AVG chưa công nhận tính kế thừa của VPF đối với hợp đồng bản quyền truyền hình. Nói một cách chính xác là họ chưa công nhận việc VFF chuyển giao hợp đồng cho VPF.
Cuối năm 2010, VFF đã ký hợp đồng bán độc quyền bản quyền truyền hình các giải đấu V.League, giải hạng Nhất, Cup Quốc gia và cả Siêu cúp quốc gia cho Công ty CP Viễn thông và Truyền thông An Viên (AVG) trong thời hạn 20 năm.
Khi Công ty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) ra đời và đi vào hoạt động với nhiệm vụ tổ chức và điều hành các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp của mùa 2012, họ muốn đàm phán lại hợp đồng này với AVG.
Trên thực tế, trong công văn gửi AVG vào hôm qua, VPF thông báo họ đã được VFF bàn giao hợp đồng về bản quyền truyền hình mà trước kia VFF đã ký với AVG. Đồng thời VPF muốn thương thảo với AVG về 2 nội dung: Thứ nhất, VPF muốn tách riêng hợp đồng bản quyền các giải đấu do họ tổ chức. Thứ hai, với những hợp đồng này, VPF chỉ muốn thời hạn là 3 năm và có giá trị tối thiểu là 10 tỷ đồng.
AVG “sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình” nếu VFF đơn phương chuyển giao hợp đồng bản quyền truyền hình cho VPF. Ảnh: TTX.
Bên cạnh đó, đại diện VFF cũng đã gặp trực tiếp lãnh đạo AVG vào hôm qua về vấn đề này. Tuy nhiên, ở cuộc làm việc này, AVG đã nêu rõ quan điểm của mình. Theo đó, họ khẳng định chỉ đàm phán với VPF sau khi đã thống nhất được với VFF. “Việc ký và thực hiện hợp đồng là giữa VFF với AVG, vì vậy nếu có bất kỳ sự thay đổi nào (nếu có nhu cầu từ VFF) cần phải được thống nhất trước với AVG”, văn bản của AVG khẳng định.
Liên quan đến đề xuất của VFF về chuyển giao hợp đồng cho VPF, phía AVG tuyên bố: “Chỉ xem xét việc thay đổi liên quan tới hợp đồng và đàm phán với VFF về việc này khi và chỉ khi VFF cam kết và đảm bảo VFF vẫn là đơn vị nắm quyền sở hữu bản quyền truyền hình như đã được quy định trong điều lệ VFF và trong hợp đồng đã ký với AVG, đồng thời VFF vẫn là đơn vị đồng chịu trách nhiệm về các vấn đề liên quan trong hợp đồng”.
Đồng thời AVG yêu cầu VFF và các bên liên quan (trong trường hợp này là VPF) tiếp tục thực hiện đúng theo các nội dung của hợp đồng đã ký cho tới khi có thỏa thuận khác được thống nhất giữa các bên. “Không một bên nào có quyền hủy ngang bất kỳ nội dung nào, vì bất cứ lý do gì”, văn bản của AVG nhấn mạnh.
Phía AVG khẳng định nếu VFF đơn phương đàm phán, chuyển giao hợp đồng đã ký với AVG cho VPF trước khi nhận được sự chấp thuận bằng văn bản của AVG, họ “sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”.
Với những tuyên bố này, có thể thấy AVG chưa công nhận tính kế thừa của VPF đối với hợp đồng bản quyền truyền hình. Nói một cách chính xác là họ chưa công nhận việc VFF chuyển giao hợp đồng cho VPF. Trong khi đó, chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là giải hạng Nhất và V.League sẽ khởi tranh. Với thời gian gấp gáp như vậy, AVG đã quyết định chia sẻ miễn phí bản quyền phát sóng trận khai mạc giải hạng Nhất (Trẻ SHB.Đà Nẵng-Đồng Tâm.LA vào ngày 31/12) và V.League (SLNA-Thanh Hóa vào ngày 1/1/2012) cho các đài truyền hình.