Minh Phương (phải) tuy mới đến SHB.ĐN chưa lâu nhưng đã sớm sắm vai thủ lĩnh. Ảnh: Quang Nhựt
Chuyện của Minh Phương
Phút 20 trận SHB.ĐN- K.KH, chủ nhà được hưởng quả phạt trực tiếp từ ngoài vòng 16m50. Huỳnh Đức bật dậy, căng mắt nhìn từng bước đi của Minh Phương. Khán giả Đà Nẵng cũng nín thở chờ điều kỳ diệu có xảy ra không. Nói thế bởi rất nhiều lần đội trưởng ĐTVN và của SHB.ĐN nói riêng đã thực hiện những cú sút phạt thần sầu. Không cần lấy đà nhiều, Phương tung cú cứa lòng, bóng bay hình quả chuối vào đúng góc cao của khung thành đối thủ.
Bàn thắng đấy chính là bước ngoặt của trận đấu, của chiến thắng nhọc nhằn mà SHB.ĐN có được.
Minh Phương chơi không hay trong trận này và anh bị thay ra sớm. Nhiều trận đấu khác Phương cũng không xuất sắc. Có điều, tiền vệ này vẫn để lại được dấu ấn, tầm quan trọng của mình, Có thể, chỉ là cú đá phạt thành bàn, hay vài đường chuyền không lẫn vào đâu được. Tầm ảnh hưởng của Phương lên đồng đội và lối chơi của SHB.ĐN rất rõ ràng. Người ta gọi đấy là phẩm chất thủ lĩnh. Merlo ghi nhiều bàn hơn, nhưng chưa bao giờ người dân Đà Nẵng coi anh là thủ lĩnh. Đấy cũng là lý do để khi Minh Phương bị thay ra, thì chiếc băng đội trưởng mới rơi vào tay tiền đạo Argentina.
Bóng đá Đà Nẵng sản sinh ra nhiều nhân tài. Vấn đề, họ luôn khủng hoảng vị trí thủ lĩnh. 12 năm lên chuyên, đội bóng đã trải qua 3 thế hệ, vậy mà đỏ mắt vẫn không thể tìm ra một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến đội bóng, kiểu không có anh ta thì đội bóng khó ổn. Đấy là điều đáng tiếc, và thực sự đáng suy ngẫm cho bóng đá sông Hàn, khi thủ lĩnh luôn rơi vào gương mặt đến từ nơi khác, kể cả trên băng ghế huấn luyện.
Chuyện của Tấn Tài
Chỉ 13 phút sau khi Minh Phương ghi bàn, đến lượt Tấn Tài làm sững sờ khán giả chủ nhà với bàn thắng đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Nhận bóng trong tư thế rất khó và bị vây ráp bởi rất nhiều cầu thủ chủ nhà, “Cu Tèo” vẫn tự tin đột phá qua hàng loạt áo vàng, bẻ ngoặt cặp trung vệ Phước Vĩnh-Timar trước khi tung cú sút làm thủ môn Thanh Bình chỉ còn biết lắc đầu vào lưới nhặt bóng.
Khi Tấn Tài chấn thương bị thay ra ở phút 72, K.KH như giảm đi một nửa sức mạnh. Đúng vậy, lối chơi của K.KH phụ thuộc quá nhiều vào Tấn Tài. Tiền vệ này di chuyển không biết mệt mỏi, những pha phát động tấn công đều qua đôi chân của tiền vệ nhỏ con này. Nhiều cầu thủ K.KH nói thẳng, nếu Tài không đá thì đội chẳng biết xoay sở ra sao để thắng đối phương.
Cho dù tính khí khá “dị”, nhưng nhiều hành động của Tấn Tài với quê hương cũng đáng để trân trọng. Như anh “Cu Tèo” bỏ tiền mua ô tô chở học sinh quê mình đến trường. Tấn Tài đôi lúc có trở chứng, nhưng ra sân vẫn cháy hết mình. Trong màu áo ĐTQG, tiền vệ này cũng luôn cặm cụi như con ong thợ. Cuối cùng, dù bao cám dỗ đồng tiền nhưng Tấn Tài vẫn ở lại K.KH, và lãnh đạo Khánh Việt vẫn làm mọi cách để giữ biểu tượng này. Họ biết, nếu Tấn Tài ra đi, thì K.KH mất rất nhiều, một khoảng trống không thể thay thế. Có lẽ với bóng đá phố biển, để sinh ra một Tấn Tài thứ hai, sẽ phải mất nhiều thời gian.
Đường đến ĐTQG đã khó, nhưng trở thành một cầu thủ lớn càng gian lao. Không có cách nào khác, là phải rèn luyện thường xuyên cả tài năng (những ngón độc) và tư cách. Nhìn U23 thi đấu tại SEA Games 26 vừa qua, chúng ta tự hỏi ai là thủ lĩnh trên sân. Không ai cả, từ Trọng Hoàng, Thành Lương, Văn Quyết, Đình Tùng. Quả là đáng buồn bởi họ là những niềm hy vọng sẽ là điểm tựa để giúp U23 bay bổng, giải cơn khát vàng cho bóng đá VN tại đấu trường SEA Games, chỉ đổi lại sự thất vọng.
Dường như bóng đá VN, kể cả cấp CLB, đang rơi vào cuộc khủng hoảng thủ lĩnh một cách trầm kha.
Theo Thethaovanhoa.