền thông. Tuy nhiên Manchester United vẫn kiếm tiền đều đều vì có một thương hiệu quá mạnh”.

Giới chuyên gia thương hiệu đánh giá: Một thương hiệu mạnh phải là một thương hiệu có giá trị thương hiệu hội đủ bốn yếu tố cơ bản: Nhận thương hiệu biết cao, hình ảnh thương hiệu độc đáo, có “chất lượng theo cảm nhận” tốt và phải có khách hàng trung thành.

“Chỉ cần cái tên, Manchester United từ lâu đã vượt xa ra khỏi biên giới của môn thể thao vua và lĩnh vực thể thao nói chung - ông Sơn đánh giá - sự quen thuộc của cái tên này khiến ngay cả với rất nhiều người dù chưa bao giờ biết quả bóng tròn hay méo đều biết tới. Ngoài ra Man United còn sở hữu những thương hiệu đặc biệt khác như Quỷ đỏ, Nhà hát của những giấc mơ… Gần đây, dù thành tích của M.U có suy giảm nhưng sức mạnh và lực hút của United chỉ bị giảm phần nào chứ không phải có “sự thay đổi về chất”.

Triết lý chơi bóng vẫn còn đó, bản sắc “Quỷ đỏ” vẫn được duy trì. Độ vênh về “chất lượng thật” và “chất lượng theo cảm nhận” là có nhưng không đủ làm nên “cách mạng” về thay đổi nhận thức.

Ngoài ra, sự cảm nhận của khách hàng (người xem bóng đá) với sản phẩm (Man United) thường cảm tính và bị chi phối bởi ấn tượng ban đầu. Họ “phải lòng” thương hiệu United vì vẻ đẹp cống hiến và không dễ gì làm họ thay đổi quan niệm này trừ khi có một sự thay đổi đột biến phong cách và con người của thương hiệu này.

Nhưng điều quan trọng, vẫn là lượng khách hàng trung thành, M.U hiện là CLB có lượng fan lớn nhất thế giới hiện nay. Riêng tại Việt Nam, theo đánh giá của bộ phận makerting Manchester United có tới 2,4 triệu fan M.U tại Việt Nam.

Không phải vô cớ mà BIDV hay Beeline trước đây bỏ rất nhiều tiền để hợp tác làm ăn với Manchester United trên cơ sở thương hiệu cực mạnh của M.U và cộng đồng fan rất lớn của CLB này tại Việt Nam.

Theo Lao động

Các tin cũ hơn