Đoàn thể thao Việt Nam cuối cùng cũng có chiếc HCV đầu tiên ở ASIAD 17 sau màn trình diễn chói sáng của cô gái vàng môn Wushu Dương Thúy Vi, sau khi đạt số điểm rất cao ở cả hai bài thi Kiếm thuật và Thương thuật.
Điều đáng nói là ở nội dung này không có VĐV nào của Trung Quốc tham gia tranh tài nên cơ hội vàng đã đã đến với nữ võ sĩ biểu diễn của Hà Nội. Đây cũng là tấm HCV wushu đầu tiên của thể thao Việt Nam tại đấu trường ASIAD, mặc dù trước đó nhiều thế hệ VĐV Wushu của Việt Nam đã từng vô địch thế giới.
Sau những lần “hụt vàng” đáng tiếc của Thạch Kim Tuấn và Nguyễn Hoàng Phương trong ngày thi đấu đầu tiên, đoàn Việt Nam tiếp tục hành trình “săn vàng” tại sân chơi châu lục với hy vọng được dồn vào các môn bơi lội, bắn súng và cầu mây, nhưng môn wushu mà đại diện là Dương Thúy Vi đã mang về tấm HCV đầu tiên cho VN sau màn trình diễn chói sáng.
Với điểm số rất cao ở hai phần thi (Thương thuật 9.70 điểm, Kiếm thuật 9.71), Thúy Vi đạt tổng điểm 19.41 và xuất sắc dẫn đầu, xếp trên đối thủ người Macau Li Yi (19.39 điểm).
Cô gái 21 tuổi (sinh 11/5/1993) người Hà Đông từng giành rất nhiều huy chương ở các giải Đông Nam Á, giải trẻ châu Á, trẻ thế giới, đại hội thể thao châu Á trong nhà... Tuy nhiên chiếc HCV ASIAD lần này mới chính là thành tích đáng nể trong sự nghiệp của Thúy Vi.
Trong bộ sưu tập của mình, Thúy Vi đã có được gần 60 huy chương các loại. Trong đó đáng kể nhất vẫn là HCV giải trẻ Thế giới, HCV giải trẻ châu Á, HCV Asian Indoor Games, HCV Đại hội TQ, HCV giải trẻ TQ, HCV Liên hoan võ thuật truyền thống Thế giới.
Thúy Vi có cá tính độc lập và mạnh mẽ từ khi còn nhỏ. Ảnh: VSI
Dương Thúy Vi cũng là người đầu tiên mang về chiếc HCV SEA Games 27 năm 2013 cho Đoàn thể thao Việt Nam. Còn nhớ tại SEA Games 27, Thúy Vi cũng giải cơn khát vàng cho đội tuyển wushu, nhưng cảm giác lần này khác biệt hoàn toàn.
Thúy Vi đã bật khóc khi biết mình là người có số điểm cao nhất. Vậy là lần thứ 2 liên tiếp, Dương Thúy Vi vinh dự trở thành vận động viên giành tấm huy chương vàng đầu tiên cho thể thao nước nhà trên trường quốc tế.
Thúy Vi có cá tính độc lập và mạnh mẽ từ khi còn nhỏ. Năm 2008, bị chấn thương dây chằng khá nặng, đầu gối đi cứ lạch cạch nhưng không chịu bỏ, vẫn theo môn wushu. Câu nói nổi tiếng của Vi nói với mẹ là: “Con chỉ thích nghề đánh đấm này thôi”. Bạn bè đặt biệt danh cho cô là Vi “tỏi” (không phải vì thích ăn tỏi mà hay có kiểu búi tóc củ tỏi). Sở trường: Trường quyền.
Hồi Thúy Vi 8 tuổi, có người anh họ đi tập wushu. Thầy giáo wushu đến nhà, thấy Thúy Vi có tố chất, liền cho Vi làm một bài kiểm tra nhỏ: “Thầy bảo cháu chụm chân rồi thử nhảy xa 1-2 lần. Thế là Vi nhảy, lần thì được 1,4 m, lần được 1,5 m”. Hồi 3 tuổi, Vi đã bắt chước động tác tập môn… Thiếu Lâm của bố là ông Dương Văn Thắng, người đã luyện tập Thiếu lâm từ khi trẻ.
Trong quá khứ, do học hành giảm sút, mẹ Vi là bà Nguyễn Thị Hoa từng có ý định cho con nghỉ thi đấu wushu. Nhưng nhờ các HLV khuyên và động viên, mẹ Vi đã đổi ý và để cô tiếp tục sự nghiệp võ thuật của mình. Nếu không, đã không có một Thúy Vi Wushu như ngày nay.
Hoàng Quý Phước thua chính mình Cuối chiều hôm qua, kình ngư Hoàng Qúy Phước chỉ về đích thứ 7 ở nội dung chung kết 200m tự do nam với thành tích 1:50.42. Kết quả này kém xa thành tích mà Phước lập tại Giải vô địch Đông Nam Á 2014 là 1:49.69. Trước đó, đội cầu mây nữ Việt Nam chỉ giành HCĐ do thua Lào 0-2 tại bán kết nội dung đấu đôi. Như vậy, kết thúc ngày 21/9, Đoàn TTVN đã có 1 HCV, 2 HCB, 4 HCĐ tạm xếp thứ 6 trên bảng tổng sắp. |
Theo Tiền Phong