Bản quyền Ngoại hạng Anh: “Mình xác định giá cao quá thì buông”
Thứ năm, 19/11/2015, 10:28
Cuộc đua giá bản quyền Ngoại hạng Anh liệu có tiếp tục bị đẩy cao tại Việt Nam?... “Các đơn vị truyền hình trả tiền cũng nhận thấy rằng tính hiệu quả của giải Ngoại hạng Anh không đến mức quá lớn so với số tiền bỏ ra mua bản quyền. Nhiều đơn vị có tiềm lực cũng không quá mặn mà nữa”.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiến nghị không cho các đơn vị truyền hình trả tiền và các đài mua giải Ngoại hạng Anh bằng mọi giá.
Đó là quan điểm của ông Lê Đình Cường, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) trong cuộc trao đổi với VnEconomy, ngay sau khi đơn vị này chính thức kiến nghị Chính phủ chỉ đạo về giá mua bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2016-2019 với mức như mùa giải 2013-2016 hoặc cao hơn dưới 20%.
Ông Cường nói:
Năm nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã vào cuộc kịp thời, sau khi có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình bản quyền giải Ngoại hạng Anh tăng quá nhanh và nhiều. Bộ đã tổng hợp ý kiến của các cơ quan truyền thông Việt Nam, một số đơn vị nghiên cứu về bản quyền truyền hình để có báo cáo và đề nghị hai yêu cầu cơ bản.
Thứ nhất, không cho các đơn vị truyền hình trả tiền và các đài mua giải Ngoại hạng Anh bằng mọi giá.
Và thứ hai là mua với mức giá hợp lý. Nếu mùa giải 2013 - 2016, các đơn vị truyền hình của Việt Nam phải bỏ khoảng gần 40 triệu USD thì năm nay cần xem lại.
Sau đó Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản gửi cho các đơn vị VOV, VTV, VNPayTV và một số cơ quan liên quan khác về kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Không còn quyết liệt
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản đề nghị các đơn vị truyền hình, truyền thanh không mua bản quyền Ngoại hạng Anh bằng mọi giá và việc VNPayTV kiến nghị Chính phủ giá mua bản quyền mùa giải tới cao dưới 20%, có thể thấy cuộc đua giá bản quyền giải đấu này nhiều khả năng tiếp tục bị đẩy cao, như một số phân tích có thể lên tới 100 triệu USD tại Việt Nam?
Tôi nghĩ chắc chắn rằng sẽ không gay gắt như các mùa giải trước đâu. Giá bản quyền cũng không thể đẩy lên tới trăm triệu USD như vậy.
Vì các đơn vị kinh doanh truyền hình trả tiền cũng đã nhận thấy tính hiệu quả của giải Ngoại hạng Anh không như kỳ vọng và không quá lớn so với vốn đầu tư bỏ ra mua bản quyền.
Còn quan điểm, động thái của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông và kiến nghị của hiệp hội là cơ sở, hành lang để các đơn vị căn cứ vào đó định hướng và đàm phán trong việc mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh mùa giải tới.
Không có chỉ đạo thì không được. Không có thì rối lắm.
Ông có thể nói cụ thể hơn về những lý do cho thấy tính hiệu quả của giải Ngoại hạng Anh đang không được như kỳ vọng của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền được không?
Mùa giải 2013-2016, K+ mua được gói độc quyền ngày Chủ Nhật (Super Sunday) và trận đấu sớm của ngày thứ Bảy. Những trận đấu này chủ yếu cho nhóm Big Four (Man City, M.U, Arsenal và Chelsea - PV) hoặc top 10 đá vào giờ đó.
Như ba mùa giải vừa rồi, các top 4 và 10 không phải đều đá vào Chủ Nhật và trận sớm ngày thứ Bảy, do những đội này thường đá C1 hoặc C2, nên được ưu tiên đá vào khung giờ bình thường của ngày thứ Bảy, thậm chí đá vào ngày thứ Hai hoặc thứ Tư. Vì thế, các công ty truyền hình thấy không thực sự hiệu quả.
Thứ hai là trong gói độc quyền, nếu so với mùa 2010-2013, lượng người hâm mộ giải đấu này có thể vẫn giữ nguyên và tăng lên, nhưng người ta không say mê bằng mọi giá như trước đó. Tôi nghĩ những người làm kinh doanh đã nhìn nhận được điều này.
Tôi có thể khẳng định những người say mê bóng đá Anh, đặc biệt là Super Sunday cũng chỉ chiếm khoảng 10% dân số, trong đó chủ yếu là người trẻ và một bộ phận người cá độ. Nhưng không phải tất cả số đó đều xem ở nhà mà họ còn xem ngoài quán.
Các đơn vị có tiềm lực tài chính như SCTV, VTVcab hay đơn vị mới là Viettel cũng không thấy mặn mà một cách quyết liệt. Thậm chí bản thân như K+ động thái cũng không hăng hái lắm.
Từ các yếu tố trên cộng với động thái của Chính phủ, bộ ngành nên chắc chắn mức độ cạnh tranh quyết liệt để mua bằng được giải Ngoại hạng Anh sẽ không gay gắt như ba mùa giải trước.
Cơ sở mình đặt ra ngưỡng mua không quá 20% là gì, thưa ông?
Bản quyền giải Ngoại hạng Anh đều tăng lên trên thế giới, không chỉ tăng ở Việt Nam.
