Đó thực sự là vấn đề mà cầu thủ cũng như các nhà xuất bản ký hợp đồng với họ trăn trở.
Roy Keane đã có một loạt tiết lộ gây sốc trong cuốn tự truyện thứ hai của mình, The Second Half.
Không sốc, xếp xó
Những năm gần đây, viết tự truyện đã trở thành trào lưu trong giới quần đùi áo số. Cầu thủ về hưu viết tự truyện, ngôi sao đang thi đấu cũng tham gia. Thị trường này còn thu hút cả giới huấn luyện viên và những người giữ chức vụ cao trong làng bóng đá. Tự truyện nhiều nhan nhản nhưng không phải cuốn nào cũng được công chúng đón nhận.
Điển hình cho thất bại trong việc ra tự truyện là hai cựu danh thủ của Man United: Ryan Giggs và Paul Scholes. Sự nhàm chán bao trùm tự truyện của Giggs khi anh chỉ kể lê thê chuyện “Một cầu thủ muốn thành công liên tục trong 20 năm phải biết liên tục cố gắng”. Tự truyện của Paul Scholes thì chẳng có bất cứ điểm nhấn nào ngoài việc anh không thích chiếc áo sân khách màu xanh của Man United.
Cuốn “Totally Frank” của Frank Lampard hay cuốn “My Defence” của Ashley Cole cũng ra mắt đầy ảm đạm bởi nó xoay quanh những câu chuyện đã quá quen thuộc với người hâm mộ.
“20 bảng cho cuốn sách nói về lòng trung thành, con đường thành công ư? Độc giả thà đọc nó qua báo chí còn hơn bỏ tiền mua sự nhàm chán”- nhà báo Kevin Mitchell của The Observer nhận định. Theo ông, để thành công tự truyện phải đánh vào tâm lý tò mò của độc giả bằng cách phơi bày những bí mật động trời sau cánh cửa phòng thay đồ.
Roy Keane “tấn công” quyết liệt thầy cũ Alex Ferguson trong cuốn tự truyện có tên “The Second Half”, mô tả Sir Alex là một người chỉ biết dùng bóng đá như một công cụ kinh doanh tên tuổi. Anh còn khiến người hâm mộ sốc khi tiết lộ về vụ đánh nhau với Peter Schmeichel trong tour du đấu châu Á 1997.
Trong khi đó, tự truyện của Zlatan Ibrahimovic gây chú ý với những chia sẻ của anh về thầy cũ Pep Guardiola. Tiền đạo Thụy Điển phơi bày những mâu thuẫn khi còn thi đấu cho Barca và gọi Guardiola là “thằng hèn”. Rio Ferdinand cũng dùng cách tương tự khi công kích HLV David Moyes.
Bằng những câu chuyện giật gân đó, tự truyện của họ đã thu về thành công nhất định. Trong kho sách của Amazon hạng mục “Tự truyện giới cầu thủ”, sách của Keane đang bán chạy nhất với giá chưa đến 20 bảng Anh.
Tiền bạc và danh tiếng
Không phải cầu thủ nào cũng có hứng (hay khả năng) viết tự truyện. Rất nhiều trường hợp dự định đến từ nhà xuất bản và cầu thủ chỉ cần thả mình vào quy trình, dựa dẫm hoàn toàn vào người viết thuê (ghostwriter).
Rio Ferdinand, Steven Gerrard, Ashley Cole, Frank Lampard và Wayne Rooney giao phó tác phẩm của mình cho những cây bút Shaun Custis, Henry Winter, Paul Joyce, Steve Dennis, Ian McGarry và Hunter Davies. Tự truyện của Gerrard, bán chạy nhất thời điểm 2006, thậm chí còn được tạo nên bởi sự kết hợp tài năng giữa hai cây viết Winter và Joyce.
Trong quy trình này, bản thân cầu thủ sẽ nhận được 30% tiền thu về từ việc kinh doanh sách của họ. Khoản tiền này chẳng đáng là bao so với thu nhập hàng triệu bảng mỗi tháng của họ. Nhưng vì lý do nào cầu thủ vẫn chấp nhận rủi ro thất bại khi bắt tay ký hợp đồng với các nhà xuất bản?
Một người làm trong ngành xuất bản tại Anh đã giải đáp thắc mắc này với The Guardian: “Họ không cần tiền. Điều họ cần là quyền được khoe khoang. Ít nhất họ muốn bằng người khác hoặc hơn. Vì thế đứng trước những đề nghị họ không biết làm thế nào để từ chối. Hơn nữa, việc ra tự truyện lấy của họ rất ít thời gian”.
Patrick Barclay, phóng viên thể thao từng đoạt giải thưởng của tờ Sunday Telegraph, cho biết nhà xuất bản của ông rất hài lòng với việc bán được 30.000 bản bìa cứng của cuốn sách ông viết về Jose Mourinho. Với các nhà xuất bản, quan điểm của họ là một tên tuổi nổi tiếng sẽ giúp các đầu sách bán chạy hơn là văn bản chất lượng. Nhưng không hẳn.
Các nhà phê bình cho rằng một trong những yếu tố quan trọng giúp tự truyện của Ibrahimobvic thành công là lối kể chuyện hấp dẫn của nhà văn, nhà báo David Lagercrantz. Ít tháng sau khi ra mắt, “I Am Zlatan” đã được đề cử giải thưởng văn chương của Thụy Sỹ - khiến số lượng phát hành tăng vọt.
Theo TT&VH