Đáp lại, VPF đã thẳng thừng từ chối và tuyên bố “Công ty VPF khẳng định chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc không thừa nhận quyền khai thác bản quyền truyền hình của công ty AVG” và việc VPF cho phép VTV “được truyền hình các trận đấu của các giải do VPF tổ chức là phù hợp với các quy định của pháp luật VN”.
Quan điểm của VFF và VPF trong vấn đề bản quyền truyền hình dường như không có chung góc nhìn. Ảnh: VSI
Hành động của VPF khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng, bởi khoan nói tới tính hợp pháp của bản hợp đồng có thời hạn 20 năm giữa VFF và AVG, thì việc VPF công khai từ chối yêu cầu của VFF, tổ chức xã hội nghề nghiệp đã ủy quyền cho VPF đứng ra tổ chức thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp và còn là cổ đông có quyền phủ quyết ở VPF, thực sự khiến người ta phải đặt dấu hỏi về tương lai của Công ty này.
Nên nhớ rằng VFF chỉ ủy quyền cho VPF thay mặt VFF tổ chức Super League, giải hạng Nhất, Cúp QG và Siêu Cúp QG, còn chiếu theo luật của FIFA thì VFF vẫn phải là chủ thể chịu trách nhiệm cao nhất trước FIFA về những giải đấu bóng đá được tổ chức ở VN. Khi cần phải giải trình trước FIFA về bất cứ vấn đề gì liên quan tới giải VĐQG thì đấy phải là VFF chứ không phải VPF.
Nói một cách khác, Super League hay bất cứ một tên gọi nào khác của giải VĐQG nếu muốn được FIFA chính thức công nhận thì trước hết phải nhận được sự thừa nhận của VFF, nếu không thì Super League sẽ chẳng khác nào một giải đấu giao hữu do các ông bầu tự đứng ra tổ chức để chơi cùng nhau.
Dông dài như thế để thấy VFF hoàn toàn có quyền lợi chính đáng với việc sở hữu bản quyền hình ảnh của giải VĐQG chuyên nghiệp, dù là nó mang tên V-League hay Super League. Số lượng các CLB tham dự Super League sẽ thay đổi theo từng mùa bóng, từng năm, nhưng VFF thì vĩnh viễn không thay đổi và luôn là đại diện hợp pháp duy nhất của mỗi nền bóng đá quốc gia trước FIFA.
Cộng thêm việc VFF là cổ đông duy nhất có quyền phủ quyết tại VPF thì tổ chức xã hội nghề nghiệp này hoàn toàn có quyền yêu cầu VPF phải tuân thủ và kế thừa những bản hợp đồng thương mại mà VFF đã ký trước đây, và mọi thay đổi nếu có sẽ phải đạt được sự nhất trí của cả 3 bên, bao gồm VFF, đối tác của VFF và VPF.
Hơn nữa, VFF cũng có 3 đại diện trong HĐQT VPF, và khi Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký vào công văn số 1102/CV-LĐBĐVN cho VPF để đề nghị VPF “tiếp tục thực hiện bản quyền truyền hình” mà VFF đã ký với AVG thì điều đó cũng có nghĩa đấy chính là ý chí của tập thể VFF. Vậy mà VPF không những đã không tuân thủ mà còn thẳng thừng từ chối.
Mới nảy sinh một vấn đề bất đồng là bản quyền truyền hình mà VPF đã cư xử như thế, vậy có gì bảo đảm trong tương lai Công ty này sẽ không để xảy ra những vụ việc tương tự? Không phải ngẫu nhiên mà hôm qua, thay vì tiếp nhận “sự cho phép” của VPF, VTV đã gửi công văn cho AVG và 2 bên nhanh chóng đạt được thỏa thuận về việc sản xuất và phát sóng trực tiếp vòng 1 Super League 2012.
Điều đó cho thấy bài toán bản quyền truyền hình Super League hóa ra không phức tạp như người ta vẫn tưởng, và chỉ cần mang lợi ích của bóng đá VN, lợi ích của người hâm mộ lên làm kim chỉ nam hành động thì bất cứ vấn đề gì cũng có thể giải quyết ổn thỏa, miễn là các bên thực sự có thiện chí với nhau. Người ta chẳng vẫn bảo: “Nói phải củ cải cũng nghe” đấy sao!
Lịch truyền hình trực tiếp vòng 1 Super League 2012 1. Trận HA.GL-V.Hải Phòng trên sân Pleiku vào lúc 16h10 ngày thứ Bảy 31/12/2011, do VTV trực tiếp 2. Trận Hà Nội FC-HN.T&T trên sân Hàng Đẫy vào lúc 16h10 ngày Chủ nhật 1/1/2012, do VTV truyền hình trực tiếp 3. Trận N.SG-Sài Gòn FC trên sân Thống Nhất vào lúc 16h10 ngày Chủ nhật 1/1/2012 do HTV TP.HCM thực hiện. 4. Trận V.NB-TĐCS.ĐT trên sân Ninh Bình vào lúc 16h10 ngày Chủ nhật 1/1/2012 do Đài Phát thanh-Truyền hình Ninh Bình thực hiện. 5. Trận SHB.ĐN-K.KH trên sân Chi Lăng vào lúc 18h30 ngày Chủ nhật 1/1/2012 do Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng thực hiện. 6. Trận SLNA-Thanh Hóa trên sân Vinh vào lúc 16h10 ngày Chủ nhật 1/1/2012 do AVG và VTV thực hiện. |
Theo Thethaovanhoa.