Mình đặt không quá 20% tức bằng tâm lý rất tiếp cận với nền văn hóa và xu hướng giải trí hiện đại của thế giới. Bình thường, cứ tăng cao hơn là không mua nữa, vì nó chẳng có gì liên quan, đụng chạm đến quyền lợi, cuộc sống hàng ngày của người dân, không phải hàng hóa hay dịch vụ thiết yếu.
Ngoài ra, trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay mà bỏ ra tới trăm triệu USD để phục vụ một giải trí không phải là thiết yếu cho 10% dân số thì không đáng.
Tóm lại, chúng ta không nên để cho các nhà đầu tư này ép giá.
Bán có dễ?
Công ty MP&Silva đã trúng thầu gói bản quyền nghe nhìn giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL) giai đoạn 2016-2019 tại 28 quốc gia Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là cái tên không xa lạ, vì mùa giải 2010 - 2013 họ đã trúng thầu giải ELP và bán bản quyền cho K+ và thu về khoản lãi gần 6 triệu USD. Nhiều người nhìn nhận, bằng sự “trở lại” này, với kinh nghiệm đã có tại thị trường Việt Nam, MP&Silva sẽ tiếp tục bội thu?
Không biết MP&Silva đã mua bản quyền EPL cho khu vực, trong đó có Việt Nam với giá bao nhiêu, nhưng chắc sẽ không hề rẻ, tôi đoán có thể không dưới mức 60 triệu USD cho ba mùa giải (từ 2016-2019). Giá như thế là quá cao.
MP&Silva hay bất cứ công ty nào khi trúng thầu bản quyền EPL cũng sẽ phải tìm cách bán để có lời nhưng bán theo kiểu nào thì chưa biết.
Trước đây họ chia ra các gói, trong đó gói Super Sunday bán dạng độc quyền (K+), gói còn lại bán cho các đài, tất nhiên là số tiền phải như thế nào thì tổng số tiền thu được mới cao như vậy.
Mùa giải này, nếu giá trúng thầu quá cao như trên thì chắc chắn họ cũng sẽ phải tìm mọi cách kinh doanh để thu lời lớn.
Tuy nhiên, năm nay, xu hướng đóng gói ngày Chủ Nhật cũng không dễ vì các đơn vị truyền hình sẽ thận trọng hơn khi mua gói đấy. Bởi như mùa giải trước, nhiều hôm có cả những đội không nằm trong top 4 hay top 10 cũng đá ngày Chủ Nhật, ai xem?
Tôi tin Chính phủ, thông qua kiến nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị truyền hình, cũng thống nhất không mua nếu giá tăng quá 20% so với mùa giải trước. Dư luận cũng đồng tình ủng hộ, bởi họ có thể xem trên Internet.
Hi vọng giá bản quyền giải EPL mùa giải tới đây sẽ đảm bảo được yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông và giải đấu này sẽ vẫn có trên thị trường truyền hình Việt Nam.
Như vậy, có thể hiểu, MP&Silva với bản quyền EPL mùa giải tới, muốn bán giá cao ở thị trường Việt Nam cũng không dễ?
Việc Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông có những động thái, quan điểm như vậy là làm cơ sở, còn căn cứ chính vẫn là tiềm lực tài chính.
Cụ thể, đầu tiên là tiềm lực tài chính và thứ hai là như các yếu tố tôi đã phân tích ở trên. Như ba mùa giải vừa rồi K+ mua được bản Super Sunday nhưng họ kinh doanh cũng đâu hiệu quả.
Nước ngoài họ nghĩ rất đơn giản. Năm ngoái MP&Silva “buông” ở khu vực châu Á nhưng IMG của Mỹ lại thắng lớn, nhưng năm nay họ không chơi. Mọi người bình luận MP&Silva chiếm rất nhiều thị trường ở châu Á, Đông Nam Á… tuy nhiên năm nay sẽ khó khăn. Bởi không chỉ Việt Nam, châu Á mà tình hình kinh tế chung của thế giới hiện nay là đều khó khăn.
Với thực tế này thì MP&Silva bán được giá trúng thầu cũng khó.
Giả sử mình không mua với giá quá cao như chỉ đạo, đề xuất trên, và ngược lại, MP&Silva cũng không bán thấp hơn giá họ mua - như ông dự tính là trên 60 triệu USD - thì sao?
Họ đã trúng thầu, đã mua rồi thì kiểu gì cũng sẽ tìm cách bán thôi, thậm chí lỗ cũng bán, chẳng lẽ để không à? Còn bán thế nào để thu hồi lại là việc khác.
Mình xác định giá cao quá thì buông, không anh nào được mua.
Xét ở góc độ nào đó, chính nhu cầu phát triển thuê bao, đặc biệt là với các doanh nghiệp truyền hình trả tiền mới gia nhập thị trường, nên người ta mới quyết tâm mua bản quyền EPL và đẩy giá lên cao như vậy?
Mùa giải 2013-2016, các đơn vị nhìn nhận rằng, có EPL thì sẽ phát triển nhanh thuê bao. Nhưng nhìn vào K+ thì ai cũng biết, họ phát triển được từ 400 nghìn lên 600 nghìn thuê bao, như vậy chắc chắn là không hiệu quả.
Nếu doanh nghiệp thống nhất, không anh nào mua thì đâu phải cạnh tranh nhau.